Friday, March 22, 2013

15. CHUỘT VÀ NGƯỜI (*)


Vào cuối mùa hè năm 1967, thành viên của toán HADLEY bị đẩy lên xe tải quân sự và bị xích tay vào với nhau. Những người áp giải họ, thành viên của lực lượng Công an Nhân dân vũ trang ra lệnh cho họ nhìn xuống sàn, cúi gầm mặt xuống tránh để dân làng trông thấy, vì nếu thấy, dân làng có thể giết họ. Những biệt kích này nửa tin nửa ngờ vào lời những người dẫn giải, nhưng dù sao họ vẫn cúi đầu xuống thực hiện đúng lời dặn.
Rời khỏi vùng duyên hải Hà Tĩnh và đi ra phía Bắc, họ chỉ đi vào ban đêm và dừng lại tại các địa điểm đã chọn trước để nghỉ ngơi vào ban ngày. Chuyến đi thật yên ổn trừ khi họ nghe thấy tiếng máy bay phản lực ở đâu đó trên đầu và sau đó dội bom ở phía xa. Những tù nhân này mỉm cười, còn những vệ binh thì sốt ruột.

Sau vài ngày rong ruổi trên đường, đoàn dẫn giải nhỏ này được đưa vào một hợp tác xã ở vùng quê, và các tù binh được chia làm 4, có người bảo vệ trong một ngôi nhà khó nhận biết ở địa phương. Ngay sau lúc rạng đông, họ bị đánh thức dậy và đưa tất cả ra khỏi ngôi nhà đó. Đi ra sân, họ lại bị khoá tay bằng xích và đưa mọi người vào ẩn dưới bóng cây. Lại bắt đầu một ngày nóng gắt. Những người bảo vệ biết rằng các tù binh không thể chạy trốn, nên đã để họ đấy, không có người gác.

Bỗng nhiên xuất hiện một bà già, có lẽ là người ở trong ngôi nhà mà họ vừa ngủ đêm qua. Bà lại gần và nhìn họ chằm chằm: "Vì sao tất cả chúng mày lại còm nhom thế? Bị bắt lâu chưa?".

Những câu hỏi của bà rất thân mật, hơi tò mò và giống như một bà cô hỏi các cháu mà lâu ngày bà chưa gặp. Những người lính biệt kích này cũng trả lời các câu hỏi của bà một cách thân mật. Câu chuyện phiếm của họ tiếp tục trong dăm ba phút, cho đến khi người bảo vệ trở lại. Thấy người bảo vệ này, bà già vội lảng đi, thái độ của bà đã thay đổi. "Bọn tay sai của đế quốc Mỹ? Cứ nhằm vào chúng ta, giết hại nhân dân...". Bà tiếp tục nói huyên thuyên. Các tù binh ngồi đó và mỉm cười nhìn xuống đất. Họ biết rằng cơn tức giận của bà chỉ là trò chơi chữ.

Trong vài phút nữa họ lên đường. Tay bị khoá giật cánh khuỷu, nhìn chằm chằm xuống sàn xe, họ chỉ cảm nhận được các cú xóc liên hồi. Họ liếc nhìn những xe tải chở đầy hàng chạy xuôi về phía nam, phá vỡ sự đơn điệu của chuyến đi. Họ đến Hà Nội vào cuối buổi chiều, và cuối cùng chiếc xe tải dừng lại một cách thận trọng ở cửa nhà giam Hoả Lò. Ngày 18/8/1967, toán HADLEY chính thức được đưa vào hệ thống nhà giam Trung ương của Bộ Công an Bắc Việt.

Lời nói lảm nhảm của một tù nhân trong đêm đầu tiên ở Hỏa Lò nghe như một vở Kịch độc thoại kỳ dị.

Một tù nhân bị cùm ở phòng bên thốt ra một lời than vãn rầu rĩ: "Ôi, cán bộ! Tôi đã ở trong nhà tù 8 năm rồi và tôi vẫn chưa được phép viết thư về nhà cho gia đình". Những lời than vãn của anh ta còn nhắc đi nhắc lại.

Một cán bộ đến yêu cầu tù nhân đó im lặng, giọng anh ta hạ thấp: "Tôi đã chuẩn bị đủ giấy và bút chì cho anh, anh đã nhận được đầy đủ chưa? Anh muốn nói với tôi rằng anh chưa nhận được những thứ đó phải không?”

Người tù trả lời: "Chưa! Tôi chưa nhận được gì cả. Vì sao anh không cho phép tôi viết thư về nhà?".

Vị cán bộ này cười khẩy:

"Hãy quên vợ anh ở nhà đi! Và nên để cô ấy lấy một người khác. Anh thật sự phải cố gắng cải tạo nhiều. Rồi anh có thể được tha và cưới một người đàn bà khác".

Trong buổi tối ngày hôm sau các tù binh của toán HADLEY bị khoá tay đưa ra khỏi nhà giam Hoả Lò và đưa lên một xe tải nhỏ có mui kín. Chỉ có ánh sáng lọt vào qua một số dải nhựa trong tấm vải bạt bên cạnh. Sau một chuyến đi tương đối ngắn, vùng ngoại ô của Hà Nội, những người bảo vệ dồn tù binh ra khỏi xe và dẫn họ đến một ngôi chùa có cổng vòm xây bằng gạch. Những chữ đã mòn, hầu như bị bụi thời gian che phủ chỉ ra rằng đó là chùa Tân Lập, nhưng người ta thường quen gọi là chùa Thanh Trì, (tên của huyện ngoại thành). Một số người gọi Thanh Liệt là tên làng đặt trại giam, cách Hà Nội 7 km về phía nam. Đó là một nhà giam đặc biệt, nhà giam phụ của Hoả Lò, giam các tù nhân được Bộ Công an quan tâm đặc biệt.

Những người mới đến được giam trong các phòng giam riêng biệt ở khu vực phía trong phạm vi khu vực A, một dãy nhà dài nhìn ra giữa sân. Họ được lệnh phải giữ im lặng, nhưng điều đó chỉ làm tăng thêm tò mò. Họ càng muốn được tiếp xúc với nhau để biết những phạm nhân có ở trong trại giam này. Họ sớm suy ra rằng nhà giam này có 18 phòng giam ở phía trước và 18 phòng giam ở phía sau. Các tên viết trên tường phòng giam cho thấy rõ các biệt kích khác đã được giam ở Thanh Trì. Trong phòng giam 11 ở phía trước khu vực A, ở phía cao trên tường có tên Đàm Văn Phinh: phía dưới tên của anh ta, những chữ quốc ngữ cho biết quá trình Phinh đã bị giam đầu tiên ở các phòng giam phía trước, sau đó được chuyển về các phòng giam phía sau và rồi lại chuyển đến các phòng giam phía trước. Phinh đã là thành viên của toán EAGLE. Tất cả điều đó chỉ còn lại cái tên của anh ta được vạch vào bức tường đầy bụi. Sau những ngày im lặng cô đơn là những đêm của tử thần. Tử thần đã báo hiệu trong những lần giám sát phòng giam theo định kỳ bằng những âm thanh nhất định. Mỗi cửa phòng giam có một tấm tôn nhỏ để che kín khe hở. Người bảo vệ sẽ mở tấm tôn để xác định các tù nhân trong phòng giam của mình có còn không.

Với người sống sau tấm tôn nhỏ này khi đóng là phát lên tiếng kêu "tách" thật nhanh, gọn, sau đó lại yên lặng. Khi người bảo vệ phát hiện một xác chết, những người lao công đến ngay tiếp theo những tiếng động của cửa phòng giam mở ra, rồi kéo xác chết đưa ra khỏi phòng giam. Việc chuyển xác chết thường làm vào ban đêm để tránh các con mắt tò mò, như trường hợp của tù nhân ở phía sau khu vực A đã xé áo sơ mi của mình và tự treo cổ trong tháng 2 năm 1968. Những tù nhân khác nghe thấy và đã gọi anh ta, nhưng anh ta không bao giờ trả lời nữa. Một số người nói rằng anh ta đã không hiểu được họ, vì anh ta là người Lào, một người dân tộc H'mông của tướng Vàng Pao đã bị bắt ở biên giới phía Bắc.

Nhiều ngày góp lại thành các tuần, rồi thành các tháng. Trong tháng 3 năm 1968, một người mới đến đi qua trước khu vực A. Anh ta mặc bộ pijama sọc đỏ, đầu cạo trọc hoàn toàn. Trông anh ta giống như Bạch Mười, một thành viên của toán T2, người được giữ lại ở Long Thành trong tháng giêng năm 1967. Vài lần anh ta đi ngang qua sân có người bảo vệ. Mỗi lần anh ta xuất hiện rất nhanh và sau đó, người ta không thấy anh nữa. Các tù nhân chỉ biết được thời gian qua những lần người chỉ huy tù đọc báo thường là hai hoặc ba lần trong mỗi tuần. Những lần đọc báo này nhằm làm cho họ lạc hướng trong việc háo hức mò tìm trong một thế giới đen tối nơi chỉ có một chút ánh sáng nhỏ nhoi lọt qua khe sát dưới cửa phòng giam. Trong những dịp này, đại uý Lộc, người chỉ huy trại vóc người thấp, trạc tuổi 50, kéo chiếc ghế của mình ra sân ở trước khu vực A, và đọc to các mục đã lựa chọn trên tờ báo Nhân dân hoặc tờ Quân đội nhân dân, trong khoảng 1 giờ. Nghe giọng của ông ta các tù nhân có thể biết ông ta là người Miền Nam, một cán bộ Việt Minh, thuộc "người tập kết" ra Bắc năm 1954.

Mặc dù các bài báo đều có tính chất chính trị, nhưng luôn luôn có điều gì đó, ở đôi chỗ, hướng những tù nhân biết về ngày trong tuần, hoặc ngày đó hay ít nhất là tháng đó. đôi khi ông Lộc giao công việc vặt này cho trung uý Hoan, trưởng Ban quản giáo của nhà tù, hoặc tiểu đội trưởng Vương, người phụ trách nhà ăn. Thậm chí đôi khi giao cho cả trung sỹ Sử, y tá của Trại giam đọc khi các sĩ quan mắc bận.

Ông Lộc thường mặc quần áo thường phục, các sỹ quan công an khác đôi khi xuất hiện cũng ăn mặc như vậy; nhưng khi ông ta mặc bộ đồng phục mầu rêu thẫm, áo khoác có các túi to và cổ có gắn quân hiệu đỏ thì ông ta đi lại khệnh khạng như một con công. Các tù nhân Mỹ đến vào cuối năm 1968, dường như họ mến trung uý Hoan hơn các sĩ quan khác. Luôn luôn vui vẻ với nụ cười, người trung uý 40 tuổi này thỉnh thoảng lại cho thuốc lá. Anh ta chỉ cao hơn 1,5 mét vì vậy người ta đặt tên kèm cho anh là "ông bé" hoặc “ông lùn".

Các tù binh người Việt lấy làm ngạc nhiên khi thấy những người Mỹ đến. Câu chuyện về các tù binh Mỹ dần dần lọt ra ngoài. Sau này khi họ thuật lại những người lính biệt kích qua mã moóc, những người Mỹ này đã bị bắt ở thành phố Huế trong cuộc tổng tấn công tháng 2 năm 1968. Họ có 13 người, tất cả cùng một nhóm trong đó có người Philipin. Những người Mỹ này ít khi cho biết tên của họ. Những người mới đến phân ra bốn khu vực chính của trại giam, một số ở chung trong một phòng rộng (tám người) ở khu C, còn sáu người kia thì hai người một phòng ở khu B: các phòng 1,2 và 8. Trại giam cũng còn một khu D, nhưng những người tù ở đây luôn luôn giữ bí mật.

--------------------------------------

(*) Trong những chương này người viết tỏ ra thiếu khách quan, có chỗ xuyên tạc chế độ giam giữ của chúng ta đối với những tên biệt kích bị bắt. (Chú thích của người dịch).

THINHRAZOR21428
23-02-2009, 15:59
Rõ ràng là ngay từ đầu không có người Mỹ nào nói chuyện với bất kỳ người Việt Nam nào. Có lẽ cán bộ phụ trách trại giam hy vọng rằng việc này sẽ ngăn chặn được sự giao tiếp, tuy nhiên họ đã không thấy được một điều: nhiều lính biệt kích biết tiếng Anh. Vào tháng 9 năm 1968, các tù nhân người Mỹ và người Việt Nam ở khu B đã tổ chức một cuộc đàm thoại ngắn. Việc này chính là do hai tù nhân Mỹ ở đó, Bob Olsen và Larry Stark.
Olsen và một tù binh Mỹ khác là những người đầu tiên đến phòng 2, khu B. Những lính biệt kích Việt Nam đã gõ tín hiệu móc lên các bức tường để liên lạc với họ, và biết rằng ông ta là nhân viên dân sự của tổ chức các kiến trúc sư và kỹ sư Thái Bình Dương. Một người Mỹ khác, trạc độ năm mươi, chỉ ở đó một thời gian ngắn trước khi được chuyển đến phòng biệt giam ở khu A.

Khi có người tù tiếp sau ở cùng buồng của Olsen đến, anh ta la hét và nói lảm nhảm suốt. Khó mà hiểu được anh ta nói gì, nhưng rõ ràng là anh ta đang gọi tên vợ mình, lặp đi lặp lại và luôn luôn la hét. Những người bảo vệ Việt Nam trị tội la hét rất nghiêm và khi thấy tiếng la hét họ thường chạy đến. Khu B yên lặng hẳn khi người cùng phòng với Olsen bị đánh ngất xỉu. Qua hai ngày sau, anh ta lại tiếp tục rên rỉ và la hét, và sau mỗi lần bị những người bảo vệ đánh thì anh ta mới chịu yên lặng. Anh ta bị đưa trở lại khu A lớn. Olsen trả lời rằng người cùng phòng trước của anh ta thật là "điên khùng". Phải đến những năm sau này các biệt kích Việt Nam mới biết rằng anh ta đang mô tả tình hình của một người mà không cho biết tên.

Người cùng phòng tiếp theo của Olsen và Larry Stark, anh ta không biết tín hiệu móc. Olsen kiên trì dạy anh ta mã móc trong một tháng để anh ta có thể giao tiếp với các biệt kích Việt Nam trong khu trại giam. Stark nói rằng anh ta là đại uý hải quân, trước đây đóng ở Đức, và đã ở thành phố Huế 6 tháng trước khi bị bắt.

Những người tù trong khu A đã có thể nói thầm qua cửa với những người ở phòng bên và biết được tung tích của họ. Những người ở khu B không có lợi thế đó, trừ số ít người may mắn đã xoáy được một đinh để đục các lỗ nhỏ ở cánh cửa. Các lỗ này đủ để nhìn thấy thế giới bên ngoài, thậm chí họ chỉ thấy những người tù khác và cán bộ đi lại. Một chiếc nút bằng vải nhỏ bịt các lỗ này cũng đủ làm cho những người bảo vệ không phát hiện được sự ngụy trang đó. Trong 8 tháng sau nhiều tù nhân đã nhìn thế giới bên ngoài qua các lỗ nhỏ đó.

Vì sự bố trí của các phòng giam, lỗ đinh này cho phép một người tù có thể thấy tất cả mọi người vào lúc ăn cơm. Những người bảo vệ khi đến một phòng mở khoá cửa và cho phép tù nhân đó bước ra ngoài để lấy bát thức ăn rồi sau đó khoá cửa trước khi đi sang phòng bên.

Những người biệt kích không bao giờ biết được tung tích một số người trong khu B, kể cả những người ở phòng 1 và 8. Những người tù ở phòng 8 mặc đồng phục màu xanh có sọc trắng. Một người trong số họ trạc 50 tuổi và thấp so với một người Mỹ. Người cùng phòng với anh ta thì rất mảnh mai, cao và trẻ hơn. Sáu người Mỹ này được chuyển đến khu C trong tháng 3 năm 1969, và những người biệt kích Việt Nam không còn giao tiếp với họ nữa. Những chuyến bay định kỳ của máy bay Mỹ luôn luôn động viên tinh thần của các tù nhân Mỹ ở Thanh Trì. Tiếng máy bay phản lực bay nhanh và thấp làm cho họ rất mừng, liền sau đó những người bảo vệ chạy tới và quát họ phải im lặng. Máy bay thường bay đến bất ngờ. Hầu như vào lúc tiếng còi báo động vang lên, đều đều và kéo dài trong khoảng 2 phút, kèm theo lời thông báo qua hệ thống truyền thanh mà tất cả những người tù có thể nghe được "Đồng bào chú ý! Đồng báo chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 80 km đang bay về phía Thủ đô từ hướng Đông Nam". Lời loan báo máy bay Mỹ luôn luôn bắt đầu như vậy khi còn cách xa 80 km. Trong vòng không hơn một phút, lời loan báo sau là: "Máy bay địch cách 30 km, yêu cầu toàn thể đồng bào xuống các hầm trú ẩn". Đại uý Lộc đi quanh trại giam và bảo mọi người đừng sợ. Họ chỉ cần chui xuống gầm giường khi máy bay đến. Ông ta luôn nhấn mạnh: "Không có gì phải lo lắng, không có gì phải lo lắng".

Những chuyến bay ban đêm thì luôn luôn ngoạn mục. Máy bay đến ở tầm thấp, hình như cánh của chúng chĩa ra phía sau, bay qua trại giam trước khi mọi người nhận ra chúng. Lực lượng an ninh của trại giam và dân quân địa phương triển khai với đủ loại vũ khí sẵn có. Pháo sáng cháy rực bầu trời. Qua các ô thoáng nhỏ trên các bức tường, các tù nhân có thể nhìn thấy pháo sáng khi chúng được bắn lên từng đợt. Người Bắc Việt Nam không bao giờ lãng phí, chờ cho máy bay sà xuống thấp và ngay thời điểm đó họ bắn các loạt đạn đầu, các máy bay phản lực vội bay đi.

Một tù nhân người Việt đến buồng 6 trong khu B. Anh ta ngồi trong phòng giam 3 ngày, những người bảo vệ chuyển thức ăn cho những tù nhân khác nhưng không chuyển cho anh ta. Cuối cùng anh ta cảm thấy đói thực sự. Anh ta than vãn:"Cán bộ ơi, tôi đói lắm, tôi đói thật. Sao các ông không cho tôi ăn?". Anh ta than vãn liên tiếp trong 3 ngày, nhưng những người bảo vệ vẫn phớt lờ.

Sau đó Lê Văn Nhung ở phòng 3 bắt đầu ngân nga hát. Tiếng hát của anh ta vọng đến tai những người bảo vệ.

Những lời kêu rên vì đói đã không làm ai sốt ruột. Bị đói không trái với luật lệ về qui định của nhà tù, thậm chí được phép phàn nàn về cái đói và được tự chết vì đói. Còn các cán bộ nhà tù lập luận rằng đói là chuyện thường tình xảy ra trong nhà tù. Vì sao phải sốt ruột chỉ vì một vài biệt kích đói?

Nhưng hát thì dứt khoát không được phép. Người bảo vệ chạy đến phòng của Ngung và nút chiếc nắp đậy khe hở ở cánh cửa: "Ai cho phép anh hát?", người bảo vệ la lớn qua chiếc cửa sắt.

"Vì tôi buồn", Ngung nghẹn ngào trả lời.

“Vì sao anh buồn?", người bảo vệ hỏi tỏ vẻ lúng túng.

"Vâng, tôi buồn vì sợ rằng ngày mai tôi sẽ không được ăn."

"Vì sao anh nói vậy?", người bảo vệ hỏi với giọng nghiêm khắc nhưng có phần tò mò.

"Thật đấy, người tù này đã bị lỡ độ đường, dù hắn là ai đi nữa, trong những ngày qua đã không có chút thức ăn nào. Anh ta nằm đó rên rỉ và than vãn. Chính vì vậy mà tôi buồn. Nếu người tù đó đã không có chút thức ăn nào trong nhiều ngày thì tôi sợ rằng có thể ngày mai sẽ đến lượt tôi, sẽ không được chút thức ăn nào". Tiếng nói của Ngung tan biến trong im lặng. Người bảo vệ này đi gọi trung sỹ Du, người phụ trách nấu bếp, trung sỹ Du đến với vẻ bực tức và đứng ở đấy khi cánh cửa phòng giam mở ra: ”Anh là đồ nói dối", Du nói to với người tù ở phòng số 6. "Vì sao anh nói rằng anh đã không ăn gì? Anh đã được cấp thức ăn cơ mà?". Qua giọng nói của anh ta người ta có thể thấy rằng anh ta đang cố lấp liếm một sự thật là anh ta chưa cho người tù này một thứ gì.

“Không thưa cán bộ", tiếng trả lời nhỏ nhẹ, "tôi chưa nhận được một thứ gì từ khi tôi đến. Tôi rất đói và quá đói đã mấy ngày nay".

Sau khi trung sỹ Du rời đi, người bảo vệ lẻn vào phòng giam, anh ta hỏi: "Anh bị bắt ở đâu?". "Ở biên giới", câu trả lời bằng tiếng miền Bắc nhưng với giọng nặng và lạ.

Ngung có thể thấy người tù này có nước da sáng, rõ ràng là anh ta chưa ngồi tù lâu. Anh ta là ai? Lào? Có phải là anh ta ở một toán quan sát đường? Tù nhân này được chuyển đến khu A trong vài ngày, và Ngung không bao giờ còn thấy anh ta nữa.

Trong khi trại giam Thanh Trì trở thành trại giam biệt kích đầu tiên trong hệ thống trại giam của Bắc Việt, hầu như cái nghề trưởng bộ phận nhà ăn ở trại giam của tiểu dội trưởng Lê Văn Vượng trong lực lượng an ninh đã kết thúc. Nhiều người miền Bắc rất sợ loại tai họa này khi họ phải khai bổ sung lý lịch cá nhân hàng năm và phải kê khai bất kỳ người bà con nào đã vào miền Nam năm 1954 trong thời gian chia cắt đất nước.

Năm 1968, trong khi kiểm tra thức ăn cấp cho những tù nhân mới được chuyển đến khu B, tiểu đội trưởng Vượng lần đầu tiên đã trực tiếp đối mặt với các tù nhân mới. Khi anh ta mở phòng 3, một lính biệt kích bước ra để nhận bát ăn thức ăn của mình rồi bước vào phòng giam, không nhìn người bảo vệ hoặc tiểu đội trưởng Vượng.

Không! Không thể như vậy được. Tiểu đội trưởng Vượng cảm thấy như bị sét đánh. Người tù đó chính là cháu anh ta, Lê Văn Ngung.

Không thể như thế được! Nó không thể ở đây. Ngung trạc khoảng 25 tuổi; Vượng đã không thấy hắn từ lâu trước năm 1954, khi gia đình Ngung chuyển từ Hà Đông ra Hà Nội.

Vượng bỗng thấy mình rơi vào hoàn cảnh trầm trọng. Anh ta luôn luôn biết rằng anh có một người anh cùng cha khác mẹ đã mất tích năm 1955. Anh không biết người đó còn sống hay đã chết. Vượng đã hết lòng phục vụ Cách mạng, và tương lai của anh đã được bảo đảm bởi sự phục vụ đó. Nhưng bây giờ tất cả đã trở nên nguy hiểm. Anh cố đứng thẳng để che giấu sự run sợ ở bên trong.

Ngung đã biết chắc về Vượng. Anh ta cũng đã ngỡ ngàng khi thấy Vượng lần đầu mấy tháng trước, khi anh đọc báo cho những người tù ở khu A nghe. Anh đã nắm chắc đó là ông chú của mình và muốn tránh Vượng bằng bất cứ giá nào. Trong đôi mắt của Ngung, do đã sống và làm việc với những người Cộng sản thì rõ ràng chú anh là một người phản động. Ngung biết rằng mọi sự thừa nhận công khai về ông chú lúc này có thể gây nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là với Ngung đã bị đói. Bây giờ phải yêu cầu ông chú cho ăn là hoàn toàn vô lý.
Tuần lễ sau đó, khi Ngung đi ra bể nước ở trước các phòng giam khu B để tắm, thì Vượng đang đứng đó nói chuyện với một người bảo vệ. Anh ta nhìn người cháu và ra hiệu trong khi vẫn nói chuyện với người bảo vệ đó "Anh có thấy người kia không? Anh ta là người cùng làng với tôi". Ngung phớt lờ anh ta.

Một tuần lễ sau trung uý Hoan lệnh cho Ngung đến phòng quản giáo của trại giam. Hoan đang ngồi đó ở sau chiếc bàn và có chú của Ngung ngồi bên cạnh. Hoan ra hiệu cho Ngung ngồi xuống chiếc ghế đối diện với họ.

Hoan bắt đầu "Nào, hãy cho tôi biết anh đã học được gì về hệ thống của chúng tôi ở đây?" Ông ta muốn nói về hệ thống Cộng sản ở Bắc Việt.

Ngung trả lời thắng thắn: "Tôi không hiểu gì về hệ thống ở đây. Làm sao mà tôi hiểu được? Cả ngày tôi chỉ ở một mình trong phòng giam đóng kín như bưng".

Hoan nhìn anh ta tò mò: "Anh muốn nói rằng anh không thấy tất cả mọi việc ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vĩ đại là tốt hơn phải không?"

Ngung trả lời "Không, tôi không thấy điều đó".

Trung uý Hoan ngồi đó im lặng, suy nghĩ và cân nhắc.

"Nếu chúng tôi cho phép anh trở về thăm làng của anh, liệu anh có thể nhớ được đường về làng đó không?".

Ngung biết con đường đó, nhưng vì đã lâu nên anh ta chỉ nhớ con đường đó một cách mơ hồ. Lúc đó anh mới 11 tuổi vào lúc kết thúc cuộc chiến tranh trước, nhưng anh ta không muốn thú nhận rằng anh biết đường về nhà với một người như trung uý Hoan.

Ngung trả lời "Không, tôi không nhớ rõ những con đường đó. Từ khi tôi ở đó đến nay đã 20 năm. Đúng là tôi không còn nhớ gì về những con đường đó". Giọng nói của anh ta lịm đi tan biến.

Hoan tiếp tục nói: “Thôi được, vậy anh có thể nhớ một người bà con nào nếu anh gặp họ không? Anh có thể nhớ ra họ nếu anh gặp lại họ không?"

Câu hỏi này bỗng làm Ngung sững sờ. Điều gì phải đến đã đến. Điều đó có nghĩa là Vượng đã báo cáo việc nhận ra Lê Văn Ngung, người tù biệt kích này là cháu của anh ta. Điều quan trọng bây giờ là phải tránh mọi sự thừa nhận rằng anh ta đã nhận ra chú mình.

"Không, chằng có cách nào để nhớ được, vì đã quá nhiều năm. Khi đó tôi còn quá trẻ".

Họ đột ngột ngừng hỏi Ngung và đưa trả về phòng giam.

Tiểu đội trưởng Vượng đã tự thừa nhận một thực tế là đứa con trai của anh mình là một tù nhân, nhưng không thể làm gì để giúp anh ta.

Anh phải nghĩ về cuộc sống của chính mình. Bởi vì một người cháu như vậy có thể làm thay đổi toàn bộ sự nghiệp của một người.

Để quên cái chết và nỗi thất vọng ở Thanh Trì thì có những lúc sự vui đùa là liều thuốc tốt nhất. Một trong những lần đó đến với Lê Văn Ngung là khi anh ta bắt được một chú chuột nhỏ đang chạy loanh quanh trong phòng giam của mình. Anh dùng một chiếc'kim nhỏ và sợi chỉ để xâu qua các tai của nó. Trên một mảnh giấy chỉ bằng một chiếc tem thư, anh ta đã cẩn thận viết các chữ in bằng mực làm bằng gạch đã được nghiền thành bột. Sau đó anh ta cẩn thận xâu sợi chỉ qua một lỗ nhỏ ở mỗi góc trên của mảnh giấy và thắt chặt các đầu. Anh nhìn con chuột đang giữ chặt ở lưng bị buộc một mảnh giấy nhỏ ở dưới cổ giống như một chiếc vòng đeo cổ.

Ngung quỳ xuống bên cứa và từ từ đẩy con chuột ra ngoài một cách cẩn thận để khỏi làm rách mẩu giấy. Con chuột chạy như điên ra ngoài về bên phải tới phòng giam của Larry Stark. Sau vài phút yên lặng. Larry Stark gõ nhẹ qua bức tường "Con chuột này ở chỗ anh đến phải không?"

Ngung ngồi đó, trên mặt sàn, chân bắt chéo, đầu cúi xuống, cười khoái trá. Anh cầm chắc đinh gỉ trong tay để đánh tín hiệu trả lời: “Vâng!".

Ngung biết rằng Larry đang cười. Anh không thể nghe thấy, nhưng có thể cảm thấy phản ứng của anh ta. Ngung mỉm cười thoải mái, sau chuyển sang cười thành tiếng. Rồi bỗng cười phá lên. Anh cố phá tan im lặng để người bảo vệ nghe thấy cho đến khi rát cả họng. Anh biết Larry sẽ đánh giá cao tính hài hước và cách làm công việc này. Ngung hy vọng rằng Larry đã không chuyển con chuột đó đến một người nào khác. Bất cứ ai thấy chiếc biển con trên con chuột với các chữ "con cáo ranh mãnh" tự nhiên sẽ biết rằng chiếc biển đó do một người Việt Nam làm. Sau đó những người bảo vệ mù chữ tự cho là ai đó đã diễu cợt và người đó sẽ sang địa ngục.

Cuối cùng thì các cuộc hành quân bán quân sự bí mật của Washington chống lại Bắc Việt Nam cũng đi đến kết thúc. Vào ngày 22 tháng Giêng, mười ngày trước cuộc tổng tấn công mùa xuân 1968. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương sẽ quyết định không tăng cường toán RED DRAGON và ngày 5 tháng 3, huỷ bỏ các kế hoạch sử dụng toán AXE. Washington đã dự kiến giới hạn ném bom vào ngày 1 tháng 4, và thêm một bằng chứng nữa là giới hạn các phi vụ giữa vĩ tuyến 17 và 19 từ 13 tháng 3 và giới hạn các cuộc hành quân ra phía bắc vĩ tuyến 20 vào ngày 4 tháng 4. Các cuộc hành quân trinh sát của STRATA vào vùng cán xoong ở phía Bắc của Bắc Việt, dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh tiếp tục phải được chuẩn y theo từng trường hợp một, khi các phi vụ tái cung cấp của RED DRAGON và REMUS đã được xếp vào ngăn kéo vào ngày 13 tháng 4. Các cuộc hành quân tâm lý chiến của REMUS đã bị huỷ vào ngày 15 tháng 5.

Ngày 21 tháng 5, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương đã gửi đi nội dung của kế hoạch xem lại tất cả các toán biệt kích tại chỗ và bắt phải giới hạn việc tái tiếp tế khẩn cấp vào ngày hôm sau. Theo lệnh ngày 3 tháng 7, các cuộc hành quân trên biển được phép tiếp tục đến vĩ tuyến 20. Ngày 27 tháng 7, mọi việc tái tiếp tế khẩn cấp cho các toán biệt kích hoạt động tại chỗ đã bị đình chỉ để chở kết quả chính thức của việc phân tích tình trạng an toàn của các toán này. Một phi vụ máy bay lên thẳng để hỗ trợ toán HADLEY đã bị hủy bỏ ngày 18 tháng 8. Các cuộc hành quân của biệt kích chủ bài ở địa bàn thành phố Vinh đã bị đình lại ngày 8 tháng 9; việc tái tiếp tế cho toán TOURBILLON cuối cùng đã bị thương tổn vào ngày 30 tháng 9, các cuộc hành quân đường biển đã bị đình chỉ ngày 7 tháng 10, và cuối cùng, ngày 1 tháng 11, ngay trước cuộc tổng tuyển cừ 1968 ở Mỹ, toàn bộ cuộc hành quân bán quân sự chống lại Bắc Việt Nam, được người ta biết theo tên mã là Footboy đã hoàn toàn kết thúc.

Trong năm 1964, kế hoạch 34A đã được miêu tả chân thực khi gửi đi một đoạn tin nói rằng những người nhận nó không định nghe. Các lực lượng Quân đội nhân dân ở miền Nam đã bị tiêu hao nhiều trong cuộc Tổng tấn công mùa xuân 1968, và hệ thống hậu cần của họ ở vùng cực nam buộc phải rút sang Campuchia, việc ngừng ném bom làm cho Hà Nội phải ân xá nhiều tù binh, khi Washington đang tìm các giải pháp trong các cuộc đàm phán mật ở Paris. Trong năm 1968, Hà Nội có các mục tiêu riêng của mình, chắc chắn trong tầm tay, thậm chí nếu các mục tiêu này còn xa đến 7 năm.

Quyết định mùa xuân 1968 của chính quyền Johnson về chương trình xuống thang là một thủ đoạn chính trị thô thiển nhằm thu thêm phiếu bầu cho những người Đảng Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử ngày 3 tháng 11. Trong thực tế khái niệm rút lui đã hình thành trong giai đoạn lập kế hoạch quân sự ở Sài Gòn, ít nhất là từ năm 1966.

Chiến tranh sẽ kết thúc. Với tất cả các sự việc này, yếu tố chủ yếu chỉ còn là thời gian. Những người lính biệt kích ở sâu trong các trại giam của Bắc Việt đã không biết đến những quyết định xuống thang này. Họ không nhận thức được về các hoạt động dẫn đến kết thúc việc trả lương cho họ, khi họ bị xoá tên trong các sổ sách quản lý của MACSOG, Liên đoàn quan sát thuộc Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ.

------------------o0o--------------------
(Hết mục 15).

No comments:

Post a Comment