Friday, March 22, 2013

13. CHÚNG TÔI ĐÃ BIẾT "AI" ĐANG ĐẾN...


Mùa hè 1967 ở vùng duyên hải tỉnh Hà Tĩnh sao dài và nóng thế. Máy bay Mỹ tiếp tục bắn phá các mục tiêu của dải đất hẹp cán xoong này, như thi xã Hà Tinh và vùng ngoại ô. Ở các làng quê Hà Tĩnh, cuộc sống vẫn xoay quanh mùa gặt hái tháng 8 hơn nữa chuyện Mỹ oanh tạc suốt ngày đêm đã quá quen thuộc.
Tại một làng ven thị xã, các lực lượng dân quân và bộ đội chủ lực canh gác đang lơ mơ ngủ bên ngoài các lều trại dùng làm trại giam. Ai cũng biết những tù nhân trong trại là “gián điệp biệt kích". Cán bộ hỏi cung của Bộ Công An dạo này ít xuống đây. Có lẽ họ đã lấy cung xong, làng trở lại cuộc sống bình thường. Cho đến khi toán tù khác lại đến.

Một buổi tối đã về khuya tháng 7/1967 cũng giống như mọi buổi tối khác sau công việc đồng áng. Người dân ở đây có thói quen hay tụ tập nhau bàn về vụ gieo trồng mùa hè và nói chuyện phiếm về các vụ oanh kích ác liệt của Mỹ gần đây.

"Thật không tưởng được", một giọng nói trong bóng tối vọng ra, "Phản lực Mỹ, bắn canông 20 ly làm cháy kho đạn. Bắn rất chính xác toàn thị xã mà nó chỉ bắn mỗi kho này, nhà kho cháy, đạn cứ nổ ầm ầm…"

"Tôi biết", một giọng khác từ sau ánh đèn dầu tù mù phát ra "thế cũng chưa là gì cả đừng có quên rằng không chỉ riêng bộ đội chúng ta bị chúng nó đánh mà tất cả chúng ta cũng đều mất cả gia đình vì bom Mỹ. Có nhớ hôm làng ta bắt được một phi công Mỹ không, máy bay của nó bị trúng đạn cao xạ, nó phải nhảy dù ra. Một người dân dùng chiếc vai cầy đánh cho nó đến chết trước khi bộ đội đến".

"Phải", tiếng trả lời đáp lại: "Bộ đội muốn bảo vệ bọn phi công và ngăn không cho chúng ta giết bọn chúng. Đó là điều rất dễ đối với họ. Họ là chiến sĩ mà, thế còn chúng ta thì sao? Chúng ta mất cả gia đình. Tại sao lại ngăn không cho chúng ta giết bọn Mỹ? Nếu bộ đội giết chúng được sao chúng ta lại không giết chúng được?” Tiếng xì xào đồng ý.

Trong gian nhà tranh cạnh tốp nông dân đang trò chuyện, Lê Văn Ngung, toán trưởng toán HADLEY đang nằm nghiêng, hai tay vẫn bị trói chặt giật cánh khuỷu. Cô dân quân trẻ tối nay không đến nới dây điện thoại trói cho Ngung, nhưng vì mải nghe câu chuyện của những người nông dân nên quên cả đau.

Nếu không bị bắt giam thì Ngung sẽ cố nghe mọi chi tiết của câu chuyện này. Đây là loạt tin tức mà anh ta phải báo cáo về chỉ huy Sở của mình.

Nhưng, bây giờ khác rồi thân tù tội và điều mà anh ta cần là sống cho qua ngày. Không đếm xỉa đến những người nông dân, phải ngủ đã.

Nửa năm trước, 11 thành viên toán huấn luyện I mà sau đó được đổi tên HADLEY, đã bước vào khu vực cấm tại căn cứ huấn luyện của họ bên ngoài Long Thành. Họ chờ đợi giờ phút vào cuộc tập luyện, để rồi bây giờ nằm tại đây. Họ đã thấy nhiều toán đến khu vực đó rồi được phái đi làm nhiệm vụ. Chưa một người nào trở về. Nhưng đấy là điều dễ hiểu. còn sớm mà. Các toán không thể trở về sau một vài năm.

Các toán viên HADLEY xúm quanh cười đùa, trêu nhau, phô gương mặt anh hùng trước ống kính camera của viên cố vấn Mỹ, đại úy Fred Caristo. Chỉ vài ngày nữa là họ lên đường, chắc chắn như vậy.

Lúc đầu toán có 15 người. Khi bầu Lê Văn Ngung làm toán trưởng, thì bốn người không đồng ý. Vì vậy bốn người tách ra lập thành một toán riêng, lấy tên là toán huấn luyện T2. Toán T2 ở lại để sau này tăng cường cho toán HADLEY.

Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Nguyên đán. Họ biết là càng gần Tết, công việc sẽ càng lơi lỏng. Người ta không chú ý vào công việc vì còn mải lo sắm Tết. Nếu toán của Ngung sắp phải ném ra Bắc, thì các toán viên đều muốn đi sớm, trước khi có ai đó quên làm cái gì đó làm sao nhãng toán của anh ta.

Trước khi rời căn cứ, đại uý Dung và Caristo có hỏi thẳng cả toán là có ai sợ không?

“Sợ ư? Không đời nào!”

Sau đó Dung và Caristo tìm cách nắn gân họ. Họ nói là cách đây một năm, đã có một toán khác nhảy dù xuống địa điểm mà họ sắp nhảy, đã bị tuyên bố là mất tích, không bao giờ trở lại. Các toán viên HADLEY coi chuyện đó là để nhắc nhở họ nâng cao cảnh giác mà thôi, một cách thử tinh thần anh em. Vài tiếng sau, họ phải nhanh chóng đến sân bay, lên máy bay và cất cánh. Sau khi máy bay cất cánh, đại úy Caristo mới báo cáo thay đổi kế hoạch đột ngột. Họ không nhảy dù nữa vì gió và mưa to tại địa đìểm định nhảy. Phải bỏ dở cuộc hành quân.

Đợt hành quân này đã phải bỏ dở một phần vì Caristo và những người khác ở MACSOG tin là có vấn đề. Caristo tin rằng có một điệp viên miền Bắc chui vào hàng ngũ phía quân Việt Nam Cộng hoà. Họ đã thấy từ nhiều tháng này, toán nào sau khi thả dù cũng bỉ bắt ngay sau khi tiếp đất. Thử thay đổi một vài chi tiết xem, họ giấu các sĩ quan miền Nam về các chi tiết cuộc hành quân, không nói thật địa điểm nhảy dù và cung cấp cho họ vài tin giả khác. Mặc dầu MACSOG gắng tìm cách loại bỏ những rò rỉ tin tức nhưng người miền Bắc vẫn luôn luôn chờ đón các toán này.

Việc thay đổi kế hoạch đột ngột này là có chủ ý nhằm loại ra khỏi vòng bất cứ người nào đó đã tiết lộ cho Bắc Việt Nam biết kế hoạch của toán này. Vấn đề là, làm sao họ biết được nếu có một người cung cấp tin tức như vậy và cung cấp từ bao giờ?

Sau khi quay về Long Thành, đại úy Caristo, Dung và chỉ huy trại đã huấn thị lại cho toán HADLEY. Họ được thông báo một tuần lễ sau sẽ xuất phát từ sân bay Long Thành, nhiệm vụ của họ tương đối đơn giản: Tiến hành các hoạt động dọc quốc lộ 4 của Bắc Việt Nam và họ có thể hoạt động ở đấy tới hai năm. Hết thời gian đó họ có thể rút, với điều kiện là phải bảo đảm an toàn để máy bay trực thăng tái xâm nhập chở họ về. Phần lớn các điệp viên đều mong rằng nhiều lắm họ chỉ hoạt động hơn sáu tháng là cùng.

Họ sẽ đặt một máy do thám điện tử ở phía nam quốc lộ 4, phía tây huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, giáp biên giới Lào. Máy điện tử này sẽ phát hiện các loại xe tải và xe hạng nặng khác, máy này không phát hiện được người đi bộ. Địa điểm tối ưu để đặt máy điện tử này là cách đường quốc lộ trong vòng 5m đến 10m. Toán còn phải do thám các cầu dọc quốc lộ để báo cho máy bay đánh phá sau này. Khi toán tiếp đất và bắt liên lạc với chỉ huy Sở, sẽ được giao thêm nhiệm vụ và các chỉ thị khác nữa.

Xem ảnh chụp từ trên không địa điểm nhảy dù, Caristo chỉ vào cái làng gần chỗ nhảy dù nhất, là một cụm nhà nhỏ cách độ 5 km về phía nam. Toán sẽ phải di chuyển từ đấy để về căn cứ hoạt động đầu tiên. Đó là một điểm cách nơi nhảy dù khoảng 5km về phía Bắc, cách đường quốc lộ 4 vài km về đông nam. Đại uý Dung cảnh báo cho toán các vấn đề có thể xảy ra. An toàn ở đây không đảm bảo vì năm ngoái đã mất một toán thả xuống tại vùng này, nhung Dung không nói những đơn vị cụ thể nào của địch đóng ở vùng này. Dung nhấn mạnh rằng một khi toán tới địa điểm, Quy là người ra khỏi trực thăng đầu tiên và do thám xem khu vực này có an toàn không rồi cả toán mới ra tiếp. Đại úy Dung dặn dò nhiệm vụ từng toán viên. Xuống đất rồi mọi người phải chịu sự chỉ huy của Lê Văn Ngung, nhưng không nói đến việc phải thi hành các chỉ thị của Dung.

Các sĩ quan kiểm lại trang bị của từng người. Mỗi người đều được trang bị một súng máy K Thuỵ Điển, một súng lục tự động Browing, bốn quả lựu đạn, và bọc lương thực dùng cho nhiều ngày. Điện đài được tháo ra và chia cho ba người phụ trách điện đài. Họ tươi cười, rõ ràng là hành lý mang theo nhẹ nhàng như đi du lịch. Đại uý Dung nhấn mạnh rằng toán phải bắt liên lạc bằng điện đài với chỉ huy Sở ngay tối hôm đổ bộ, chậm nhất là ngày hôm sau nếu có thể được.

Ngày 25/1/1967, toán HADLEY lên một chiếc xe tải đi ngay đến phi trường Tân Sơn Nhất. Họ lên một chiếc máy bay vận tải Mỹ rồi bay sang Thái Lan, cùng đi có Caristo và Dung. Tại Thái Lan, toán lại chuyển sang chiếc trực thăng xanh thẫm đang đợi sẵn do các phi công Mỹ lái. Việc chuyển máy bay được tiến hành nhanh nhẹn chưa đầy một giờ đồng hồ đến nỗi không ai trên mặt đất biết lúc họ đến cũng như lúc họ đi.

Trực thăng bay ở độ cao dưới 500 bộ (feet) để tránh bị phát hiện. Sau khi qua khu vực mà người ta nói là biên giới Lào-Bắc Việt Nam, một sĩ quan cúi xuống nói với họ là máy bay vừa bị các lực lượng của Cộng sản dưới đất bắn lên. Điều đó không làm họ ngạc nhiên, vì họ biết rằng bộ đội miền Bắc bố trí phòng thủ rất mạnh suốt dọc đường mòn Hồ Chí Minh phía đông Lào mà máy bay vừa bay qua.

Vài phút sau, khoảng 6 giờ 15 tối hôm đó, trực thăng hạ thấp và lượn vòng. Một chiếc trực thăng thứ hai bay vòng quanh vùng đổ bộ để bảo vệ. Lúc này, người ta đã quên chuyện súng từ mặt đất bắn lên.

THINHRAZOR21428
23-02-2009, 15:58
Trong khi trực thăng đang lượn cách mặt đất 6 đến 8 bộ, Quy nhảy ra trước. Đáng lẽ đợi xem có động tĩnh gì không như lệnh đã dặn thì người ta bảo cả toán phải nhảy hết ra ngay. Sau khi nhảy vào bãi cỏ vòi voi rậm rạp bị thổi rạp xuống bởi cánh quạt máy bay, họ rời điểm đổ bộ, nhìn theo chiếc máy bay vọt lên cao, lượn một hai vòng rồi quay đầu trở lại Thái Lan. Họ lo gặp phải hổ rất hay nấp trong loại cỏ này. Thời tiết mà người ta cho là khắc nghiệt làm trì hoãn chuyến đổ bộ lần trước đã không còn nữa.
Họ di chuyển khỏi nơi đổ bộ và đi bộ theo con đường đã vạch trước, đến nơi tập kết thứ nhất cách đó khoảng 5km. Trời tối dần và họ đã đi rất chậm vì thêm túi hành lý lấy ở Thái Lan quá nặng, mới đi được 200m thì toán trưởng đã ra lệnh dừng lại. Ngung cho rằng vì các bụi rậm dày đặc nên không thể đi ban đêm được.

Toàn toán khoanh một vùng để bảo vệ và đóng trại nghỉ qua đêm. Trước khi trời tảng sáng, họ dậy và tiếp tục đi. Mưa rơi nhè nhẹ, và họ cảm thấy có gì khác lạ trong không trung. Họ không ngờ thời tiết lại khắc nghiệt thêm. Bất thình lình, từ phía đổ bộ có tiếng chó sủa vọng lại, giống tiếng chó bécgiê Đức do người nuôi chứ không phải tiếng chó hoang. Thế rồi tiếp đến là tiếng hò hét bằng tiếng Việt, tiếng súng nổ cách quảng, đích thị là súng trường tấn công AK47.

"Chúng đây rồi…bọn chúng đã ở đây... chúng đây rồi", những tiếng nói nghe xa xăm nhưng còn vang rõ trong sương sớm. Rõ ràng là bộ đội đang truy lùng họ. Điều rắc rối hơn là các binh lính này chắc chắn đang chờ đợi họ và biết đích xác nơi họ đổ bộ.

Tiếng chó sủa, tiếng súng tự động bắn thêm vài phút, trong lúc cả toán co cụm lại bất động. Có thể là bộ đội miền Bắc bắn vu vơ, làm cho các biệt kích bộc lộ chỗ trốn của họ. Tiếng chó sủa xa dần, tiếng súng thưa dần. Rõ ràng là bộ đội đang đi về hướng ngược lại.

Toàn toán thu vén đồ đạc và lại tiếp tục đi. Hai ngày đi không xẩy ra vấn đề gì, nhưng họ chỉ đi được có 3km. Đường đi trong ảnh chụp trên không thì dễ nhưng khi đã ở trên mặt đất, các biệt kích phải đi qua những bụi rậm dầy đặc không thể tưởng tượng được mà không hề có được trên ảnh. Mưa phùn bây giờ chuyển sang mưa nặng hạt, ướt sũng tất cả, đồ đạc lại nặng lên không thể đi nhanh được. Bây giờ đến lượt Vũ Văn Hinh gây khó khăn thêm cho cuộc hành quân của toán. Vũ Văn Hinh là một trong hai người đưa đường do đại uý Dung chỉ định. Hinh không đọc được bản đồ và sử dụng la bàn, Hinh không dám chắc là toán có đi đúng hướng hay không. Đi được một quãng ngắn, toán trưởng không cho Hinh đi trước dẫn đường nữa và cho anh ta đi giữa toán. Ngung tự đi trước dẫn đường và cầm luôn cả máy điện đàm vô tuyến xách tay.

Mỗi người đi cách xa nhau một quãng để tránh cả toán rơi vào ổ phục kích ở đầu hoặc đuôi mà không biết trước.

Bộ đội miền Bắc xuất hiện bất ngờ làm họ chưa thể bắt liên lạc được với Sở chỉ huy. Hai người phụ trách điện đài là Nguyễn Thế Khoa và Phạm Việt Phúc từ chối mắc đài để đánh tín hiệu mooc về Sở chỉ huy. Họ được lệnh phải làm, nhưng họ không làm với lý do là phải mất nhiều thời gian đề mắc cần anten, lắp máy, chạy máy trong khi còn lo chạy tránh người Bắc Việt Nam truy kích. Việc sử dụng máy bộ đàm không thực hiện vì bán kính hoạt động chỉ hạn chế trong vòng 50 km thôi. Mặc dù đại uý Dung có nói là máy có thể bắt liên lạc được vị chỉ huy Sở, Ngung đã không kiên quyết yêu cầu phải liên lạc bằng vô tuyến-điều mà đến mấy năm sau Ngung vẫn còu tiếc mãi.

Sau này nghĩ lại, họ mới nhận ra rằng bộ đội miền Bắc đã truy theo hướng đi của họ và chờ đợi thời điểm tốt nhất mới tấn công. Họ tấn công vào lúc chiều tối ngày 27/1. Ngung đang đi đầu dẫn đường sắp lên đến đỉnh một quả đồi thì bị tấn công từ sườn đồi bên kia bắn sang, đạn súng AK47 xuyên vào các cây phía trước. Cả toán nằm rạp xuống đất, mỗi người bò một quãng ngắn cách chỗ mình đang đứng, ước lượng hoả lực, hướng đạn bắn đến.

Hoả lực càng ngày càng tăng, rõ ràng toán biệt kích đã bị điệu lên đỉnh đồi. Sử dụng một cái bẫy khéo léo, một đơn vị Quân đội Bắc Việt Nam cỡ đại đội đã bao vây toán HADLEY ở chân đồi. Làm sao họ bố trí được một trận phục kích nhanh như thế mà toán biệt kích không phát hiện ra? Chắc là lực lượng Bắc Việt Nam đã đến đây trước cả toán biệt kích và chờ họ đến? Vòng vây của họ nói lên rằng lực lượng Bắc Việt Nam đã biết trước nơi toán biệt kích đến và triển khai để bắt họ.

Binh lính Bắc Việt Nam bắt đầu tiến chậm chạp về phía toán biệt kích đã bị sập bẫy, các biệt kích tung lựu đạn xuống đồi. Tiếng kêu la chứng tỏ họ đã làm một số lính Bắc Việt Nam bị thương. Lực lượng bao vây đã đến đủ gần để các biệt kích có thể nghe được cuộc hỏi cung mang tính chiến thuật đối với một người biệt kích vừa bị bắt.

“Chúng ở đâu? Những người khác đã chạy đâu?”, họ nghe rõ Vũ Như Tùng đáp lại “Đấy! Nhìn kìa, họ ở đấy! Thấy họ chưa? Thấy chưa..." Sau đấy, họ nghe thấy tiếng quân miền Bắc chuyển sang hướng đối diện.

Toán trưởng và ba người Quy, Lao, Khoa đang bị mắc kẹt trong bụi rậm. Họ ngồi im chờ đợi sợ quân phục kích còn quanh đấy. Họ hy vọng những người miền Bắc bỏ đi chỗ khác. Sau một giờ, bốn người bò dần xuống đồi, họ bắt đầu tìm cách thoát theo hướng họ đã đến. Hai ngày sau họ gặp lại Tinh, Ninh cũng thoát được theo hướng tây. Lúc này, thấy thiếu bốn toán viên, họ đi đến kết luận là cả ba người đã bị bắt cũng như Vũ Như Tùng. Việc họ bị bắt đã gây tai họa cho toán. Phúc, Lương Trọng Thường, hai điện báo viên đã đem theo các bộ phận chủ yếu của thiết bị vô tuyến kể cả máy phát điện quay tay. Họ không thể báo về Chỉ huy sở rằng người miền Bắc đã đợi họ từ lâu và bây giờ họ đang bị tấn công, chiếc bộ đàm sóng ngắn HT-1 trở thành vô dụng và chiếc radio chính thì Vu Văn Hinh cầm, rõ ràng Hinh cũng bị bắt rồi.

Trời vẫn tiếp tục mưa. Đêm miền núi lạnh buốt đấy là đặc điểm khí hậu tháng một ở miền Bắc , điều mà họ chưa hề lường tới để đối phó trong một tình huống như thế này. Họ còn lại vũ khí, đạn dược, nhưng các gói khẩu phần ăn dã chiến cũng như bọc dù đồ tiếp tế nặng đã bị bỏ lại ngay từ cuộc đọ súng đầu tiên. Bây giờ chỉ còn cách duy nhất có thể làm được. Họ phải đi về phía tây sang Lào rồi tìm cách sang Thái Lan. Họ đã đổ bộ xuống sát biên giới, gần mạng lưới xâm nhập quan trọng của miền Bắc vào miền Nam. May ra họ có thể vượt qua mạng lưới đó mà không bị phát hiện và tới Thái Lan an toàn.

Một toán viên may còn giữ được một túi cứu sinh gồm dây câu, lưỡi câu. Đào đất một ít đã có được mấy con giun, cắt cành cây làm cần câu. Họ đã câu được ở một con suối khoảng chục con cá din bằng ngón tay. Tìm trong các bụi rậm, họ chẳng kiếm được gì ngoài vài quả gì nhỏ, đỏ. Bỏ vào miệng cắn vừa đắng vừa chát và vài giờ sau lưỡi bị nứt toác. Vài ngày sau, họ thấy các quả xanh nhỏ trên cây cao không với tới được, nhưng có một ít rụng xuống đất, họ đem luộc với nước mưa. Đó là bữa ăn đầu tiên của họ trong mấy ngày.

Mưa vừa dầm dề không dứt trong khi họ di chuyển về phía tây. Đến ngày mồng 1 tháng 2 thì họ kiệt sức không đi được nửa. Giờ thì có bị phát hiện cũng không thành vấn đề. Họ tìm thấy một con suối nhỏ và có một cái lán. Mái rách bươm bị bỏ hoang đã lâu giống như một cái chòi thợ săn của một bộ lạc săn bắn thời tiền sử để lại nhưng dù sao đó cũng là sợi dây liên lạc với nền văn minh. Túm tụm với nhau trong lán cũng không thể tránh được cơn mưa như trút. Họ bàn nhau và quyết định cứ ở lại đây và chết cùng nhau nếu cần. Họ chỉ còn mỗi một hoạt động duy nhất là ra suối lấy nước về đun sôi lên rồi uống
.
Tình cảnh của họ càng thảm hại hơn nữa vào ngày 3 tháng 2 khi ba người trong bọn họ là Ngung, Khoa, Khoan đột ngột lên cơn sốt rét run cầm cập. Ngày hôm sau, trời đột ngột tạnh mưa, nhiệt độ ban ngày tăng lên cũng như niềm hy vọng của họ.


Gần 9 giờ sáng hôm đó, mọi người nghe thấy một tiếng nổ. Mấy chiếc máy bay cánh quạt trông giống loại máy bay "Giặc nhà trời" xuất hiện trên đầu họ, đang bổ nhào xuống một mục tiêu trên mặt đất cách đấy đến 5 km. Họ vội phát quang một đám bụi rậm, chất một đống cành khô, lá mục và đốt lửa với hy vọng khói lên sẽ thu hút sự chú ý của một chiếc máy bay, may ra người phi công nhận ra "bạn". Một chiếc máy bay lượn những vòng chậm chạp quanh chỗ bắn chỉ lờ lững lượn quanh làm họ càng hy vọng. Chắc chắn người phi công sẽ báo cáo những gì anh ta nhìn thấy. Tất cả bọn họ hy vọng trực thăng sẽ đến ngay để cứu họ. Đợi mãi sau khi các máy bay đi khỏi quá trưa sang chiều tối cũng chẳng thấy gì.
Vào khoảng 6 giờ tối hôm đó, họ nghe tiếng súng tự động, đạn réo trên đầu họ bắn vào bụi rậm. Quân Bắc Việt Nam vẫn đang lùng sục họ. Y như lần trước, họ bắn cao trên ngọn cây. Lao và Tinh bắn trả lại. Khoa và Lê Văn Ngung vẫn còn sốt. Sau 15 phút thưa thớt tiếng súng, quân bao vây xô vào bắt cả 7 người không một chút chống cự nào.

Bộ đội miền Bắc đã biết lính biệt kích là ai rồi. Trong lúc trói giật cánh khuỷu các biệt kích bằng dây điện thoại, người nào cũng bị hỏi cùng một câu hỏi : "Toán trưởng ở đâu?"

Ngung đáp anh là toán trưởng. Câu hỏi tiếp không làm người ta ngạc nhiên, "Anh là Ngung à?”.

Rõ ràng, họ đã hỏi cung các tù nhân trước và biết được 7 người của toán còn sống sót. Ngung còn bị hơi mê sảng vì sốt rét nên nói rằng anh ta không phải là Ngung. Họ cười nhạt rồi tát và hét vào mặt anh ta.

"Nói láo! Tên anh là Ngung, anh không có tên nào khác ngoài tên đó".

Ngay sau đó, họ nấu cháo cho các tù binh ăn. Họ đối đãi tử tế với các biệt kích vì biết rằng sẽ còn dùng họ vào các mục đích khác cần sự cộng tác hoàn toàn của họ.

Như thể xát muối vào vết thương, một trong những người lính miền Bắc cười to vào mặt Ngung và nói "Anh biết không, ngay cả trước khi các anh đổ bộ, chúng tôi đã biết kế hoạch các anh sẽ tới đây. Chúng tôi biết chính xác cả thời gian, chính xác cả nơi các anh sẽ đổ bộ, vì thế chúng tôi đã tổ chức sẵn quân chính qui, bộ đội địa phương và dân quân tóm các anh, sau khi các anh đổ bộ".

Cánh biệt kích chẳng biết nghĩ như thế nào về nhận xét này có thật như vậy không, có đúng như vậy không, hay là họ chỉ nói phét?

Một người miền Bắc , chắc hẳn là sĩ quan phụ trách, đi đến từng tù binh một chỉ hỏi bốn câu: tên, tuổi, chức vụ, nhiệm vụ được giao. Sau đó, các tù binh phải đi bộ về phía tây, rõ ràng là vào đất Lào, có lẽ gần quốc lộ 4. Khoảng 10 giờ đêm hôm ấy, họ đến một làng của bộ tộc Lào và nghỉ qua đêm ở đó. Mỗi nhà nhốt biệt kích có một dân quân và một bộ đội mặc quân phục canh gác cẩn thận.

Tờ mờ sáng hôm sau, một ô tô tải đến chở họ đến địa điểm bắt đầu hỏi cung. Xe đi về hướng đông.

“Tôi hứa với anh", một người thẩm vấn mặc thường phục nói giọng kiên quyết nhưng thân mật, "anh sẽ được thưởng nếu anh chịu cộng tác. Nếu anh trung thực, không những Nhà nước có thưởng cho anh mà gia đình anh ở miền Nam vẫn có thể tiếp tục lĩnh đủ lương cùng phụ cấp của anh".

Lời nói đó để lung lạc và đánh bẫy những kẻ không thận trọng. Người ta muốn nói rõ hơn: “…Nếu anh cộng tác, dùng điện đài phục vụ cho Bắc Việt Nam thì Sở chỉ huy của anh không bao giờ phát hiện ra được. Sở chỉ huy nghĩ rằng anh vẫn còn sống và tiếp tục trả lương cho gia đình anh.”

Cán bộ công an biết rằng họ phải nắm được các mật hiệu an toàn của toán trưởng và các nhân viên điện đài để tiến hành hoạt động đánh lừa đối phương. Họ cũng biết là các tín hiệu an toàn được sử dụng rất xảo quyệt, không bao giờ họ dám chắc là họ nắm được tín hiệu thật. Nếu phát đi một câu trả lời sai thì chỉ huy sở Sài Gòn cảnh giác ngay là toán đã bị địch cưỡng chế. Những người thẩm vấn thúc ép mọi người về các câu trả lời mà đại uý Dung đã dặn họ trước khi đi. Nếu có tù binh nào giữ thái độ im lặng thì các cuộc hỏi cung sẽ tiếp tục cho đến khi người đó chịu hợp tác hay khước từ. Một khi Ngung và Thương đã từ chối không chịu cung cấp tín hiệu của họ, thì những người hỏi cung Bắc Việt Nam không còn chấp nhận bất cứ tín hiệu nào mà họ đưa ra là tín hiệu thật cả.

Khi các tù binh đến làng Trung Linh thì hai nhân viên điện đài là Khoa và Phúc không cùng ở với họ nữa. Những người khác đã nhìn thấy các cần anten cao trong làng. Phải chăng đó là nơi hai nhân viên điện đài ở? Phải chăng họ đã đồng ý hợp tác?

Sau một tuần lễ ở Trung Linh, toán biệt kích đi về phía đông, đến làng Cẩm Thạch, cách trung tâm thị xã Hà Tĩnh 7 km nơi đóng trụ sở của tỉnh. Ở đây họ thấy một toán 10 đến 12 tù nhân mặc quần áo kẻ sọc đồng phục đang làm việc vặt vãnh có lính vũ trang gác. Rõ ràng là nhà giam của tỉnh được tạm thời sơ tán về nông thôn để tránh bom đạn của Mỹ.

Các cuộc hỏi cung được tiếp tục ở Cẩm Thạch. Mặc dầu các tù nhân đều ngầm chuẩn bị để đối phó với điều xấu nhất có thể xảy ra, nhưng họ không được huấn luyện gì về việc đối phó với các cuộc hỏi cung cho nên các thẩm vấn viên miền Bắc càng dễ dàng giở các ngón nghề của mình.

Bây giờ đến các tháng hỏi cung triền miên. Trong hai người hỏi cung, người trẻ hơn quê ở Hà Tĩnh. Anh ta hỏi cung một trong các biệt kích và thường đến từ sáng sớm. Anh ta hỏi liên tục cho đến trưa, nghỉ 2 giờ lại hỏi tiếp một mạch cho đến tối. Chế độ hỏi cung này kéo liền nhiều ngày. Người lớn tuổi hơn quê ở miền Nam thường chỉ ngồi nghe. Công việc của ông ta là không phải hỏi nhiều mà chỉ để phá vỡ hàng rào đối kháng khi người tù không trả lời câu hỏi. Ở đây, không có sự đối xử tàn nhẫn. Họ cần các tù nhân hợp tác với họ.

Tất cả các môn học của toán viên đều được hỏi đến, từng chủ đề một. "Toán nào đã cùng được huấn luyện với toán các anh?”. Họ muốn biết về từng toán một, từng trại lính một, từng vùng một và họ biết về việc huấn luyện các toán L, M, N, P, R, S, T và D; các toán do thám đường bộ lúc đó đang được thành lập, tên từng toán một, toán người Lào, toán người H'mông. Họ muốn biết toán nào đã được phái đi, cả các toán nhỏ đang được bổ sung, tên của từng toán, toán nào sắp đi, do ai huấn luyện, tên và cấp bậc của người huấn luyện.

Họ lại hỏi về người Mỹ: “…Họ là ai? Họ làm gì, vai trò của họ? Tên và cấp bậc của họ”. Họ hỏi về viên sĩ quan liên lạc tình báo Đài Loan ở căn cứ huấn luyện Long Thành rồi họ hỏi từng người của Sở Kỹ thuật chiến lược và MACSOG, bao gồm cả mô tả hình dáng tất cả những người Mỹ cũng như Việt Nam mà các toán viên đã tiếp xúc.

Những câu hỏi có khi chẳng theo thứ tự nào cả nhưng những vấn đề quan trọng được họ hỏi đi hỏi lại: “…Những toán nào đã được đánh đi, toán nào sẽ đánh đi?”. Rõ ràng là họ muốn biết chắc về các toán đã được đánh đi và từng toán sẽ được đánh đi trong tương lai.

Các tù binh đều trả lời những người hỏi cung những điều họ muốn biết, chỉ trừ có Lê Văn Ngung là không hợp tác. Người hỏi cung nhiều tuổi hơn đến để "động viên" anh ta, bắt đầu bằng một quá trình chậm chạp và kiên trì gọi là "cải tạo".

"Toàn bộ vấn đề đối với tất cả là có một tôn giáo mà anh rêu rao là tin vào nó, tôn giáo này không có gì khác hơn là trò mê tín dị đoan và phù thuỷ. Tất cả các tôn giáo như Phật giáo, Gia Tô giáo, đều chỉ là trò phù thuỷ hết", người hỏi cung nói trước khi chuyển sang một đợt giáo huấn khác.

"Tôn giáo của anh chẳng giúp được gì khi anh ốm đau”, ông ta kiên trì giảng giải: "Khi anh ốm anh đến bác sĩ, cầu nguyện không qua khỏi được bệnh tật, chỉ có bác sĩ mới chữa được. Các anh đều cầu chúa và tin rằng tôn giáo sẽ làm anh khoẻ lại".

Ngung hiểu là người hỏi cung cố áp đặt biện luận của ông ta, một kiểu biện luận quá quen thuộc đối với tất cả người Việt Nam. Ông ta nói về tín ngưỡng của nhiều bộ tộc miền núi, họ tin vào linh hồn và phù thuỷ, họ lập bàn thờ với đủ thứ lễ vật, để gọi linh hồn chữa bệnh cho họ. Dân vùng núi tin tưởng chắc chắn rằng thần thánh có thể chữa khỏi mọi bệnh và nếu thành tâm cầu nguyện, lễ bái sẽ làm cho con bệnh khỏi đau.

Ngung ngồi lặng im nghe logic của người hỏi cung, rối nói:

"Tôi đồng ý với ông một điểm". Anh ta thừa nhận những người cầu ma quỷ thần thánh đều là trò phù thuỷ, “Tôi đồng ý với ông là những trò phù thuỷ đó không làm người ta khỏi bệnh được. Nhưng tôi không đồng ý với toàn bộ lập luận của ông. Rất nhiều y bác sĩ và chuyên gia y tế là những người theo đạo Thiên Chúa và đạo Phật ngoan đạo, họ vừa theo đạo vừa làm nghề thuốc mà chẳng có gì mâu thuẫn cả. Ông có biết trong thế giới tự do biết có bao nhiêu người như thế không? Có những nước trong thế giới tự do đã làm được cả những con tàu vũ trụ. Ông có cho rằng những người làm ra những thứ đó là những người không theo đạo ư? Có những người là tín đồ đạo Phật, đạo Tin Lành, đạo Thiên Chúa, ông cho rằng họ đều làm trò phù thủy cả hay sao? Các bác sĩ vừa phát thuốc, đồng thời họ cũng là người theo đạo".

"Nói láo, anh là một thằng nói láo ngoan cố, một kẻ gây rối… Tôi đã giải thích cho anh hết mọi điều mà anh vẫn giữ thái độ ngoan cố". Người hỏi cung đứng dậy, giận dữ và bỏ đi ra khỏi phòng.

Cùng kiểu logic như vậy, sau đó lại được lặp lại ở trại giam Thanh Trì ven đô Hà Nội. Đại uý Lộc già, con người thấp bé đã 50 tuổi, là trưởng trại ngồi giữa sân trại đọc các bài báo được chọn lựa trong các số báo hàng ngày cho các tù binh bị khoá trong các xà lim nghe. Thỉnh thoảng ông ta lại đưa ra những lập luận để giảng giải về mâu thuẫn giữa tư bản và cộng sản, với những lập luận này ông ta hy vọng thuyết phục tù nhân tin vào thế giới quan đúng đắn của cộng sản.

---------------o0o-----------------
(Hết mục 13)

No comments:

Post a Comment