Friday, March 22, 2013

21. TRỞ LẠI QUYẾT TIẾN.

 
Cuộc tuyệt thực đã qua, nhưng sự tàn nhẫn vẫn còn tiếp tục dưới sự quản lý mới.

Nhiều người trong số 21 lính biệt kích đầu tiên được chuyển đến trại giam Quyết Tiến là những người tuyệt thực ở Phố Lu. Trong khu trại mới này họ đã trải qua thay đổi đột ngột về sinh hoạt trong tù, những công cụ gông cùm và biệt giam trước mắt cũng như lâu dài của chế độ quản lý trại giam ban đầu đã thay thế cho việc sử dụng lao động để cải tạo các lính biệt kích. Đầu tiên các cán bộ trại giam giảm các khẩu phần ăn của họ, tiếp đến lệnh chuẩn bị hồ sơ tự kiểm điểm theo nghi thức. Sau đó họ được đưa vào các phòng giam kỷ luật.

Những ngày phải lao động nhiều giờ, tăng sản phẩm lao động, tự kiểm điểm và các buổi học nhóm đã thay thế bằng việc giam dài hạn vôi các khẩu phần chết đói. Việc giam biệt lập này được tính toán cẩn thận để làm mất phương hướng, nhầm lẫn, tê dại, mất cảm giác và làm cho mỗi người tù chỉ còn tập trung vào sự sống sót. Kết hợp với việc giảm khẩu phần thực phẩm hàng tháng ngay lập tức và quyết liệt. Việc giam biệt lập cũng đảm bảo rằng những người trong các nhà giam kỷ luật không thể tiến hành một loạt hoạt động nào khác. Nhưng ngược lại việc này cũng làm tăng thêm những cảm giác của lính biệt kích về sự cô lập và cho phép cán bộ trại giam có thể đập tan bất kỳ sự câu kết nào giữa những người lính biệt kích, đó là nhiệm vụ đầu tiên mà các cán bộ trại giam đã thực hiện một cách khéo léo.

Việc gông cùm luôn sẵn sàng được thực hiện ngay không do dự, là một hình thức trừng phạt mà mọi người đã biết nếu họ tỏ ra ít quan tâm nhất đến cái mà cán bộ gọi là "lười biếng" hoặc bất cứ hình thức đối xử nào khác có thể giải thích là sự xúc phạm tư tưởng XHCN hoặc hành vi chống lại CNXH. Việc gông cùm đã được trù tính kỹ, được thực hiện một cách tinh xảo và hoàn toàn hữu hiệu. Trung sỹ Tô, trưởng ban giáo dục trại giam là người bắt đầu thực hiện việc này. Anh đã nhận được chỉ thị của đại uý Lang, cán bộ chỉ huy mới của trại giam Quyết Tiến. Lang thích thú với cương vị mới của mình. Trước kia anh là cán bộ cấp phó của người chỉ huy cũ, Nguyễn Sáng. Lang chú ý nhìn trung sỹ Tô bước nhanh vào các phòng giam biệt lập, hạ sỹ Thua chịu trách nhiệm về những tù nhân bị giam biệt lập cùng với Tô. Với một bó giấy và những chiếc bút chì trong tay, Tô đi vào phòng giam những tù nhân mới đến. Anh mỉm cười khi nhìn chung quanh. Những tù nhân này, một số thì ngồi còn số khác thì nằm trong các ổ rơm, họ nhìn lại Tô đang có vẻ kiêu ngạo. Họ biết rằng anh sẽ phải đương đầu với họ như là với một nhóm, vì không ai được chỉ định làm người đứng đầu các phòng giam.

Giọng của Tô trầm nhưng dõng dạc: "Ban chỉ huy trại giam đã hướng dẫn mỗi người trong các anh phải viết một bản tự kiềm điểm, nêu rõ và đầy đủ mỗi hành động của các anh, các sai phạm của các anh và nói rõ các anh dự định sửa chữa như thế nào".

Anh phát giấy và bút chì cho mỗi tù nhân rồi bỏ đi. Tô ngại rằng các tù nhân này sẽ không viết điều gì và anh thật sự không quan tâm. Số phận của 21 người này đã được đính đoạt. Các cán bộ chỉ huy đã thảo luận về cách xử lý các tù nhân này, đặc biệt là nếu họ từ chối tuân theo các mệnh lệnh. Để an toàn, lực lượng bảo vệ phải luôn cảnh giác, họ sẽ giám sát chặt chẽ các lính biệt kích này. Nếu họ muốn bị đối xử hà khắc, thì sẽ được hà khắc. Họ sẽ bị giam ở đây trong thời gian theo yêu cầu của Hà Nội và đây là lúc để dạy cho họ một bài học. Chỉ còn một vấn đề là người nào sẽ được chọn trước. Trong các nhà giam biệt kích, Nguyễn Minh Châu là người đầu tiên được chọn. Anh ta nhìn chằm chằm vào chiếc bảng treo trên tường có viết 4 điều quy định đối với tù nhân. Họ đã được kiểm tra các quy định này ngay khi đến Quyết Tiến ngày hôm ấy.

Thành thật thú nhận các tội lỗi của mình. Cải tạo tư tưởng và bám sát các quy định. Cải tiến công tác. Giúp đỡ các bạn tù khác được giáo dục lại và báo cáo cho Nhà nước biết bất cứ người nào khác trong xã hội bên ngoài đã phạm các tội ác mà chưa bị bắt. Trước đây Châu đã thấy các biển tương tự như vậy nhưng anh đã bỏ qua. Chúng là một phần của đời sống nghi thức trong tù, nhưng lần này đã khác. Châu cương quyết bước lại gần tấm biển, giật nó xuống và giẫm lên nó. Rồi anh quay đi và trở về chỗ ngủ của mình. Anh nằm xuống và đánh một giấc.

Vào lúc 12 giờ trung sỹ Tô quay lại để kiểm tra sự tiến bộ của họ. Các tờ giấy vẫn nằm đấy không được sử dụng. Anh quay lại lần nữa vào lúc 14 giờ vẫn thấy rằng các tù nhân vẫn chưa làm gì. Anh quay đi chẳng nói chẳng rằng. Vào lúc 18 giờ anh quay lại lần thứ 3 và vẫn chưa điều gì được thực hiện. Đó là thời điểm để thực hiện bước tiếp theo.

Trung sỹ Tô xướng lên các tên Nguyễn Văn Hinh, Nguyễn Văn Đô và một biệt kích thứ 3. Họ được những người bảo vệ kéo ngay ra và đưa vào khu kỷ luật ở phía sau khu K, một dãy nhà có 18 phòng giam, 9 phòng ở mỗi bên, hành lang ở giữa. Tô biết rằng họ dễ có thể bị đưa vào dãy các nhà giam với những tên phá rối này.

Tối hôm đó khi Tô quay lại khu kỷ luật này, không ai viết một điều gì. Một hoặc 2 ngày sau đó vào lúc 18 giờ bỗng có tiếng chó sủa kèm theo các tiếng kêu của một nhóm đông các tù nhân, cán bộ và người bảo vệ. Buồng của phòng biệt kích được mở ra cho Tô vào cùng với những người bảo vệ có vũ trang, trong đó có 4 người dắt theo những con chó Đức đang gầm gừ. Khi những người bảo vệ ùa vào phòng giam này, thì lập tức diễn ra cảnh hỗn loạn và họ đọc to những mệnh lệnh khó hiểu giữa tiếng chó sủa. Trung sỹ Tô đứng đó với mảnh giấy trên tay, chờ cho tiếng ồn giảm đi. Anh nhìn lướt nhanh khắp phòng giam trước khi đọc tờ ghi chú:

“Lê Văn Ngung, Nguyễn Minh Châu, Trần Ngọc Bính, Đặng Đình Thuỵ, Hoàng Văn Vân, Nguyễn Văn Tập". Anh chỉ vào từng tù nhân mỗi khi xướng tên của họ. Những người bảo vệ nhanh chóng tóm từng người trong khi những con chó vừa sủa vừa kéo căng các dây dắt. Một lính biệt kích đứng dậy, anh ta đang ngậm một điếu thuốc lá.

Tô bước lại quát: "Anh tưởng rằng anh còn có thể hút thuốc ư, Ngung?". Vẩy bàn tay ra trước mắt người lính đó anh ta làm cho tàn của điếu thuốc đó bay ra. Thái độ của Ngung rất đặc biệt. Thời gian phải sợ hãi đã qua. Không ai sẽ được về nhà, vậy thì các cán bộ nhà giam có thể làm gì, giết họ ư? điều đó không còn là vấn đề nữa. Cẩn thận triển khai khắp bên trong trại giam, cảnh giác với bất kỳ sự nhiễu loạn nào khác là một lực lượng có đến 50 người bảo vệ được trang bị đầy đủ với 4 hoặc 5 con chó săn. Khi những người tù bị xô ra khỏi phòng của mình, thì những người bảo vệ lập tức xích tay họ, kéo giật cánh khuỷu ra phía sau. Sau đó họ kéo lê những người tù ở bên ngoài vào các phòng giam và vào dãy nhà biệt lập có các phòng giam kỷ luật. Những người bảo vệ nhanh chóng đẩy các tù nhân vào bên trong. Cứ 2 người một phòng. Mỗi người đều bị đè xuống sàn xi măng và mỗi người ở một phía. Các mắt cá nhân họ bị đặt chéo và cùm lại, với thanh sắt xuyên qua các lỗ khuyên của chiếc cùm giữ chân họ không nhúc nhích được.

*************

Trong những tháng trôi qua năm 1974 và sang đầu năm 1975, những người biệt kích ở Quyết Tiến chỉ biết rất ít về thế giới bên ngoài. Họ gần như hoàn toàn bị cách ly. Họ chỉ biết được một ít tin tức của thế giới bên ngoài qua một số tù thường phạm thi thoảng có người nhà đến thăm. Những lính biệt kích này biết rằng nhịp độ của cuộc chiến tranh ở miền Nam đã tăng lên, nhưng có rất ít tin tức cụ thể về những gì thực sự đang xảy ra.

Rồi vào tuần đầu tháng năm năm 1975, một cán bộ giáo dục của trại giam đột nhiên đi vào khu của họ và trương lên những tấm ảnh về đời sống của miền Nam. Những người lính biệt kích lần đầu tiên được thấy đất nước của họ kể từ ngày họ bị bắt, đối với một số người đã bị bắt đến 14 năm. Người cán bộ này đã đóng xong các bức ảnh lên tường, anh đứng lui lại để ngắm nghía công trình của mình. Anh nói: "Hãy xem chúng tôi đã giải phóng Sài Gòn. Cộng hoà Việt Nam đã bị tiêu diệt và quân đội bù nhìn đã đầu bàng!"

Những người lính biệt kích sững sờ vì cơn sốt chết lặng người, không thể nói lên lời, không thể nói được gì ngoài việc ngắm những bức ảnh trên bảng. Có một bức ảnh chụp các xe tăng của Quân đội nhân dân Việt Nam đang ào xuống đường cao tốc Biên Hoà chuẩn bị tiến vào Sài Gòn, bên cạnh một bức ảnh về chiếc xe tăng xông vào Dinh Độc Lập. Chiếc ảnh khác chụp hai dãy An ninh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong đồng phục màu trắng đứng hai bên đường xa lộ bên cạnh cổng trụ sở cảnh sát ở phố Võ Tánh. Những người An ninh này đang chào quân Bắc Việt Nam tiến vào trụ sở Cảnh sát quốc gia.

Những người lính biệt kích chăm chú nhìn các bức ảnh dường như mô tả Sài Gòn, nhưng đó là Sài Gòn tràn đầy quân đội Bắc Việt Nam.

"Vì sao họ đã không biết được tí gì về việc này? Và vì sao chiến tranh lại kết thúc đột ngột như vậy?"

Nhìn chăm chú gần vào những bức ảnh này, những người tù cố xác định xem đây là thực hay là những thứ mà Bộ sáng chế ra để lừa dối họ hơn nữa. Phần lớn đã quay đi, về các phòng giam của họ bỏ công việc còn dở dang lại đằng sau. Họ ngồi đầy thất vọng trong mấy ngày và không chịu tin vào những gì họ đã thấy. Những người này đã hy vọng rất lâu rằng miền Nam, hiện nay đã đầu hàng, ngày nào đó sẽ chiến thắng. Một sự đầu hàng, chỉ dựa trên các tấm ảnh là quá đáng để họ có thể chấp nhận.

Khi những người lính biệt kích đầu tiên bắt đầu nói về chủ đề này trong những ngày sau đó. Họ suy luận rằng đó có thể là những bằng chứng về một loại chính phủ liên hiệp.

Hầu hết những người lính biệt kích ở trại giam Quyết Tiến vẫn không chịu chấp nhận một thực tế về sự đầu hàng không điều kiện và sự sụp đổ của nền đệ nhị cộng hoà của chính phủ Cộng hoà Việt Nam cho đến năm 1977, hai năm sau sự kiện này. Chỉ đến khi họ gặp các sĩ quan của các lực lượng vũ trang Cộng hoà Việt Nam đến lao động ở Quyết Tiến năm 1977, thì những người lính biệt kích này cuối cùng mặt đối mặt với thực tế khắc nghiệt là chiến tranh đã kết thúc thực sự.

Một trong những người đã đối mặt với thực tế này là một người tù dài hạn tên là Ớt, quê Hà Nội. Anh ta bị bắt năm 1958, như là một biệt kích hậu cứ trong mạng điệp viên của Trần Minh Châu, một trong những điệp viên hậu cứ được CIA đào tạo ở Tây Ban Nha năm 1954. Một số biệt kích bị giam ở Quyết Tiến trước năm 1972 biết anh ta ở đấy, nhưng không rõ lắm vì anh ta đã bị giam cùng tù chính trị của Bắc Việt Nam. Hầu hết những người biết anh ta trong giai đoạn này đều nghe nói rằng anh ta là người chống lại những ai tin rằng với lý do nào đó, có ngày anh ta sẽ được phóng thích. Nhưng sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, hầu như làm cho cá tính của Ớt thay đổi đột ngột.

Ớt vẫn còn những bà con sống ở Hà Nội, nhưng anh ta không có những người bạn thực sự trong số những người ở trại giam. Vào năm 1975, người ta biết anh là người còn sống sót cuối cùng của mạng điệp viên Trần Minh Châu. Những người khác đã chết nhiều năm trước, phần lớn họ đều ở các nhà giam làm bằng gỗ ở Quyết Tiến.

Ớt đã thấy nhiều tù chính trị được phóng thích năm 1973. Cả anh cũng muốn được phóng thích, nhưng anh biết rằng anh không bao giờ có thể sống yên ổn ở miền Bắc vì anh đã phạm tội làm gián điệp. Anh chỉ có thể sống ở miền Nam. Hy vọng này đã tan biến vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

THINHRAZOR21428
23-02-2009, 16:03
Một thời gian ngắn sau sự đầu hàng này, Ớt bắt đầu nói đến việc anh mong muốn được phóng thích. Bây giờ cuộc chiến tranh đã kết thúc, đã có những cuộc đàm phán về việc phóng thích tù chính trị. Ớt cảm thấy rằng cơ hội duy nhất của anh là trở về quê hương Hà Nội của mình. Trong quá khứ, anh đã nói rằng cuộc đời của anh là ở mạng điệp viên, nhưng bây giờ mọi việc đã thay đổi: toàn bộ mục tiêu của anh là được phóng thích và chứng minh rằng anh đã được cải huấn. Anh đã biết cách để thích ứng.

Ớ,t người ở phòng giam 11 đã được chỉ định làm người đứng đầu nhóm may gồm có một nhóm hỗn hợp những người lính biệt kích ở các phòng 11 và 12 ở khu K. Người giúp việc của anh là một lính biệt kích, Đoàn Phương. Bây giờ Ớt thể hiện bằng lời nói về sự khinh miệt đối với "các lính biệt kích bù nhìn". Điều đó rõ ràng là anh không căm ghét những người biệt kích, mà đó chỉ là lời nói của Cộng sản Việt Nam được lặp lại như đúc, nhằm để thuyết phục những người bắt anh ta rằng anh đã thực sự thay đổi. Ớt đã phải báo cáo cho thượng sỹ Tín, một cán bộ giáo dục chịu trách nhiệm theo dõi thái độ của những người trong nhóm thợ may này.

Trước đây Tín chỉ là hạ sỹ ở Quyết Tiến năm 1974, anh ta đã được đề bạt nhanh chóng. Cuối cùng những người lính biệt kích đã quyết định phải làm một điều gì đó với những lời chỉ trích của Ớt thường làm cho họ tức giận. Một hôm các thành viên của nhóm này đang đi hái rau cho bữa cơm tối. Ớt đã bước ra và nói đi nói lại rằng số rau này không được nấu trong ngày hôm ấy. Anh ta có quyền quyết định như vậy vì những người tự chịu trách nhiệm trồng rau là thành viên trong nhóm may của anh ta. Trong hoàn cảnh bình thường thì người ta phải nghe theo những chỉ dẫn của anh, nhưng lần này do sự phẫn uất trào lên họ đã chống lệnh của Ớt.

Họ đã luộc rau trong căn nhà bếp của nhóm này, trong khi Ớt tức giận vì mệnh lệnh của anh ta đã không được tuân theo. Những người biệt kích trao đổi với nhau và quyết định rằng đây là lúc phải cho anh ta ăn một trận đòn, phải dạy cho Ớt biết thế nào là lễ độ. Ngay trước khi bữa ăn đã sẵn sàng, đa số tù nhân ở phòng 11 và 12 đã tụ tập đông đủ. Họ túm lấy Ớt và đấm đá anh tới tấp. Đến lúc họ dừng lại thì hầu như anh ta đã bị đánh gần chết và chỉ có thể bò lê trong phòng giam. Ớt được chuyển đi và trở thành nhóm trưởng của nhóm may 1, gồm các tù chính trị ở trong các phòng giam biệt lập, sát với phòng họp của trại giam. Anh ta đã được phóng thích khỏi trại giam và trở về Hà Nội vào cuối năm 1976 hoặc đầu năm 1977.

Ngày 2/9/1976, toàn bộ những người trong trại giam được triệu tập đến phòng họp lớn phía trong cổng trước. Đại uý Lang đã đọc nhanh bản danh sách khen thưởng các nhóm lao động đã có thành tích trong cuộc thi đua sản xuất. Sau đó mọi người đều ngạc nhiên khi anh đọc một bản đã in sẵn:
- Trong dịp này, Bộ Nội vụ kỷ niệm ngày 2/9 bằng sự ban hành một chỉ thị đặc biệt, nghị định về ân xá đặc biệt. Chỉ thị này đã được ban hành với quan điểm thực tế là ngày nay đất nước đã được thống nhất và để tỏ lòng khoan hồng của Nhà nước.

Lang tiếp tục cẩn thận đọc nguyên văn của nghị định dự kiến cho phép một số tù chung thân được chuyển sang làm việc ở khu vực sản xuất và nhấn mạnh rằng việc này sẽ được áp dụng cho những người đã cải huấn có kết quả. Sau lời giới thiệu này anh đọc chậm và dõng dạc những tên, tội ác và các án quyết của hơn 20 biệt kích cùng con số tương tự của các phạm nhân bị kết án chung thân. Những lính biệt kích này, hầu hết là những người đã bị bắt trong những năm đầu của thập kỷ 60. Tất cả đã bị tống giam vì tội gián điệp biệt kích và hầu như đã nhận án tù 25 năm.

Mặc dù nghị định này có điều khoản "ân xá" song Lang không bao giờ đề cập đến một người nào thực sự được hưởng ân xá. Nhiều lính biệt kích cười thầm, cho rằng đó chỉ là một thí dụ khác về trò chơi chữ của Bộ Nội vụ.

Khi các tên phạm nhân được đọc lên, một số lính biệt kích cảm thấy tức giận. Họ biết rằng một số người được lựa chọn đã không giữ được lòng trung thành. Tuy nhiên sau đó mọi người đều đồng ý rằng những tù nhân được lựa chọn này là những thành viên của các toán bị bắt sớm nhất, họ đã bị kết án dài nhất và khắc nghiệt nhất. Chỉ có một ít tên trong danh sách này là những điệp báo viên đã được Hà Nội thu dụng. Còn những người cung cấp tin tức tồi tệ nhất thì không có tên trong bản danh sách này, và điều đó làm cho nhiều người nghe cảm thấy vui thích.

Đầu tháng 10/1976, một số tù nhân được lựa chọn đã rời khỏi trại giam Quyết Tiến. Những người đã bị giam trong phòng giam kỷ luật có thể nghe thấy những lời chào tạm biệt, nhưng họ không có cách gì để biết về những điều đang xẩy ra .

Những lính biệt kích được coi là đã chuyển đến trại giam Tuyên Quang bằng xe tải, nhưng đầu tiên họ được đưa đến thị xã Hà Giang và bị giam ở trại giam của tỉnh Hà Giang cách thị xã 4km. Họ được đặt dưới sự quản thúc tạm thời của lực lượng An ninh tỉnh và được phân công xây dựng các nhà giam tạm thời.

Trong vòng 4 tháng họ lại được chuyển về trại giam Trung ương số 1, trại giam Phố Lu ở bên ngoài thị xã Lào Cai. Họ xây dựng các nhà giam ở trong khu vực rào bằng dây thép gai có tên là Công trường Hồng Thắng. Đó là trại giam cách ly phụ của Phố Lu được gọi là trại giam Hồng Thắng mà trước đây được biết là trại giam phụ K4. Số tù nhân ở Hồng Thắng ngày càng đông lính biệt kích đến từ các trại giam khác.

Vào đầu năm 1977 rõ ràng là có điều gì đó đang xảy ra dọc biên giới phía Bắc. Những người lính biệt kích ở Quyết Tiến vẫn còn bị ngăn cách với thế giới bên ngoài, nhưng họ vẫn có thể cảm nhận thấy điều gì đó trong không khí này. Mùa xuân đó ba nhóm biệt kích đầu tiên đã được chuyển đến trại giam Tuyên Quang hiện nay đã hoàn thành bởi những tù nhân đã chuyển đến trong mùa thu năm 1976 theo nghị định ân xá đặc biệt. Cùng đi với họ đến Tuyên Quang là những lính biệt kích Đài Loan còn sống sót ở trại giam Quyết Tiến. Nhiều lính biệt động cũng được tha có điều kiện và được chuyển đến công trường Hồng Thắng ở trại giam Phố Lu trong mùa xuân đó, như là một bộ phận của điều được gọi là giai đoạn 2 của việc thực hiện Nghị định ân xá đặc biệt này. Trong năm 1977, có cuộc đàm thoại ở Washington về việc bình thường hoá các mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Nhưng Việt Nam vẫn chưa có hoà bình. Vì các đám mây chiến tranh đã hình thành, Bộ Nội vụ và Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu chuyển một số lớn tù nhân từ khu vực lân cận của các vùng biên giới với Trung Quốc và Campuchia, nơi có dấu hiệu về các hành vi thù địch. Đó là một lý do đặc biệt. Khi cuộc chiến tranh nổ ra, Việt Nam đã không cần đến đội quân thứ năm có tiềm lực ở sau lưng mình.

Vào cuối năm 1977, hầu hết các tù nhân ở Quyết Tiến đã được chuyển về Tuyên Quang, trừ một nhóm nhỏ cỡ trung đội còn được giữ lại ở phía sau để duy trì trại giam, xây dựng lò bánh mì và một hệ thống thuỷ lợi cần thiết để mở rộng sản xuất lương thực và chuẩn bị bàn giao trại giam này cho Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng làm trụ sở của họ. Một nhóm nhỏ của những tù nhân mới, nguyên là các sĩ quan và cán bộ dân sự của Nam Việt Nam đã đến để giúp họ. Những lính biệt kích ở Quyết Tiến cứ 4 tháng 1 lần được thay thế cho những người ở Tuyên Quang. Trong năm 1978, những người lính biệt kích cuối cùng được rút khỏi Quyết Tiến, trở về Tuyên Quang.

Khi những hoạt động thù địch ở biên giới tăng lên trong năm 1978, những tù nhân ở Tuyên Quang được chuyển đến trại giam Trung ương số 5, trại giam Lam Sơn ở tỉnh Thanh Hoá. Những tù nhân ở trại Phố Lu cũng được chuyển về phía Nam, một số được chuyển đến trại giam 52, trại giam Hà Tây ở tỉnh Hà Sơn Bình và một số tương đối nhỏ được chuyển đến trại giam Kim Bôi. Những cuộc di chuyển này phù hợp với việc di chuyển các sỹ quan nam Việt Nam từ các nhà giam ở các tỉnh phía Tây Bắc, đang được quân đoàn 776 của Quân đội nhân dân Việt Nam có trụ sở ở Yên Bái quản thúc, được chuyển về các trại giam an toàn hơn ở đồng bằng sông Hồng.

Mùa xuân đó, Lý Cà Xa, rồi một tù nhân ở Hồng Thắng và một tên tướng cướp nổi tiếng trong các băng cướp bị bắt trong những năm trước đây đang xây dựng trại giam chính ở đó. Lý Cà Xa trốn sang Trung Quốc cùng với một nhóm độ 10-20 người được tạm tha khác kể cả một số biệt kích Đài Loan và 2 biệt kích Việt Nam-Lê Trung Tín và Voòng A Cau, Tín và Cau là những người lính biệt kích đầu tiên đã trốn thoát khỏi nhà giam có kết quả, cho dù họ chỉ trốn sang Trung Quốc.

Vào tháng giêng năm 1979, đại đa số tù nhân ở Trại giam Phố Lu đã được sơ tán. Tuy nhiên những người lao động ở Hồng Thắng vẫn đang phải làm việc hết tốc lực ở đó. Trong tháng 2/1979, các lực lượng của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã tấn công qua biên giới và nhanh chóng tràn vào các huyện biên giới của Lào Cai, Lý Cà Xa đã đi cùng với lực lượng tấn công đầu tiên và hộ tống quân Trung Quốc vào trại giam Phố Lu. Những người dân Thị xã này kinh hoàng chạy qua trại giam Phố Lu khi họ được báo là Quân đội nhân dân Trung Quốc đã vào thị xã Lào Cai. Trại giam này rơi vào tình trạng hoảng loạn. Những cán bộ trại giam còn lại chuyển các tù nhân và những người tạm giam ra ngoài thật nhanh. Một người được tạm tha lái một chiếc xe ủi đến đến địa điểm tập kết ở Yên Bái đã mất tích. Khi những tù nhân bắt đầu định cư ở khu 1 của trại giam Trung ương số 5 thì một nhóm nữ tù nhân đã đến đó. Họ đã được chuyển ra khỏi trại giam Phố Lu khi các toán quân Trung Quốc tiến vào sâu. Một cán bộ phụ trách các phụ nữ này đã nhanh chóng rời đi để hộ tống họ. Sau này các tù nhân đó đã nói lại rằng quân Trung Quốc đã tàn phá cả hai trại giam Phố Lu và Phong Quang.

Những tù nhân ở Hồng Thắng cũng được chuyển về trại giam Tân Lập, ở đó họ xây dựng một trại giam mới, trại K7. Những người khác, từ Quyết Tiến đến ở trại K1 của trại giam Trung ương số 5 ở Thanh Hoá. Tại đây họ thấy một biệt kích già, bây giờ là người gánh nước và một nhóm sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng hoà. Đó là thiếu tá của Sài Gòn-Van Van Cưa mà nhiều lính biệt kích còn nhớ được từ những ngày còn ở Nam Việt Nam trong năm 1966-1967. Những người tù Nam Việt Nam được chuyển đến nhà tù Lam Sơn sau cuộc tuyệt thực của họ ở trại giam trước, như cuộc tuyệt thực của biệt kích nổ ra năm 1973 trại Phố Lu.

Cuối năm 1979, các biệt kích ở Lam Sơn được chuyển đến trại giam Thanh Phong ở huyện Thọ Xuân-Thanh Hoá. Những lính biệt kích được tạm tha ở trại K7 Tân Lập và đại uý Tô Bá Oanh cũng được đưa đến trại lao động Thanh Lâm. Tháng 12 đó, một số người được tạm tha đã được về thăm gia đình họ. Nhiều người đi về miền Nam và không bao giờ quay trở lại nữa.

Có lẽ đó là điều mà miền Bắc muốn nó xảy ra, hoặc có lẽ đó chỉ là một biện pháp khác để kiểm tra công tác "cải huấn" của họ.

---------------o0o-----------------
(Hết mục 21).

No comments:

Post a Comment