Friday, March 22, 2013

14. BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN KẾT THÚC / Phần IV


Phần IV
RÚT LUI TRONG DANH DỰ


(1967-1973)


Vào năm 1966, người ta rất lo ngại rằng các cố gắng đánh biệt kích hoạt động tầm xa đã thất bại. Các nhóm quân không chính qui người Lào do CIA chỉ huy đã xâm nhập Sơn La năm 1965 để tìm toán REMUS. Toán người H'mông bị mất người dẫn đường khi đi do thám xác minh sự hiện diện của lực lượng một tiểu đoàn Bắc Việt có 350 người, ở các toạ độ chính xác mà người ta cho rằng toán biệt kích đang hoạt động. Một toán quân Lào được đánh đi từ Luang Pra Bang xâm nhập khu vực sông Mã, tỉnh Sơn La trong năm 1967. CIA đã thông báo các phát hiện của họ với MACSOG.

Các toán của MACSOG tiếp tục được đánh đi và chui đầu vào "rọ" của miền Bắc . Vào ngày 5 tháng 10 năm 1966, 8 biệt kích trong toán SAMSON đổ bộ xuống gần Lai Châu. Họ đã bị bắt vào đầu tháng 12. Ngày 24 tháng 12 thêm 2 biệt kích nữa được đánh tiếp vào Lai Châu để tăng cường cho toán TOURBILLON. Ngay ngày hôm sau, ngày 25 tháng 12 Nông Văn Long và Nguyễn Văn Thu đã bị lực lượng phản gián Bắc Việt giương bẫy, đóng giả là người của TOURBILLON bắt gọn. Đó là toán cuối cùng được phái đến cho TOURBILLON.

Ngày 21 tháng 8 năm 1967 hai điệp viên nhảy dù xuống miền Bắc để tăng cường cho toán REMUS. Họ được biết dưới tên gọi là REMUS 23 và 24, toán cuối cùng trong gần 18 toán tiếp viện được đánh đi tăng cường cho REMUS kể từ năm 1963. Hai biệt kích cuối cùng này, Đỗ Văn Tam và Trương Tuấn Hoàng, chỉ có một nhiệm vụ duy nhất, vì nó mà họ phải luyện tập gần suốt cả năm 1967. Họ được đào tạo trong hệ thống Skyhook, đó là một phương pháp mooc mới. Hệ thống này sẽ sử dụng máy bay A1 Skyraider do các phi công Nam Việt Nam lái, loại máy bay này có một chiếc móc ở đuôi có thể nhặt các gói nhỏ ở phía sau các phòng tuyến của quân thù. Người ta dựng các cọc lên và căng một dây giữa các cọc này, cách mặt đất vài mét. Máy bay Skyraider có thể sà xuống và móc đuôi của nó vào sợi dây treo này và nhắc đi bất cứ vật gì được ngoắc vào dây đó. Trong trường hợp REMUS, các máy bay Skyraider sẽ lấy đi các băng ghi thông tin của các tuyến điện thoại của miền Bắc Việt Nam do Tam và Hoàng thực hiện.

Các biệt kích này thực tập việc nghe trộm điện thoại trong mùa hè đó, đầu tiên trong không khí mát mẻ của Đà Lạt một thành phố miền núi của miền Nam và sau đó, trong một khu vực dã chiến của Mỹ, tất cả đều được MACSOG chuẩn y. Họ nghe các băng được giả định là do một biệt kích ở hậu phương địch ghi, nhưng họ hầu như không nghe thấy gì ngoài tiếng lạo xạo của điện thoại.

Một trong những biệt kích này sẽ được cài lại ở miền Bắc để thay thế điện đài viên đầu tiên của REMUS, người sẽ bị đưa về bằng kỹ thuật Skyhook (móc lên bằng máy bay) nhằm kéo về một điệp viên hoạt động ở Bắc Việt Nam và kiểm tra xem anh ta có bị đối phương khống chế hay không.

Trương Tuấn Hoàng kể lại số phận của họ:
- Chúng tôi đổ bộ vào ban đêm, và sáng hôm sau họ cử người đón chúng tôi. Họ mặc đồ pijama đen, đeo băng tay. Họ lại gần chúng tôi với mật khẩu chính xác và mọi việc xem chừng rất trôi chảy. Sau đó họ chĩa súng vào chúng tôi, và chúng tôi bị bắt làm tù binh Chúng tôi được đưa vào một cái lán nơi người ta cho rằng toán REMUS hoạt động ở đấy, nhưng thực ra đó là một cái trại được nguỵ trang rất tài tình của lực lượng công an nhân dân vũ trang Đây chính là nơi điện đài của toán REMUS đang hoạt động.

Rồi sau đó xảy ra điều gì? Họ thu hết quân trang của chúng tôi, mà chúng tôi chẳng thể làm được gì. Sau đó họ chuyển tôi về trại giam Thanh Trì.

Việc xâm nhập của hai điệp viên được tăng cường cho toán REMUS xảy ra vào lúc MACSOG chuẩn bị rút dần các toán hoạt động tầm xa. Tuy nhiên, những người nằm trong hệ thống chỉ huy từ Washington đến Sài Gòn đang đòi hỏi các thông tin đáng tin cậy về thực trạng của hệ thống đường xâm nhập của Bắc Việt Nam mà người ta gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Một hệ thống đường quanh co và các cơ sở khác, thường nằm dưới đám cây có nhiều chòm lá, khó có thể thấy được từ phía trên.

Trong mùa xuân năm 1967, MACSOG đã triển khai bốn toán trinh sát tầm ngắn đầu tiên, các toán mang tên STRATA, nhiệm vụ của họ là xâm nhập vào miền Bắc , thường là các khu vực gần đúng những nơi mà các toán tầm xa đã được đánh vào, và báo cáo rõ những điều đang xảy ra trên mặt đất dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Tầm hoạt động của họ được mở rộng lên phía Bắc (từ khu phi quân sự) đến gần biên giới Trung Quốc, mặc dù các chuyến công tác của họ chưa bao giờ đến gần phía Bắc đường 7 ở tỉnh Nghệ An. Trong nội bộ MACSOG, họ được hiểu là thuộc các lực lượng của kế hoạch 34B.

Được tổ chức tại Long Thành vào mùa hè, các toán đầu tiên đã đổ bộ vào vùng cán xoong hẹp ở phía Nam của miền Bắc. Toán thứ nhất đã đổ bộ cách vị trí đã định gần 10km. Mấy ngày sau họ đã đụng độ với các lực lượng biên phòng của miền Bắc và bị bắt. Tuy nhiên, việc ra vào nhanh của các toán này trong suốt năm sau chứng minh rằng họ có thể phái các toán biệt kích vào các khu vực cực kỳ nguy hiểm và kéo họ ra sau khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ.

Thiếu tá George Gaspard, sĩ quan chỉ huy chiến dịch đã cố gắng mở đầu vào tháng 12 và nói về những vấn đề mà các toán đang phải đương đầu như sau:
- Tung họ vào đó và đưa họ ra an toàn. Đó là điều chúng tôi cố thực hiện. Các cuộc hành quân của biệt kích tầm xa không thực hiện được nhưng các toán STRATA của tôi đã thực hiện được. Vì vậy, cố gắng trên của chúng tôi đã thành công theo nghĩa đó.

Không giống như các toán hoạt động tầm xa, các toán STRATA quả thực đã thực hiện được điều tưởng như không thể thực hiện. Họ luôn vào và ra, trước lúc lực lượng biên phòng phát hiện thấy họ. Năm 1968, trong hàng chục phi vụ, chỉ có năm toán bị mất cả hoặc một phần. Một thành công đáng mong muốn so với sự thất bại 7 năm của các toán hoạt động tầm xa. 27 năm sau, một thành viên cũ của một toán STRATA đã diễn tả điều đó như sau:
- Chúng tôi đã thực hiện được gì? Tôi không thể nói về các toán khác, nhưng chúng tôi đã đến vùng biên giới trong mùa hè năm 1968 và ít nhất cũng đã thực hiện được một điều. Tôi là người chỉ huy của toán STRATA 114, trước khi tôi rời khỏi miền Nam. Người ta yêu cầu tôi tìm ra cái hang ổ chết tiệt của miền Bắc đang khống chế một trong các điện đài của biệt kích hoạt động tầm xa của chúng tôi. Chúng tôi đã thấy họ ư? Ồ vâng, đúng là chúng tôi đã thấy họ. Nhưng dĩ nhiên họ cũng thấy chúng tôi. Tôi và hai người nữa bị bắt, nhưng chắc rằng người ta đã nói lại là chúng tôi đã nhìn thấy họ.

Hoàng Văn Chương, người chỉ huy trước của toán 114 đã mất gần 15 năm lao động khổ sai để nhận được tin về những người còn sống sót trong toán của anh ta.

May thay MACSOG đã chấm dứt các cuộc hành quân của biệt kích tầm xa trong tình hình này. Một danh sách ngày càng dài của những toán biệt kích tầm xa đang làm việc cho Hà Nội đã tác động mạnh hơn vào việc giảm số biệt kích có sẵn của MACSOG.

Thí dụ vào năm 1967 các máy bay vận tải C123 và C130 với phi hành đoàn Đài Loan và Mỹ của không lực MACSOG được tăng cường bằng máy bay cánh quạt và phản lực, đang vận chuyển một khối lượng đồ tiếp viện ngày càng tăng và thực hiện các phi vụ khác liên quan đến các toán hoạt động tầm xa ở trong lòng miền Bắc. Điều đó có nghĩa là các nguồn lực còm cõi của MACSOG ngày càng bị Hà Nội tiêu hao. Hà Nội đang gián tiếp khống chế các nguồn lực của MACSOG giỏi hơn cả đại tá John Singlaub, người chỉ huy của chính MACSOG.

THINHRAZOR21428
23-02-2009, 15:58
Singlaub, người chỉ huy của MACSOG đến Việt Nam vào tháng tư năm 1966 đã sớm có kết luận rằng mọi toán biệt kích ở miền Bắc đều đã đầu hàng. Trong cuốn tự truyện của mình Singlaub cho biết ông đã nghiên cứu kỹ các hoạt động của các toán biệt kích tầm xa. Và kết quả của việc nghiên cứu này đã củng cố niềm tin của ông ta rằng các toán này chắc chắn đã đầu hàng. Singlaub tin vào đại tá Robert Kingston với việc mở đầu các cuộc hành quân nghi binh nhằm đánh lạc hướng miền Bắc khi Singlaub cố gắng xác định những kẻ phản bội ở phía Việt Nam hoặc Mỹ trong cuộc hành quân này.
Tài liệu nghiên cứu của MACSOG xác nhận rằng các cố gắng này là một bộ phận lớn hơn nhiều của Mỹ để buộc chặt lực lượng an ninh của miền Bắc vào vùng cán xoong đó. Các văn bản quân sự của Việt Nam thể hiện sự lo lắng về khà năng đổ bộ của Mỹ và vùng cán xoong này, niềm tin chính vào cuộc hành quân nghi binh, trong đó MACSOG có tham gia một phần, nhưng miền Bắc đã chẳng huy động các nguồn lực để chống lại sự kiện bất ngờ ấy. Điều đó tạo thêm một bằng chứng rằng miền Bắc đã nắm chắc cuộc hành quân nghi binh lớn của Mỹ, không phải chỉ là những cuộc hành quân của đối phương Miền Nam của họ. Trong cuốn tự truyện của mình, Singlaub mô tả một sự việc, tình cờ cho rằng đại úy Fred Caristo đã phát hiện ra một điệp viên miền Bắc trong hàng ngũ của Ban chỉ huy kỹ thuật chiến lược, sau đó Caristo cho điệp viên này nhảy dù trở lại miền Bắc. Điều này có thể được coi ngang với việc sử dụng một trong các tù binh hoặc kẻ đào ngũ của miền Bắc vào bộ phận khác của chương trình nghi binh và không được coi bằng một trong các toán biệt kích bán quân sự tầm xa được tuyển mộ ở Miền Nam.

Tài liệu nghiên cứu của MACSOG xác nhận rằng các cuộc hành quân đánh lạc hướng đã bắt đầu trong mùa thu năm 1967 khi các biệt kích tầm xa cuối cùng được thả dù vào miền Bắc. Vào lúc này, MACSOG đang chỉ huy và cung cấp lại 17 toán biệt kích tại chỗ (hai biệt kích chủ bài và 15 toán biệt kích, bốn trong các toán này và các điệp viên sừng sỏ đã được tung vào miền Bắc trong năm 1967).

Các toán biệt kích này đã nhận được 24 phi vụ tiếp viện trong năm 1967. Toàn bộ 15 toán (trừ toán VOI mất tích) đã bị Hà Nội khống chế (xem hình 6). Trước mùa hè năm 1968 những cuộc hành quân của biệt kích tầm xa cuối cùng đã kết thúc, và nó được thay thế bằng một toán hỗn hợp của CIA/MACV khi Singlaub rời khỏi Việt Nam để nhận nhiệm vụ khác.

Không có điểm nào trong các tài liệu của MACSOG hỗ trợ cho bản báo cáo về việc đại uý Caristo trong năm 1966-1967, theo mô tả của các biệt kích còn sống sót, đã đào tạo sĩ quan cho toán HADLEY, toán RED DRAGON và các toán STRATA trước đây đóng tại Long Thành vào giữa năm 1967. Không có bằng chứng nào về việc Caristo đã thực sự thành lập mạng điệp viên của riêng ông ta ở miền Bắc và ông ta không tiến hành một cuộc hành quân nào chống lại tình báo của miền Bắc. Theo Singlaub thì điều này nằm trong các thành tích của Caristo. Singlaub cũng tin rằng Caristo đã khởi tạo khái niệm STRATA, nhưng điều này thật đáng ngờ. Các tài liệu của tác giả cho thấy rằng chương trình STRATA bị thất bại từ đầu cho đến cuối năm vì việc thực hiện không được rõ ràng ngay từ ban đầu. Toán STRATA đầu tiên được phái ra miền Bắc đã được thả xuống cách khu vực dự định 10 km và bị bắt sau khi bị cầm chân hàng tuần lễ quanh các ngọn núi. Các nỗ lực của chương trình STRATA được cải thiện mạnh mẽ với sự bổ nhiệm sĩ quan tác chiến mới, thiếu tá George Gaspard, tháng 12/1967.

Trùng hợp với sự kết thúc của các toán biệt kích tầm xa, một kế hoạch công tác mới được giao cho các biệt kích trong tù ở khu vực K, trại giam Quyết Tiến một trại khổ sai ở tỉnh Hà Giang, sát biên giới Trung Quốc. Công việc bắt đầu kế hoạch 3 tháng cuối năm 1967, theo các mệnh lệnh của Ban chỉ huy trại để xây dựng các nhà giam phụ.

Các cán bộ của trại giam không giải thích gì hơn là cần phải có thêm các nhà giam khác và các tù nhân không nên hỏi. Qua nhiều năm họ đã biết rằng họ chỉ được làm theo lời chỉ bảo, không được thắc mắc.

Ngay sau cuộc tổng tấn công tháng hai 1968 ở miền Nam, các tù nhân mới được đưa đến khu vực K, nhưng họ bị giam cách ly với những người đã ở đó. Các phạm nhân biệt kích hiện có chỉ có thể xác định rằng những người mới đến là người Việt Nam. Vào cuối năm đó, hai trong ba tù nhân mới, được xác định là Phạm Ngọc Khánh và Lê Trung Tín, toán viên của toán RED DRAGON. Họ là toán biệt kích tầm xa cuối cùng được đánh ra miền Bắc .

Khánh và Tín đã mô tả với các bạn tù việc họ nhảy dù xuống tỉnh Hà Giang vào ban đêm như thế nào. Đợt nhảy dù này trở thành một thảm hoạ, các thành viên của toán bị tán loạn xuống các sông suối. Theo cách nói của các không quân thì đó là một "chuyến nhảy dù tồi tệ”.

Mới đặt chân xuống mặt đất các biệt kích này đã bị bắt. Một số bị bộ đội của các đơn vị phòng không Trung Quốc đang triển khai ở khu vực này bắt. Khánh và Tín biết rằng hai thành viên khác trong toán của họ là Vũ Sư và Nguyễn Hữu Tân cũng đang ở trong các nhà giam lân cận. Họ đã bị giam cách ly ở các trại tạm giam của công an tỉnh Hà Giang cho đến bây giờ. Sau đó Khánh và Tín đã tiết lộ với các tù nhân khác rằng những điện báo viên của toán này đã trở thành kẻ phản bội và đã đánh điện đài của họ dưới sự điều khiển của Bộ Công an. Kết luận của họ đã dựa vào thực tế là 2 điện báo viên này đã bị giam cùng với họ.

Sau đó không lâu, người ta nghe thấy tiếng nói của 3 thành viên mất tích khác của toán RED DRAGON trong số những người mới đến khác ở khu vực K. Những mẩu tin ngắn được gói quanh các viên đá và được ném qua các bức tường với hy vọng sẽ tìm được các thông tin phản hồi. Không có một phản ứng nào cho đến khi Khánh và Tín gửi được một bức ngắn cho hai điện báo viên mất tích của toán RED DRAGON. Một thư trả lời báo rằng những thành viên còn lại của toán này đã được bổ sung cho khu vực K.

Sau một thời gian, các tù nhân khác ở Quyết Tiến đã nhận ra được những giọng nói mới ở khu vực K và họ đã thu nhặt dần các tin tức về những người này để tìm hiểu xem họ là ai. Tất cả bọn họ dường như là những điện báo viên thuộc dân tộc ít người đã xâm nhập vào các khu vực của Sơn La và Lai Châu. Một số tù nhân biết họ, nói rằng họ là những người của các toán đầu tiên được phái ra miền Bắc trong năm 1961-1962. Cuối cùng một toán trên 30 người đã được chia làm 4 nhóm ở các nhà giam mới ở khu vực K.

Những biệt kích ở Quyết Tiến rất ngao ngán khi biết rằng một số cuộc hành quân của họ bị lâm vào tình trạng nguy hiểm do các thành viên của toán đã tự nguyện hợp tác với kẻ thù. Khi nói chuyện với nhau, họ thấy rằng trong năm 1967, không có tù nhân nào ở Quyết Tiến thuộc về các toán có những điện báo viên đang làm việc cho miền Bắc . Như vậy có nghĩa là còn có những toán khác mà họ chưa hề biết?

Những tù nhân cao tuổi hơn suy luận tới khả năng miền Bắc sử dụng các điện báo viên bị bắt, chỉ có thể là những người dân tộc miền núi chứ không phải là những người ở miền xuôi. Họ không nghĩ rằng những người vùng xuôi có thể giống những người này, vả lại, họ thông minh hơn. Mặt khác, họ nghĩ rằng những người dân tộc miền núi như Tày, H'mông và Thổ thường dốt nát và ít hiểu biết. Rõ ràng là những cán bộ thẩm vấn mưu trí của Bộ Công an đã thấy là họ dễ bị thuyết phục.

Những biệt kích ở Quyết Tiến biết rằng họ đã có thông tin về hoạt động điện đài trá hình thật đồ sộ, nhưng họ thiếu các phương tiện để báo về Nha kỹ thuật. Bất kỳ ý nghĩ nào về việc cảnh báo cho Sài Gòn rõ hoạt động của miền Bắc cũng bị thay thế ngay bằng ý nghĩ về sự sống sót, dù chỉ thêm một ngày nữa.

Đại uý Nguyễn Thái Kiên, chỉ huy toán RED DRAGON đang ở khu nhà giam mới, cùng với các điện báo viên phản bội. Một số ít tù nhân khác đã biết vì sao người ta cách ly Kiên.

Kiên đã làm việc cho Sở trắc đạc địa hình năm 1964 với hàm trung uý. Cơ quan này còn đang phải chịu những hậu quả của việc ám sát Diệm và việc phế bỏ tổ chức tình báo của Trần Kim Tuyến. Các sỹ quan mới được đưa về vào năm 1965, Sở chỉ huy đã chuẩn bị mở rộng các cuộc hành quân ở vùng biên giới.

Với cái chết của Diệm, một cơ quan tình báo cấp quốc gia mới của Miền Nam đã nổi bật lên: Phủ đặc uỷ Trung ương tình báo (CIO) được CIA cố vấn và hỗ trợ về tài chính đã chi phối các hoạt động tình báo, cũng đã gây ảnh hưởng nhiều hơn so với tổ chức của bác sĩ Tuyến.

THINHRAZOR21428
23-02-2009, 15:58
Các tin tức tình báo do các toán biệt kích thu nhận được cung cấp cho CIO cũng như Bộ Tổng tham mưu liên quân của quân đội miền Nam. Sở trắc đạc địa hình đã được đổi tên thành Sở kỹ thuật (STS), và trung uý Kiên nắm quyền chỉ huy của 1 trong 5 toán dã chiến ở vùng biên giới do một cơ quan mới thành lập gọi là Sở liên lạc. Sau đó Kiên trở thành sĩ quan chỉ huy chiến đấu của các cuộc hành quân ở vùng biên giới. Ông ta kết hợp những thông tin về lực lượng của quân địch trong các khu vực mà các toán sẽ hoạt động, bao gồm cả các thông tin thu được qua thẩm vấn, cũng như các thông tin do quân đội miền Nam thu được trong việc thu và giải mã các cuộc truyền tin của Bắc Việt ở Lào.
Năm 1966, Kiên được bổ nhiệm làm chỉ huy của toán RED DRAGON, khi đó STS được đặt tên lại, và trở thành Nha kỹ thuật (STD). Ban đầu toán RED DRAGON có gần hai mươi người, nhưng nó bị chia làm hai toán vào thời gian đánh đi mùa thu năm 1967. Một toán được giữ lại ở phía sau để tăng viện cho toán RED DRAGON sau này.

Nhiệm vụ của toán RED DRAGON là nhảy dù xuống tỉnh Hà Giang, gần biên giới của miền Bắc với Trung Quốc. Nguồn tin tình báo đáng tin cậy xác nhận sự hiện diện của 2 sư đoàn phòng không của CHND Trung Hoa trong khu vực này, cũng như để chi viện ra bên ngoài Trung Quốc. Tiếp sau sự điều phối ở Sài Gòn giữa tuỳ viên quốc phòng của Cộng hoà Trung Quốc (Đài Loan) và miền Nam Việt Nam, một đội đặc nhiệm gồm 14 biệt kích Đài Loan đến Long Thành. Họ huấn luyện RED DRAGON để chuẩn bị nhảy dù xuống Hà Giang, ở đó sẽ tiến hành các cuộc hành quân chung với các toán của Kiên.

Ngày 21 tháng 12 năm 1967, chiếc máy bay C130 với đội bay theo hợp đồng của Đài Loan cất cánh bay ra miền Bắc chở toán RED DRAGON, nhưng không có biệt kích Đài Loan. Đại uý Kiên là người nhảy ra khỏi máy bay đầu tiên khi nó bay tới nơi dự định thả dù. Người phụ trách điện đài của ông ta bị kẹt cứng ở cửa. Phải mất khá lâu mới gỡ được và đẩy ra khỏi máy bay trước khi những biệt kích còn lại có thể nhảy theo.

Sau khi bị bắt, Kiên bị giam ở nhà tù tỉnh Hà Giang, người miền Bắc thuyết phục hai điện báo viên của toán để liên lạc điện đài với Sài Gòn. Để giải thích rằng họ không thể cung cấp tín hiệu an toàn của Kiên, người ta chuyển một đoạn tin nói rằng người đại uý này đã bị giết.

Kiên được chuyển về trại giam Thanh Trì, nơi các thành viên của các toán có điện báo viên đã bị Hà Nội sử dụng. Anh ta bị giam cách ly ở một trong các phòng của khu D. Năm 1968, các tù binh Mỹ từ miền Nam được đưa đến đó. Để giữ Kiên cách ly với các biệt kích khác, cán bộ trại giam đã thay các buồng của tù binh biệt kích và tù binh Mỹ ở khu D. Việc này đã ngăn chặn các nhóm duy trì việc tiếp xúc với nhau.

Trong khi đó, MACSOG và STD đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc oanh tạc trong mùa xuân năm 1968 để ngăn chặn miền Bắc theo lệnh của Tổng thống Johnson. Hành động này đã có hàm ý rõ ràng đối với các toán biệt kích đường không tầm xa, liên lạc từ sâu trong miền Bắc. Một số sĩ quan của MACSOG tin rằng việc ném bom ngăn chặn sẽ làn cho sáu toán bị bỏ rơi sâu trong miền Bắc, không có phương kế nào để tái tiếp viện nếu các toán này vẫn còn "an toàn". Những người khác trong MACSOG từ lâu đã kết luận rằng các biệt kích dường như đều bị quân thù khống chế, và hoạt động này có thể đã bị kết thúc vài năm trước (xem phụ lục 5).

MACSOG đã bắt đầu cho rằng các toán được chuyển ra miền Bắc có nhiều khả năng đã bị bắt. Ví dụ: ngày 18 tháng 10 năm 1967, toán T2 có 4 người thay thế cho toán HADLEY, đã đổ bộ bằng máy bay trực thăng xuống Hà Tĩnh, ở phía bắc địa điểm cuối cùng của HADLEY mà người ta biết rõ. Bây giờ toán VOI, không hề liên lạc bằng điện đài kể từ sau khi đến, và người ta cho rằng các thành viên của toán này đã chết hết.

Một phần, MACSOG đáp lại cho những nỗ lực của Hà Nội là sử dụng những cuộc hành quân nghi binh thực sự đầy tham vọng. Kế hoạch Borden liên quan đến việc sử dụng những tù binh của miền Bắc được tách riêng ra ngay sau khi bị bắt, trước khi điều này trở thành vấn đề liên quan đến hồ sơ cán bộ. Sau khi giải quyết xong vấn đề tâm lý, họ được đưa vào các phi vụ chống lại lực lượng của mình. Gần 55 biệt kích được tung ra trong năm 1967, nhưng chỉ có 5 người quay về với MACSOG. Người ta hy vọng rằng phần hữu ích là ở chỗ họ sẽ kết hợp chặt chẽ với các ban an ninh quân sự trong việc tìm kiếm các quân nhân bất mãn. Một chương trình liên quan, Earth Angel (thiên thần của trái đất), đã phát triển các toán lính đảo ngũ của miền Bắc, họ được trang bị vũ khí và phái vào các phi vụ trinh sát chống lại các lực lượng võ trang trước của họ. Các nhóm này đã xâm nhập vào Lào và Campuchia tương đối dễ dàng và chịu ít thương vong.

Kế hoạch Urgent (khẩn cấp) liên quan đến việc lôi kéo, tuyển lựa và cài lại ở miền Bắc các thường dân bị các lực lượng hải quân MACSOG bắt trên biển. Chương trình này có cả các "biệt kích giả", đó là những người có thể xuất hiện như các biệt kích, nhưng thực tế họ không thực hiện nhiệm vụ này. Vào năm 1968, ít nhất là có 11 biệt kích "khẩn cấp" và 2 biệt kích giả ở vùng duyên hải của miền Trung Bắc Việt, nhưng hai biệt kích giả không bao giờ báo cáo sau khi trở lại dịa bàn Vinh. Kế hoạch Oodles (vô vàn) thậm chí còn nhiều tham vọng hơn. Đó là đội quân biệt kích ma, chỉ tồn tại trong phạm vi các buổi phát sóng trá hình để tạo nên ấn tượng về một lực lượng biệt kích lớn dọc theo biên giới phía tây của miền Bắc. Các đoạn tin đánh cho các toán biệt kích quốc gia này được chuyển qua các buổi phát thanh tuyên truyền của Liên minh "Gươm thiêng ái quốc" (SSPL), một lực lượng kháng chiến ma. Vào mùa hè năm 1967, các đoạn tin của MACSOG đánh cho các toán như HADLEY rồi phát đi từ Bắc Việt và người ta tin rằng nó đã bị đối phương khống chế được phối hợp chặt chẽ với các chương trình trá hình. Khi cuộc ném bom hạn chế chống lại miền Bắc xảy ra vào mùa xuân năm 1968, một nhóm sĩ quan đặc biệt của CIA và Bộ Quốc phòng đến Sài Gòn để tiến hành phân tích sự an toàn của từng toán một trong từng đợt phát sóng từ trong lòng của miền Bắc Việt Nam. Mùa hè đó, các sĩ quan này kết luận rằng tất cả các toán đã bị đối phương khống chế sau khi được đánh vào một thời gian ngắn.

Trong khi kiểm tra công tác an ninh, các chuyên gia tình báo này cũng cố gắng so sánh đặc điểm riêng của việc chuyển mã móc "đầu tiên" của các điện báo viên với tín hiệu móc phát đi Bắc Việt. Họ thấy rằng băng ghi âm của điện báo viên “trước đây" thực hiện một cách điêu luyện trong các năm đầu, đã trở lên lộn xộn đến mức không còn phù hợp với các cuộn băng của từng điện báo viên.

Thậm chí sự kết luận của toán này về nguy cơ tên biệt kích chủ bài nổi tiếng là ARES đã phát huy tác dụng. Các sĩ quan MACSOG lấy làm tủi nhục với sự đánh giá này. Họ nhớ lại thời gian trong năm 1964, sau những đợt không kích đầu tiên của Mỹ trong ngày 5 tháng 8, khi ARES đã lớn tiếng ca ngợi không kích và yêu cầu oanh tạc nhiều hơn nữa để quét sạch các mục tiêu của quân thù ở Bắc Việt Nam.

Xét cho cùng, ARES rất có thể là gián điệp đôi mặc dù vào thời điểm đó người ta không biết điều ấy, những lời anh ta kêu gọi tiếp tục các cuộc không kích của Mỹ nói nhiều về các nỗ lực của Bắc Việt để kích động hành động đó trong tình hình bấy giờ.

Vào tháng tư năm 1969, các điện báo viên được sử dụng vào các hoạt động nguỵ trang của miền Bắc được báo cáo là nằm trong khu biệt giam B trại giam Thanh Trì. Có một vài bằng chứng cho thấy Hà Nội đã thay thế các điện báo viên của chính họ, rõ ràng người ta biết không ai trong MACSOG hoặc STD có thể hiểu nổi sự thay thế đó. Một sự cả gan như vậy chỉ có thể được nỗ lực thực hiện khi Hà Nội biết rõ về cuốn băng lộn xộn đã trải qua công tác phân tích an ninh hỗn hợp năm 1968.

Các hoạt động đánh lạc hướng và STRATA vẫn còn kéo dài thêm nhiều tháng, khi HADLEY dần dần bị vắt hết mọi thông tin họ có. Nhiệm vụ đã hoàn thành, giờ là lúc các toán viên được đưa vào một nhà giam đặc biệt, mà người ta biết rõ đó là trại Thanh Trì.

----------------o0o-----------------
(Hết mục 14)

No comments:

Post a Comment