Friday, March 22, 2013

11. “ROMEO BỊ BẮT… " / Phần III


Phần III
SỰ NGỤY TRANG
(1965-1967)


Ngày 22/10/1964, bốn biệt kích thuộc toán ALTER nhảy dù xuống Lai Châu để tăng cường cho toán REMUS. Toán trưởng được chỉ định lúc đầu là Quách Rang đang bị mắc kẹt ở Buôn Mê Thuột, vì phải đối phó với cuộc nổi dậy của người thiểu số nên không đi cùng toán như đã dự kiến. Ngày 14/11, Rang với cương vị là chỉ huy phó đã cùng toán GRECO thực hiện việc tăng cường. Tháng 5, năm biệt kích nữa thuộc toán HORSE, dưới sự chỉ huy của Quách Nhung, được thả dù xuống Sơn La tăng viện cho toán TOURBILLON. Tất cả đều được Bộ Công an "đón tiếp".

Lúc này, nhiều sư đoàn quân Mỹ đang kéo vào Nam Việt Nam. Cuộc leo thang với số lượng lớn bộ binh Mỹ dẫn đến việc quân Mỹ vào tham chiến ngày càng trở nên công khai. Các hoạt động biệt kích bí mật của MACSOG đang được thay thế bằng cuộc chiến tranh mở rộng. Với sự hỗ trợ của Cục tình báo quân đội (DIA), MACSOG bắt đầu chuyển hướng từ hoạt động biệt kích sang hoạt động do thám để hỗ trợ cho một màng lướt tình báo có thể thông báo tin tức một cách mau lẹ hơn.

Mùa xuân năm đó, MACSOG được thông báo tiếp quản các phi vụ vượt biên giới sang Nam Lào. Căn cứ huấn luyện quân sự Long Thành đầy ắp lính mới tuyển để phá đường mòn Hồ Chí Minh vừa mới phôi thai. Một số học viên là nhân viên cũ của Sở chỉ huy kỹ thuật chiến lược nhưng phần lớn bọn họ đều được tuyển từ 1962 cùng tham gia xây dựng căn cứ với các lính mới.

Mùa thu 1965, chín biệt kích của toán DOG và ba của toán GECKO nhảy dù xuống Sơn La tăng cường cho toán EASY. Ngày 7 tháng 11, 8 biệt kích toán VERSE nhảy dù xuống Sơn La tăng cường cho toán TOURBILLON. Tất cả đều đã bị Công an nhân dân vũ trang đón bắt hết.

Cũng tháng đó, toán ROMEO đã sẵn sàng xuất phát, mười một thành viên của toán biết rằng nhiều biệt kích đã nhảy dù xuống trước họ tại một khu vực hạn chế trong năm 1965 chính họ là những người thay thế cho các toán mà họ bị đánh lừa và nghĩ rằng đang hoạt động sâu trong lòng miền Bắc. Không một người nào từ miền Bắc trở về, thế nhưng điều đó đã được sỹ quan huấn luyện giải thích rằng họ còn hoạt động ở miền Bắc. Mọi người đều hăng hái và muốn được đi. Các sỹ quan huấn luyện lực lượng đặc biệt Mỹ-Việt đều phấn khởi, không có một lời bóng gió, ám chỉ nào cho rằng đã có một điều gì đó sai lầm.

Toán ROMEO bắt đầu nhận lệnh tung vào miền Bắc, tới địa điểm tập kết, đợi lệnh và chuẩn bị nằm vùng chờ đợi 2 năm. Ngoài ra, nó cũng chẳng nhận được lệnh phải làm gì sau khi tới miền Bắc. Cả toán nghiên cứu bản đồ chỉ rõ địa điểm nhảy dù và nơi tập kết, tất cả đều có vẻ rõ ràng, không có gì rắc rối: Ra miền Bắc rồi sẽ biết phải làm gì. Đó là cách làm việc của quân đội Mỹ.

Chỉ thị hoạt động trong khu vực hạn chế này nhấn mạnh rằng đây là một hoạt động chống cộng, bảo vệ thế giới tự do. Trong toán ai cũng biết điều đó, họ tin vào điều đó và sẵn sàng chiến đấu vì nó.

Sau này, các toán viên của toán ROMEO nhớ lại lời nhận xét của một huấn luyện viên nói khi gần hết khoá học:
- Cứ một ngàn người tung ra Bắc, chúng tôi chỉ cần một người hoạt động thành công là may mắn rồi. Tôi nói điều này vì không muốn các anh nghĩ rằng mọi người chúng tôi đánh đi đều hoạt động thành công cả. Nói tóm lại càng có nhiều người hoạt động thành công càng tốt. Chỉ có vậy thôi. Anh hoạt động thành công hay không, điều đó không thành vấn đề. Tất cả các anh đều được coi là thành công cả. Điều quan trọng nhất của toàn bộ hoạt động là ý chí, các anh sẵn sàng trở lại miền Bắc để chống cộng.

Sáng 19 tháng 11, toán ROMEO cất cánh từ Long Thành trên chiếc máy bay vận tải cùng với tổ lái người Mỹ, bay đến căn cứ trung chuyển Khe Sanh, đến chiều các biệt kích được đưa lên hai trực thăng để đến địa bàn tác chiến. Chiếc thứ ba chở các sĩ quan tác chiến Mỹ và Việt đã đi theo họ từ Long Thành để chứng kiến cuộc đổ bộ xuống khu vực đã định.

Ba chiếc cùng cất cánh một lúc và bay rất thấp qua không phận Lào. Vào lúc 4 đến 5 giờ, họ hạ cánh gần đường mòn Hồ Chí Minh tại khu vực Vitulu gần biên giới Lào, thuộc huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình. Toàn toán nhanh chóng dỡ hành lý và rời xa nơi đổ bộ.

Toán ROMEO liên lạc bằng điện đài với Sở chỉ huy để báo họ đã đổ bộ an toàn và đang hành quân đến điểm tập kết đã định. Thế nhưng quãng đường 10 km tưởng như là cuộc dạo chơi đã trở thành một cuộc hành trình 5 ngày bò lê bò càng. Vì địa hình trên mặt đất không phải như mô tả trong bản đồ.

Toàn toán kết luận rằng họ đã theo đúng chỉ dẫn để đi đến nơi tập kết, và việc họ không đến được nơi tập kết không phải do họ không biết sử dụng la bàn, bản đồ. Rõ ràng là họ đã được thả xuống sai địa điểm. Họ bị lạc hoàn toàn, không còn biết mình đang ở đâu hoặc thậm chí đã đổ bộ xuống đâu? Họ đã dựa vào những điểm giống nhau nhất định giữa địa hình và mô tả trong bản đồ để di chuyển, phần lớn các điểm này rất giống nhau. Họ bị lạc nhau hoàn toàn, thậm chí không còn nghĩ được mình đang ở đâu hoặc xác định được nơi mình đổ bộ xuống.

Họ điện báo khẩn cho Sở chỉ huy và được trả lời đúng là họ đã bị đổ bộ sai địa điểm, cách giải quyết là Sở chỉ huy phải xác định vị trí xem toán đang ở đâu mà hướng dẫn họ đến đúng điểm tập kết.

Ngày lại ngày, lương thực sắp cạn kiệt. Sáu tuần lễ lặn lội trong rừng lạ, chỉ có Sở chỉ huy biết rõ là họ đang ở đâu và đang đi về hướng nào. Thế rồi tai hoạ xảy đến. Cuối cùng, Sở chỉ huy báo đã xác định được chỗ họ đang ở và thông báo cho họ chuẩn bị nhận tiếp tế bằng thả dù.

Toàn toán dọn sạch chỗ đậu máy bay, trải một tấm pa-nen hình chữ ĨTtrên mặt đất để đánh dấu chỗ cho máy bay thả dù mà họ có thể nhìn thấy máy bay tới từ xa. Họ kinh hoàng khi thấy máy bay thả đồ tiếp tế cách đấy 4 đến 5 km mà nếu đường tốt cũng phải mất nhiều ngày mới đi tới được.

Trong khi đang suy nghĩ về lũ ngu xuẩn trên không thì họ nghe thấy tiếng động lạ, tiếng cười nói và té nước ở con suối gần đó. Dò la cẩn thận thì ra 5 lính miền Bắc đang đùa cười, chất bếp, đun nấu, ăn chiều và cuối cùng họ mắc võng để ngủ qua đêm mà không hề biết có một toán biệt kích với đầy đủ vũ khí đang giám sát họ chặt chẽ .

Toán ROMEO rơi vào thế lúng túng nên phải bàn bạc cách xử trí. Vì chưa đến thời điểm liên lạc điện đài nên không thể mở máy liên lạc với chỉ huy sở lúc này hay gọi máy bay bắn phá được. Bị mất đồ tiếp tế cho nên cần được tiếp tế lại ngay, thế nhưng thả dù xuống thì đội tuần tra của địch sẽ biết. Họ đi đến nhất trí và nhanh chóng vây bắt không khó khăn gì đối với 5 người lính tuần tra miền Bắc đang ngủ say.


Năm người này là lính Biên phòng tỉnh Quảng Bình. Qua khai thác, họ biết là lực lượng Công an biên phòng đang lùng sục toán này, vì có lẽ là do những người chăn súc vật trên đỉnh núi báo rằng có mấy trực thăng thả biệt kích xuống khu vực này.

Trong khi khai báo, rõ ràng những người bị bắt đã không khoe khoang khi họ nói rằng suốt dọc biên giới được canh phòng cẩn mật, không gì có thể lọt qua được. Một hệ thống báo cáo tin tức từ xóm, làng đến tận Sở chỉ huy Công an Biên phòng tỉnh.

Toán ROMEO không biết xử lý ra sao. Theo bài học ở Long Thành thì phải giết ngay 5 người này. Đó là cách duy nhất để các biệt kích có thể bảo đảm rằng các lực lượng miền Bắc không thể biết được địa điểm chính xác của toán, thế nhưng rõ ràng là người Bắc Việt đã biết họ đang ở khu vực này và đang lùng sục họ.

Lý thuyết đã đi ngược lại bản chất con người. Bài học ở trường là một việc, nhưng bây giờ đối mặt với kẻ thù, họ lại lưỡng lự. Sau ba ngày đấu tranh khốn khổ, viên toán trưởng đã ra lệnh thả những người bị bắt. Toán chuyển ngay đi chỗ khác để tránh khỏi bị bắt và cũng không đánh điện báo cáo Sở chỉ huy những gì đã xẩy ra. Một tuần sau, ngày 14/1/1966, toán ROMEO bị bao vây giữa vòng hoả lực phục kích được chuẩn bị kỹ của lực lượng phối hợp giữa quân đội nhân dân, công an biên phòng và dân quân. Hẳn là năm người bị bắt, được thả về đã báo cáo đơn vị về việc họ bị toán biệt kích bắt.

Sau khi bị bắt, các toán viên bị trói bằng dây điện thoại và bị lục soát, đồ đạc của họ được thống kê cẩn thận. Một cuộc hỏi cung chớp nhoáng họ đã phát hiện ra hai nhân viên điện đài. Cả hai đều bị bắt cùng với radio và mật mã. Cả hai bị tách riêng và đem đi nơi khác.

Số còn lại bị đưa đi qua đường núi mất gần một tuần lễ thì đến phía tây thị trấn Đồng Hới, và bị tống vào nhà giam là dãy nhà lá thay cho nhà tù mọi khi của Đồng Hỡi vì sợ bị oanh kích. Họ bị giam ở đấy gần sáu tháng.

"Ông thượng uý công an cầm súng dí vào đầu tôi", một trong hai nhân viên điện đài của toán ROMEO nói. Lúc bấy giờ là mùa thu năm 1973. Bảy năm rưỡi sau anh ta mới gặp lại đồng đội tại trại giam Quyết Tiến ở tỉnh Hà Giang. Còn một người khác trong toán vẫn bị giam giữ ở đâu đó cho mãi đến cuối năm 1979 mới gặp lại đồng đội, khi hầu như tất cả các biệt kích còn sống sót đều tập trung lại tại trại giam Thanh Phong, tỉnh Thanh Hóa.

"Tôi biết ông ta sắp sửa bắn tôi nhưng vì lý do gì đấy, lại thôi. Tôi nói tôi có thể cộng tác với họ đánh điện đài, nhưng tôi nói rõ là tôi chỉ đồng ý chuyển các bức điện xin tiếp tế chứ không xin thay người".

Nhiều năm sau, trong lúc nói chuyện, người đồng đội ngày trước có hỏi anh ta điều gì đã xảy ra. Sau 14 năm trời, nhiều nỗi tức giận ban đầu cũng đã tiêu tan.

THINHRAZOR21428
23-02-2009, 15:57
Nhân viên điện đài nói: "Bộ Công an có một đơn vị đặc biệt thuộc tổng cục an ninh quốc gia và họ..."
Anh ta mô tả đơn vị đặc biệt quản lý các nhân viên điện đài được các sỹ quan An ninh Quốc gia tuyển dụng và làm việc dưới sự chỉ huy của Cục phản gián thuộc Tổng cục An ninh Quốc gia. Họ hoàn toàn không có liên lạc với bất cứ người nào khác và có đường dây thông tin riêng biệt. Viên thượng uý từ đơn vị đặc biệt này của Bộ được cử xuống để quản lý các nhân viên điện đài của toán ROMEO.

"Anh biết đấy", anh ta nói tiếp: "Tôi có ám hiệu riêng chỉ có tôi mới biết dùng một cách riêng để báo trong bức điện về Sở chỉ huy điều gì đã xảy ra. Tôi hình dung họ có thể gửi tiếp tế lại nhưng nếu họ biết chúng tôi đang bị áp lực phải đánh điện thì họ sẽ không dám gửi quân tiếp viện vì sợ bị giết".

Sau khi bức điện được giải mã, người điện báo viên này biết rằng chỉ huy Sở sẽ gửi thêm người để tăng viện. Trong trường hợp này anh ta biết cần phải làm gì và quyết định liều mạng đánh điện rõ ràng, không dùng mật mã.

"Tôi đánh điện đi hai lần trước khi viên thượng uý phát hiện điều gì đã xảy ra. Tôi đánh hai lần, rất nhanh: "toán ROMEO đã bị bắt", "toán ROMEO đã bị bắt".

Ông ta đứng cạnh tôi, rút súng lục ra giám sát tôi đánh điện và khi phát hiện ra điều tôi đã làm ông ta đẩy tôi ra, dí súng vào đầu tôi. Tôi biết ông ta muốn bắn tôi chết tại chỗ, nhưng ông ta đã không bắn.

Nhân viên điện đài này được giữ lại đó thêm hai ngày và sau đó nhận thêm được một bức điện nữa của Sài Gòn gửi ra. Lúc đó một nhân viên an ninh khác được cử đến để thu bức điện. Bức điện nói rằng bức điện hôm trước Hanh, điệp báo viên, đánh đi là sai. Hanh bị đẩy khỏi máy, bị đánh đập, bị tống vào nhà tù.

Người bạn cùng toán với nhân viên điện đài này quay mặt đi. Phải chăng những điều anh ta nói là sự thật?

Ngay từ đầu, hai điện báo viên đã bị cách ly khỏi đồng đội và đem đi, không ai biết họ bị đem đi đâu. Ngoài ra, người ta tin là bọn nhân viên điện đài đã nói láo, bịa chuyện về những gì xảy ra sau khi họ bị bắt. Vậy tại sao phải tin vào chuyện này? Câu chuyện này chẳng có gì đáng tin cả.

Các tù nhân khác nói rằng họ nghe nói là một số nhân viên điện đài đã chuyển tin đi từ Hà Nội, chúng ở một nơi nhưng đánh điện về báo cáo lại nói là ở nơi khác. Hơn nữa họ không bao giờ được tham gia vào việc mã hoá và giải mã bất cứ bức điện nào, nên họ không thể nào biết nội dung các bức điện họ đánh đi. Công việc duy nhất của họ là chuyển các bức điện đi, đảm bảo cho chỉ huy ở Sài Gòn hài lòng là điện báo viên không bị thay đổi. Sỹ quan Công an làm công việc mã hoá và giải mã. Người bạn cùng toán với nhân viên điện đài này chắc chắn rằng anh ta đã nói dối.

Mỗi điện báo viên có cách đánh điện riêng của mình. Chỉ huy Sở Sài Gòn có một băng cátset ghi lại đặc điểm của từng người để bảo đảm rằng nếu người Bắc Việt Nam thay thế người của họ vào sẽ bị phát hiện ngay. Hơn nữa, Sài Gòn còn có máy dò hướng xuất phát các bức điện để giúp họ phát hiện ra địa điểm điện báo viên phát đi các bức điện. Do đó Công an miền Bắc không thể điều khiển một điện báo viên bị bắt trong một thời gian dài nếu họ không giữ cố định nơi phát đi các bức điện. Chỉ huy Sở Sài Gòn chắc là phải biết rằng các điện báo viên của họ đang bị đối phương khống chế và đã quyết định cứ cho hoạt động này tiếp tục để biết ý đồ của miền Bắc muốn gì. Khi anh ta nghĩ về điều này và nhớ lại những gì Sở chỉ huy đã làm và những người đã cử ra Bắc, anh ta càng thấy rõ là họ không bao giờ cử một nhân vật quan trọng nào trong các phi vụ ra Bắc. Phải chăng đấy là chứng cứ cho thấy rằng họ đã biết hoạt động này đã bị vô hiệu hoá? Phải chăng họ đang chơi lại miền Bắc bằng cách tiếp tục gửi các toán biệt kích ra Bắc để phát hiện ý đồ và kế hoạch của họ?

Ít ra cũng có một điều an ủi. Tất cả các toán viên đều đã ký hợp đồng khi họ tham gia chương trình bí mật trong đó có các điều khoản đảm bảo quyền lợi nếu họ bị bắt hoặc coi là mất tích. Một ngày nào đấy họ sẽ được trở về và một cái gì đó đang chờ đợi họ, hy vọng là như vậy.

Những tuần lễ đầu bị giam ở phía Tây Thị xã Đồng Hới, toán ROMEO bị thẩm vấn hết ngày này sang ngày khác. Những người thẩm vấn của Ty Công an Quảng Bình và ở Công an ở Hà Nội cử vào. Có các cuộc không kích, nhưng không rõ ai ném bom và mục tiêu nào đang bị đánh phá.

Một ngày tháng 3/1966, một tù binh mới đến "Anh là ai?”, một biệt kích hỏi nhỏ anh ta.

“Tên tôi là Nguyễn Quốc Đạt" - Anh ta trả lời khẽ.

"Tại sao bị bắt?"

"Tôi là phi công. Tôi đang thực hiện một phi vụ không kích thì bị trúng đạn, nhảy dù, bị bắt vào đây".

Đạt thuộc không lực Việt Nam Cộng hoà, chỉ bị giữ mấy ngày ở đây rồi được chuyển từ Quảng Bình ra Hoả Lò Hà Nội. Đạt đã trở thành nhân vật cho cánh tù biệt kích xì xào bàn tán. Câu chuyện của anh ta lan truyền từ người này sang người khác. Đạt là tù binh của miền Bắc, nhưng anh ta đã chiến đấu chống lại họ. Đấy là điều mà tất cả bọn họ đã muốn làm. Bằng cách riêng, họ đã hoan hô anh ta và có một chút ghen tị với anh ta.

Cũng như các toán đi trước và các toán sau này, các toán viên ROMEO đều ký hợp đồng lao động với Sở kỹ thuật chiến lược theo yêu cầu của MACSOG và điều lệ nhân viên dân sự được áp dụng cho cả các tình báo viên cũng như những người không phải tình báo viên. Việc ký hợp đồng này được thực hiện mỗi khi có người mới tuyển cho chương trình hoạt động bí mật này.

MACSOG không trực tiếp ký hợp đồng vì theo chính sách của Mỹ phải sử dụng tổ chức của chính phủ Nam Việt Nam và thay mặt Mỹ ký hợp đồng tiến hành các hoạt động biệt kích chống Bắc Việt Nam. Điều này nhằm mục đích làm cho Mỹ dễ dàng chối bỏ, và cho phép Mỹ có thể rêu rao rằng đó là các hoạt động không phải do Mỹ chỉ huy. Các hợp đồng đó cũng cần để đảm bảo có đủ số lượng điệp viên trong biên chế vì Miền Nam thường thay chính phủ luôn luôn. Đại tá Clyde Russell-Tư lệnh đầu tiên của MACSOG đã nói:
- Đại tá Hổ về quân sự mà nói là người rất kém… là một cựu chủ nhà băng… là người có thể chấp nhận được về chính trị, đã sống sót qua các cuộc đảo chính… Tôi thấy thương hại cho ông ta khi bắt chính phủ của ông ta đi theo hướng của chúng ta. Một tháng sau chúng ta lại làm lại, lại phải bắt đầu từ đầu và lại bắt chính phủ ông ta đi theo hướng của chúng ta. Khi tôi ở đấy chúng tôi đã phải làm đi làm lại 4-5 lần như vậy. Vì bản chất yếu đuối, nói như vậy về ông ta có thể không đúng lắm, nhưng tôi thấy rằng tôi có thể bảo ông ta làm bất cứ gì mà Mỹ muốn họ làm… Có những lúc ông ta muốn giải thể chương trình biệt kích không vận vì ông ta cảm thấy rằng chúng ta không thể đưa những người đó ra miền Bắc, nhưng lại vì bản chất yếu đuối nên chúng tôi gây áp lực buộc ông ta đồng ý và thế là … chúng tôi quay lại tổ chức các toán biệt kích không vận như từ đầu.

Các quyết định về các toán viên toán ROMEO cũng như các toán biệt kích khác về các nhiệm vụ biệt kích ở miền Bắc đã bị thay đổi về tinh thần và ý đồ trong việc dàn xếp ký hợp đồng với các điệp viên khi tuyển dụng họ. Khốn thay, chẳng ai nói cho họ biết cả. Sự thay đổi này áp dụng cho cả các hợp đồng đã ký với những người còn ở tù ngoài Bắc, những người đang huấn luyện ở Miền Nam và cho cả những người mới tuyển vào chương trình bí mật này. Theo lệnh đại tá Donald Blackburn, Tư lệnh MACSOG, nhiều điều khoản cụ thể đã bị thay đổi Sự thay đổi này được thực hiện mà không đếm xỉa gì đến các thoả thuận trước khi tuyển dụng, và nó cũng không bao giờ được thực hiện bằng lời văn trong giấy uỷ quyền do mỗi điệp viên làm vài tháng trước khi được đưa ra Bắc. Tóm lại, MACSOG vẫn hứa một số quyền lợi nhất định đối với các điệp viên và người nhà của họ trong khi đó lại cố tình phớt lờ các cam kết làm cho các biệt kích phải mạo hiểm cuộc sống của mình để phục vụ cho lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.

Theo đại tá John.J. Windsor, thuộc Bộ tư lệnh quân đội Mỹ USMC, trưởng ban tác chiến của MACSOG, đến MACSOG vào tháng 6 năm 1965, trước khi toán ROMEO được đánh đi thì thay đổi này xây ra từ năm 1966. Năm 1969, ông ta đã mô tả sự thay đổi này trong các hợp đồng của biệt kích với Hội đồng tham mưu trưởng liên quân.

Mối liên hệ chính của tôi với đối tác Việt Nam là đại tá Hổ, một đối tác Nam Việt Nam của đại tá Blackburn… Chúng tôi quan hệ với nhau chẳng có vấn đề gì. Tôi xin dẫn chứng một ví dụ.

Như anh biết, chúng tôi đã mất khá nhiều điệp viên (người Việt) ở miền Bắc, theo chính sách thì chúng ta vẫn tiếp tục phải trả lương như thể là họ chưa bị chết. Sau 6 hoặc 8 tháng ở đấy danh sách thân nhân của họ mà chúng ta phải trả lương tháng lên đến con số lớn. Đại tá Blackburn bàn với tôi rằng ông ta muốn trả cho họ một khoản tiền tử tuất và cắt khoản lương tháng phải trả cho gia đình. Tất nhiên đây làmột vấn đề gay cấn, tôi đến gặp đại tá Hổ để giải thích cho ông ta. Trước tiên tôi hỏi ông ta có bao nhiêu điệp viên thuộc dạng này. Tôi biết câu trả lời của ông ta trước khi đặt câu hỏi. Hổ phải hỏi ý kiến ban tham mưu của ông ta. Khi tôi nói với ông ta điều chúng ta muốn làm, họ đã hợp tác hoàn toàn với tôi…Chúng tôi giảm số người chết dần dần bằng cách công bố số người chết hàng tháng rất nhiều, cho đến lúc tất cả đều chết hết (để trả tử tuất) và xoá tên trong số lương trả hàng tháng. Chúng tôi làm thế để tránh bị phê bình là số tiền này đã biến đi đâu mất. Phản ứng đầu tiên của đại tá Hổ là ông ta không muốn để các biệt kích và người thân của họ biết là chúng ta đã mất nhiều người như thế. Đấy là lý do tại sao bản thân ông ta đã không làm như vậy nhưng tuy nhiên ông ta cũng đã đồng ý với đề nghị nói trên của chúng tôi.

Tôi nghe rất nhiều lời chỉ trích của đại tá Hổ và thiếu tá Bình và nhiều người Việt khác nữa; bởi vì họ có cách nhìn khác về cuộc sống. Bọn họ thường nói: "Các ông chỉ ở đây một năm rồi về Mỹ, bọn tôi đã đánh nhau trong chiến tranh này 15 năm rồi và không biết còn phải đánh nhau bao nhiêu nữa". Bọn họ có cách nhìn khác và tôi thấy không phải họ thiếu trách nhiệm hay thiếu năng lực thực thi nhiệm vụ của mình. Điều tôi muốn nói là họ không tham vọng một cách tích cực và không năng động như người Mỹ, nhưng tôi cảm thấy rằng nói chung họ đều có khả năng cả.

Đại tá Windsor chắc phải biết rằng đa số biệt kích đều bị bắt. Việc họ bị bắt thường được miền Bắc làm rùm beng và Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, EIA Và Macsog đều biết quá rõ. Tại sao, ông ta lại có thể khẳng định các biệt kích đều chết trong khi hồ sơ của ông ta cho thấy thì việc họ còn sống hay chết vẫn chưa rõ ràng.


Nhiều trường hợp các điện báo viên vẫn đánh điện báo cáo thường lệ về Sài Gòn, một đài thu ở Philippin đã thu được các bức điện này. Những thông tin đó cũng nằm trong tập hồ sơ riêng của từng toán biệt kích lấy từ các buổi phát thanh bằng tiếng Việt, tiếng Anh của đài Hà Nội nói về các toán biệt kích bị bắt không chịu hợp tác với Bắc Việt Nam. Các buổi phát thanh đã được bộ phận thu tin nước ngoài của CIA ghi lại hết.
Mặc dầu biết vậy, nhưng Sở Chỉ huy kỹ thuật chiến lược (STD) Nam Việt Nam-là đối tác của MACSOG theo nguyện vọng đại tá Blackburn, đã thông báo trực tiếp hay gián tiếp cho thân nhân của họ rằng người thân của họ đã bị mất tích trong khi đang hoạt động ở Nam Việt Nam. Gia đình họ đã không được thông báo sự thật, rằng thực tế họ đã bị bắt. Tin họ bị bắt được lan truyền rõ ràng là không có lợi cho Nam Việt Nam nên đã bị giữ kín không cho thân nhân họ biết.

Một sĩ quan cao cấp thuộc lực lượng đặc biệt Miền Nam đặc trách việc tạo vỏ bọc nguỵ trang cho việc sử dụng biệt kích với Nhóm quan sát số một, và sau này là Sở kỹ thuật, đã giải thích theo quan điểm của ông ta về những gì đã xảy ra:

"…Đa số những người được đưa ra Bắc lúc đầu đều là các trung sĩ của các đơn vị sư đoàn 22. Tôi biết là mỗi người trước khi đi đều ký giấy ủy quyền gồm các điều khoản giao ước trả tiền cho vợ họ ở nhà, thậm chí người ta còn hứa hẹn là các khoản lương đó được tiếp tục trả cho đến ngày họ trở về. Điều đó đã không xảy ra, không đúng như điều người ta đã làm cho họ tin.

Thực tế là chúng tôi không có quỹ nào để trả mãi tiền cho họ, chúng tôi phụ thuộc vào tiền của Mỹ. Khi các ông quyết định ngừng trả, chúng tôi chẳng có ngân quỹ nào cả và cuối cùng thì các ông cũng ngừng nốt việc trả lương cho chúng tôi.

Một khía cạnh khác, mặc dầu các biệt kích quân đội chúng tôi được cử ra miền Bắc hoạt động do Mỹ chỉ huy, phía Nam Việt Nam chúng tôi phải áp dụng điều lệ riêng của quân đội chúng tôi với họ, nếu họ không trở về. Điều đó có nghĩa là một khi họ không trở về, chúng tôi sẽ tuyên bố là họ đã mất tích trong khi làm nhiệm vụ, một năm sau ngày mất tích. Tôi biết là người ta nói với các biệt kích rằng gia đình họ sẽ được chăm sóc cho đến khi họ trở về, thế nhưng quy định này các ông đã lờ đi. Chúng tôi nghĩ rằng nếu họ trở về chúng tôi sẽ đối xử như lính của chúng tôi bị bắt làm tù binh trong các cuộc hành quân quân sự thông thường. Họ sẽ được truy lĩnh từ ngày thôi trả lương cho gia đình họ đến ngày họ trở về. Khốn thay, chẳng có ai nghĩ là chúng tôi sẽ thua trận. Dĩ nhiên, không bao giờ chúng tôi nói là họ đã chết, chỉ mất tích thôi…"

"Nhưng", tôi hỏi: "Đối với các nhân viên đang làm cho CIA của chúng tôi và ở Quốc phòng thì sao? Chúng tôi đã ký hợp đồng với họ, chúng tôi đồng ý đền bù cho họ đến khi họ trở về. Thậm chí chúng tôi còn hứa trả tiền cho gia đình họ trong trường hợp họ bị bắt. Có phải đúng như vậy không, nếu đúng thì điều gì đã xẩy ra?".

Viên cựu đại tá im lặng một lúc, rồi nói: "Tất cả những gì tôi có thể nói với ông là Sở chỉ huy kỹ thuật chiến lược sẽ gửi cho tôi thông báo rằng các ông này, ông này… thuộc nhóm 77 lực lượng đặc biệt đã được công bố là mất tích và tôi phải bảo đảm rằng sau một năm gia đình họ sẽ chính thức được thông báo là gia đình được lĩnh tiền tử tuất".

Tôi không nghi ngờ những gì ông ta đã nói với tôi vả lại nó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến quyết định của chúng ta. Chúng ta đều làm thế cả ngay trường hợp đối với những người chúng ta biết là họ bị bắt làm tù binh. Một năm sau tất cả họ đều bị coi như mất tích. Như tôi đã nói chúng tôi không có tiền để trả lương cho một người nào đó vô hạn định. Nếu họ trở về, họ sẽ được trả tiếp. Tôi chắc mọi người đều biết rõ điều đó.

"Vâng" tôi hỏi lại: "Thế còn đối với các biệt kích dân sự thì sao?”

"Ồ, đấy lại là chuyện khác, điều đó không dính dáng gì đến tôi, đấy là việc mà người Mỹ các ông làm với đại tá Trần Văn Hổ, ông đi mà hỏi ông ấy".

Tin tức từ các biệt kích còn sống sót và từ gia đình họ cho thấy việc ngừng trả lương tháng cho gia đình họ xảy ra khá lâu trước khi một người bị coi là mất tích, khá lâu trước khi MACSOG ngừng trả hương cho Nha kỹ thuật. Cũng giống như hoạt động biệt kích, những người nắm giữ những khoản tiền không bao giờ được trao đến tay các gia đình biệt kích đều muốn vấn đề này được khép lại.

Thế thì trách nhiệm của Mỹ đối với các hoạt động biệt kích là gì và những yếu tố nào làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các trách nhiệm đó? Tham mưu liên quân đã đánh giá về hoạt động biệt kích một cách rõ ràng và không chút mập mờ.

Một vấn đề có ý nghĩa đối với cả hai mặt. Hiệu quả hoạt động và quản lý về chức năng của chương trình MACSOG ngay từ lúc khởi đầu, đó là hệ thống trả tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng công tác tuyển dụng và tài trợ cho các nhân viên tình nguyện người Việt. Thủ tục cơ bản do CAS đưa ra từ trước năm 1964. Quyết định ban đầu tiền thưởng thường bị đưa ra bàn cãi, nhưng nhất thiết không thể rút bỏ, vì phải tính đến khả năng đào ngũ của các biệt kích đã được huấn luyện, cũng như phản ứng chính trị từ phía các đại diện của ở tổng tham mưu liên quân Chính phủ Việt Nam Cộng hoà (JGS), những người đã ủng hộ chương trình này. Các nhân viên Mỹ của MACSOG luôn nhấn mạnh rằng phải khuyến khích lòng yêu nước, làm tăng động lực cho lính đánh thuê, nhưng trong thực tế triết lý này không có hiệu quả đối với việc tuyển dụng biệt kích.

Những người Việt tình nguyện được tuyển dụng, lúc đầu ký hợp đồng cá nhân với viên Tư lệnh Sở kỹ thuật chiến lược (STD) hay người đại diện được ông ta chỉ định, chẳng hạn như Tư lệnh cơ quan an ninh bờ biển (CSS) với tư cách là nhà thầu của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Lương cơ bản, tiền thưởng khi mãn hạn, tiền thưởng và định kỳ tăng lương đều ghi trong hợp đồng... Rắc rối là do thủ tục tài chính của MACSOG (SOPS) để kiểm toán trước khi giao quĩ cho sĩ quan tài chính STD... Các yêu cầu về tiền thưởng công tác được chuyển trực tiếp cho thủ trưởng MACSOG. Một sỹ quan MACSOG và chỉ huy trưởng STD xem lại và ký trước khi chuyển ngân quĩ cho sỹ quan tài chính STD để phát tiền. Tất cả các giao dịch đều được ghi vào báo cáo thống kê tài chính của các đơn vị của cả STD và MACSOG và do kiểm soát viên của MACSOG kiểm toán.

MACSOG, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Bộ Quốc Phòng triển khai lực lượng thi hành các nhiệm vụ này, nhưng lại thiếu kiểm soát viên của MACSOG để kiểm tra tài chính về các chi phí này. Kế hoạch này đã không hoàn hảo ngay từ đầu, về sau Tham mưu trưởng liên quân xem xét lại càng thấy rõ như thế.

Yểm trợ về mặt hậu cần cho COMUSMACV (Tư lệnh, Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam), kế hoạch 34A, khi vạch ra hồi tháng 11/1963chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí trong nước, chương trình dự định hạn chế trong vòng 12 tháng. Theo kế hoạch ban đầu các nguồn kinh phí trong nước được ước tính là đủ.

Tháng 4/1964, trong khi hoạt động biệt kích đang tiến triển thì Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng lại định vạch kế hoạch chi phí cho tổ chức và các hoạt động biệt kích đang ở giai đoạn 1 của kế hoạch 34A. Ông ta báo cáo như sau: Trước khi tổ chức lại COMUSMACV/MAAG (Nhóm cố vấn viện trợ quân sự Mỹ) COMUSMACV là cấp trực thuộc Tổng hành dinh thống nhất (CINCPAC) được ở Hải quân tài trợ, sử dụng hoạt động duy tu bảo trì, ngân sách, dịch vụ bằng cách lấy ngân quĩ trực tiếp từ văn phòng tư lệnh hoạt động hải quân và nhóm cố vấn viện trợ quân sự Mỹ do ở Hải quân tài trợ, bằng cách sử dụng ngân quĩ của MAP, bằng ngân quĩ trực tiếp từ Bộ Hải quân cung cấp cho CINCPAC và MAAGV… Phần còn lại của 1964 tài trợ…sẽ vẫn giữ nguyên không thay đổi trừ khi COMUSMACV sẽ đảm nhận trách nhiệm và quyền sử dụng của quĩ MAP dành cho MAAGV.

Mãi đến tháng 9/1964, Bộ tư lệnh tham mưu liên quân mới đưa ra chi tiết về các tài trợ này.

Tham mưu trưởng liên quân giao trách nhiệm cho Tư lệnh các hoạt động hải quân cung cấp mật quĩ cho MACSOG. Các thủ tục cấp kinh phí phải thoả mãn các yêu cầu về an ninh và bảo đảm không thể qui trách nhiệm cho Mỹ và không có những hạn chế về hoạt động và sử dụng ngân quĩ. Các kênh cấp ngân quĩ của Bộ Quốc phòng chỉ định (CIA) và sau đó là đến MACV. Theo MACSOG ước tính thì các yêu cầu về ngân sách hàng năm được gửi lên Tham mưu trưởng liên quân, qua MAVC và CINCPAC. Sau khi Tham mưu trưởng liên quân duyệt y, CNO với tư cách là người thừa hành sẽ lập kế hoạch cấp ngân quĩ và thương lượng với Quốc hội để được phê chuẩn trên cơ sở giữ bí mật một cách thích hợp. Sau đó ngân quĩ được chuyển hàng quí do sĩ quan phụ trách về tài chính của Tư lệnh hoạt động hải quân đặc trách…

Hạm trưởng hải quân Mỹ Bruce B. Dunning, sỹ quan tham mưu sau đó là Cục trưởng Cục tác chiến đặc biệt của Bộ Quốc phòng trong thời gian 1966-1967 mô tả các hoạt động cấp Washington và các vấn đề liên quan, để yểm trợ các hoạt động biệt kích bí mật của MACSOG như sau.

Kinh phí phải được cấp trực tiếp từ Bộ trưởng Quốc phòng chứ không phải từ các Sở, từ quĩ dự phòng các chi tiêu đột xuất... CIA đã và đang làm trong nhiều năm nay. Cách làm thông thường hiện nay về việc cho phép một chương trình bí mật chỉ đạo một nhiệm Sở đảm trách ngân quĩ và tài trợ kinh phí cho chương trình đó là không thoả mãn…

Không một ai ở cấp Washington bác bỏ ngân sách của SOG. Hải quân có trách nhiệm cung cấp kinh phí. Vì cách thức SOG được thành lập nên Hải quân chỉ việc dán cho nó nhãn hiệu tài trợ bởi SACSA. Họ không ở vào vị trí dễ biết để phán xét hiệu lực của ngân sách đó hay biện minh cho nó. Bởi vậy, chúng tôi SACSA hàng năm phải ra trước Quốc hội để biện minh về ngân sách đó. Mặt khác, Hải quân thì nói rằng: "Đồng ý, đây là bản yêu cầu, chúng tôi sẽ điền vào đầy đủ”, thế rồi họ nhập vào ngân sách của Hải quân. Chúng tôi, SOD, không được bác bỏ ngân quĩ này một khi do CINCPAC đưa đến, vì chúng tôi không có khả năng. Chúng tôi không có khả năng của một người kiểm soát…chỉ vì chúng tôi không có thời gian.

Kết quả là (do tình cờ thôi các thành viên Tiểu ban Chuẩn chi Hạ viên biết được việc này vì tôi rất thành thực với họ về điểm này), ngân sách SOG đưa ra không bị bác bỏ ở bất cứ cấp nào cao hơn CINGPAC... Chúng tôi nhận ngân sách đó theo cách nó được đệ trình và hy vọng nhận được số tiền đó.

Không may cho các biệt kích là quyết định của đại tá Blackburn yêu cầu phải công bố là họ bị mất tích trong khi làm nhiệm vụ đã dẫn đến việc tạo ra một lực lượng mà chẳng bao lâu đã biến khỏi sổ sách tài chính của nước Mỹ. Tuy nhiên, trước đó, nhiều toán biệt kích nữa đã được ném ra miền Bắc.

---------------o0o----------------
(Hết mục 11)

No comments:

Post a Comment