Friday, March 22, 2013

4. CHIẾN LƯỢC CÀI RĂNG LƯỢC ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG.


Ngày 1 tháng 1 năm 1963 cùng với việc thực thi kế hoạch chiến lược cài răng lược theo từng giai đoạn, bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn chính thức nhận trách nhiệm về an ninh biên giới từ lực lượng bán quân sự của CIA dưới quyền của Gilbert Layton. Trong khi đó các hoạt động phía Bắc của CIA tiếp tục dưới quyền chỉ huy của W.T Cheney đóng tại Sài Gòn. Chiến lược cài răng lược ở miền Nam Việt Nam dường như là đã được chỉ đạo để hoàn thành vào tháng 7 năm 1963, tuy vậy diễn biến của chiến lược này thiếu sự chỉ đạo của Tổng thống Diệm.
Gilbert Layton nhớ lại giai đoạn đó:
- Đại tá George Morton chỉ huy lực lượng đặc biệt "C" lúc đó đóng tại Nha Trang. Chương trình hành động bán quân sự ở phía Nam của tôi được chuyển qua cho ông ta theo từng giai đoạn phù hợp với chiến lược cài răng lược. Ngay khi mà lực lượng quân sự sẵn sàng tiếp nhận chúng tôi chuyển giao ngay. Tôi nhớ lại là vào mùa hè năm 1963, hầu hết việc chuyển giao này đã hoàn thành và tôi ở lại làm trợ lý đặc biệt cho Morton.

Ngay từ đầu đại tá Morton đã hiểu rằng chương trình hành động phía Nam phụ thuộc vào việc duy trì lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ đóng cùng lực lượng dự bị địa phương trong các làng xã chứ không thể tách biệt được. Đây chính là hạt nhân của khái niệm bán quân sự, dùng các lực lượng tại chỗ bảo vệ làng xã của họ như giữ cho cá sống trong vùng nước của nó.

Những lực lượng ở mức độ làng xã này là nguồn cơ bản cung cấp thông tin về các hoạt động của kẻ địch. Lực lượng này phục vụ như là tai mắt trong các làng xã mà từ đây họ đã sống và được tuyển mộ. Họ sẽ chiến đấu để bảo vệ nơi sinh sống của họ, bởi vì họ có rất nhiều quyền lợi ở đó. Đưa họ sang vùng đất khác nơi không có những người dân địa phương sinh sống cũng có nghĩa là làm cho lực lượng này trở nên không hiệu quả.

Trong suốt quá trình chiến lược cài răng lược được thực hiện tướng Richard G. Stilwell đã quyết định chuyển lực lượng đặc biệt cộng với các lực lượng dự bị mà chúng tôi đã chuyển cho đại tá Morton tại Nha Trang di chuyển theo hướng tây về phía biên giới Lào. Chiến lược của tướng Stilwell chính là lực lượng dự bị địa phương có thể phản ứng nhanh ngăn chặn các lực lượng Bắc Việt khi xâm nhập qua biên giới, nhưng điều này cũng hoàn toàn đối nghịch với chiến lược của tôi trước khi chuyển lực lượng này đi. Đại tá Morton đã hiểu cái mà tôi đang làm. Tôi cũng tham gia vào cuộc họp trong đó Morton thúc giục lực lượng này ở lại vị trí cũ, nhưng tướng Stilwell lại yêu cầu lực lượng này di chuyển lên phía trên. Nó có thể là một chiến lược hợp lý, nhưng nó lại tạo ra một hiệu ứng là đưa cá ra khỏi vùng nước nó sinh sống. Lực lượng di động của chúng tôi được đặt ở trên vùng biên giới đã sớm mất hiệu quả bởi vì họ phải hoạt động trong vùng không hề có dân, nơi mà họ chẳng có quyền lợi gì ở đó. Tướng Stilwell đã chịu rất nhiều áp lực, theo tôi chủ yếu là từ Washington.

Khi chiến lược cài răng lược tiếp tục được thực hiện chính quyền Diệm bắt đầu tăng cường sự theo dõi đối với các sĩ quan CIA đang có quan hệ với các nhóm chính trị bên ngoài, ví dụ như Việt Nam Quốc dân Đảng. Vào mùa xuân 1963, một mình Tucker Gougelmamn thu xếp cho ra đời một cơ quan tại Đà Nẵng với sự giúp đỡ từ Carl Jenkins, sĩ quan trong lực lượng bán quân sự của CIA trực tiếp phụ trách căn cứ huấn luyện Hoàng Hoa Thám. Tại Long Thành căn cứ huấn luyện mới được thành lập, sĩ quan bán quân sự của CIA Larry Jackson đã làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam để giúp đỡ trong việc mở lớp và lần đầu tiên lực lượng này đã sẵn sàng tới đó để dự huấn luyện.

Tháng 4 năm ấy toán "PEGASUS" đã nhảy dù xuống Lạng Sơn, 2 tuần sau, một nửa toán "JASON" tới Quảng Bình và nửa còn lại đến vào tháng sau đó. Nhưng tất cả thành viên của hai toán đều bị bắt.

Việc thành lập trung tâm huấn luyện Long Thành vào tháng 4 năm 1963 là bước chuẩn bị tiếp theo của CIA trong việc chuyển chương trình bán quân sự ra miền Bắc sang cho Lầu Năm góc . Một bằng chứng khác của việc chuyển đổi này bao gồm tái tổ chức nội bộ toán. Việc sử dụng tên toán cũng mang tính chất quân sự hơn. Cựu chỉ huy căn cứ huấn luyện tại Long Thành, Nguyễn Hưng nhớ lại việc thành lập:
- Larry Jackson là sĩ quan CIA chủ yếu hướng dẫn tôi về huấn luyện và ông ta đã làm việc với tôi cho tới khi lực lượng quân sự Mỹ tiếp quản tất cả vào mùa xuân năm 1964. Trong suốt mùa hè 1963, lực lượng quân sự đặc biệt của Mỹ đã đến Long Thành để tổ chức huấn luyện các toán tung ra miền Bắc. Khi các toán tiến vào vùng giới nghiêm trước lúc mở màn chiến dịch, Cục tình báo trung ương Mỹ tiếp nhận và trong trường hợp này viên chức CIA phải sắp xếp cho họ nhảy dù xuống trên chuyến bay C-123 do đoàn phi hành người Đài Loan điều khiển. Cùng với việc thành lập trung tâm huấn luyện ở Long Thành, chúng tôi kết thúc với 2 toán hoàn toàn ngăn cách. Một toán biết rất rõ trung tâm huấn luyện Long Thành. Còn toán thứ hai ở trong những ngôi nhà được bảo vệ an toàn nằm rải rác quanh Sài Gòn. Những người trong trung tâm huấn luyện Long Thành dù biết nhau, nhưng những người trong khu được bảo vệ an toàn thì vẫn ở trong những căn phòng riêng biệt. Đây còn được coi như một phần bí mật của chiến dịch. Trong công tác huấn luyện, chúng tôi quan tâm đến cả hai loại lực lượng: một lực lượng sẽ được tung ra miền Bắc và một lực lượng hoạt động ở miền Nam. Công việc chủ yếu của tôi là bảo đảm cho họ hiểu được những kiến thức cơ bản về chất nổ, về thu lượm tin và sử dụng thành thạo. Tôi cho rằng chúng tôi đã chuẩn bị khá tốt cho loại công việc này.

Các cuộc tranh luận mang tính chất chuyên môn về việc tiến hành chiến tranh ở Việt Nam không chỉ hạn chế đối với người Mỹ mà những cuộc tranh luận như thế cũng xuất hiện trong bộ chỉ huy Quân đội nhân dân B-2 Việt Nam tại miền Nam. Bộ chỉ huy này được mang tên là Bộ Tư lệnh Quân giải phóng. Trong nhiều năm, những cán bộ chỉ huy chủ chốt ở đây như tướng Trần Độ, một trong những chỉ huy phó của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng đã luôn chú ý và đẩy mạnh chiến tranh du kích chứ không phải là sự leo thang chiến tranh. Quan điểm này được giữ vững mãi đến năm 1963, khi tướng Nguyễn Chí Thanh từ Hà Nội vào giữ chức Tư lệnh lực lượng quân sự miền Nam. Tướng Thanh vào mang theo một quyết định cứng rắn chuyển chiến tranh du kích sang các hoạt động quân sự tầm rộng hơn. Quan điểm của tướng Trần Độ và của vài người khác ở Bộ Tư lệnh tại miền Bắc tỉnh Tây Ninh đã bị lu mờ trước kế hoạch bất ngờ của Hà Nội trong việc chuẩn bị gửi các đơn vị quân thường trực chính quy vào miền Nam Việt Nam.

Một phần của trục trặc này là do áp lực từ Washington hối thúc việc chuyển giao này xảy ra nhanh hơn. Và một phần khác hiển nhiên thấy được là có rất ít toán biệt kích thực sự tồn tại và hoạt động trong lòng Bắc Việt. Điều này có nghĩa rằng việc thúc đẩy để thực hiện chương trình là phụ thuộc vào kỳ vọng của Washington.

Một nhân tố khác dẫn tới cách tiếp cận vấn đề thiếu toàn diện là sự khác biệt cơ bản về mặt quan điểm giữa William Colby, người chịu trách nhiệm phần Viễn Đông của CIA với Giám đốc CIA James Angleton. Đây là vấn đề cơ bản quan trọng nhất của giới lãnh đạo bắt nguồn từ quá trình ra quyết định bởi các quan chức cao cấp nhất của CIA tại tổng hành dinh, Trưởng trung tâm tại Sài gòn (dĩ nhiên người ta dễ thiên về ý kiến của Trưởng trung tâm hơn). Thêm vào đó. các tin đồn về đảo chính đang tràn ngập cả Sài Gòn và Washington càng tạo thêm áp lực đòi CIA phải chuyển giao gấp các lực lượng bán quân sự (phần lớn là chưa hoàn chỉnh, chắp vá) cho Lầu Năm góc.

Trong suốt mùa xuân năm 1963, phong trào Phật giáo tẩy chay Diệm đã phát triển và Colby đã bị rối lên trong các cuộc tranh luận đối với vấn đề có nên duy trì Tổng thống Diệm hay loại bỏ ông ta. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống Diệm, ông Thuần đã đưa cho tướng Maxwell Taylor một lá thư khuyến cáo các yêu cầu của Washington đòi mở rộng quyền hạn của các cố vấn Mỹ, trong khi Tổng thống Diệm vẫn giữ lập trường kiên quyết chống lại những cố gắng tăng thêm cố vấn mà ngài Bộ trưởng năng động đã chính thức yêu cầu người Mỹ dưới danh nghĩa của Tổng thống Diệm. Sự có mặt của quân đội Mỹ tại Việt Nam lúc này đã vượt quá 15.000 người. Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara đã đưa ra hai hướng giải quyết cùng một lúc. Một mặt ông ta chỉ đạo Lầu Năm góc chuẩn bị cắt giảm đáng kể các nguồn viện trợ quân sự tới Việt Nam xuống con số 0 trong vòng 6 năm, ngừng tăng quân số của quân đội Mỹ tại Việt Nam và đồng thời ra kế hoạch giảm 1000 lính vào cuối năm. Bên cạnh đó, ông ta phê chuẩn tăng viện trợ vào khoảng 10% mức hiện tại, điều này làm cho việc chuẩn bị giảm quân số và ngân sách trở nên lỗi thời ngay trước khi kịp ráo mực.

Việc chuyển các toán hoạt động bán quân sự ở phía Bắc cho giới quân sự trùng hợp với việc tuyển chọn dân sự đang được huấn luyện ở các trung tâm sang thành các toán xâm nhập đường biển chứ không phải bằng đường không cũng gây một xáo trộn lớn. Cũng vào thời điểm đó, các toán biệt kích đã không thể xâm nhập vào Bắc Việt theo đường biển bằng thuyền lại được chuyển vào Sài Gòn để huấn luyện nhảy dù chuẩn bị đột kích bằng đường không.

Cho đến tháng 6 những lời đồn đại về những cố gắng cho các đơn vị biệt kích bán quân sự xâm nhập bằng thuyền từ Đà Nẵng đã gặp những khó khăn nghiêm trọng lan tràn khắp căn cứ. Không ai nhận thấy điều này rõ hơn Nguyễn Văn Ngọ chỉ huy toán hoạt động dài ngày, người đã thực hiện nhiều cố gắng xâm nhập vào vùng cán xoong ở Bắc Việt bằng thuyền, song không thành công. Lực lượng của ông ta thuộc một trong những toán được gửi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn để huấn luyện nhảy dù. Sau khi hoàn thành việc huấn luyện, lực lượng của ông Ngọ chia làm hai toán: BART và TELLUS. Ông Ngọ là chỉ huy trưởng của TELLUS và được thả dù xuống mục tiêu của nó vào một thời điểm rất thuận lợi trong đêm. Cùng với các thủ tục nhảy dù bình thường, toán được hướng dẫn nhảy dù xuống bất kỳ địa điểm nào cách khu dân cư trên 10 km.

Những người còn sống sót của toán sau này tả lại là họ đã nhảy dù xuống một vùng đông dân ở tỉnh Ninh Bình, nhưng lại sai vị trí dự định. Tồi tệ hơn toán nhảy dù xuống một làng khá lớn và hạ ngay trước trụ sở Hợp tác xã.

Ban quản trị làm việc rất khuya và phát hiện ra ngay khi họ vừa hạ cánh. Cả toán bị bắt ngay trước khi họ kịp rút vũ khí ra.

THINHRAZOR21428
23-02-2009, 15:54
Toán BART, do Đinh Văn Chức chỉ huy, nhảy dù xuống gần Thanh Hoá. Toán này không bị rơi vào những vùng đông dân cư nhưng lại bị dân địa phương phát hiện và báo cho lực lượng an ninh địa phương. Họ bị bao vây và tóm gọn một cách nhanh chóng.
Vào ngày 4/6 toán BELL đã nhảy dù vào huyện Văn Bản thuộc tỉnh Yên Bái phía Đông Bắc Hà Nội. Toán này bị bắt ngay lập tức, và người điều khiển điện đài là Lữ Thế Toàn cũng bị bắt.

Sau đó, các tình báo viên thông báo lại rằng, những người thổ dân trên núi không nói được tiếng phổ thông và bất cứ một sự liên lạc quan trọng nào với họ đều bị bế tắc. Vào tháng 9, BELL thông báo với Sài Gòn là đã đánh phá được đường xe lửa Hà Nội-Lào Cai vào ngày 31/8 nhưng việc này không bao giờ xảy ra cả.

Toán DAUPHINE gồm năm người đi cùng với toán BELL trên một đợt đổ bộ bằng dù, họ được thả xuống Lào Cai trước BELL. Chỉ huy của toán kể lại nhiệm vụ như sau:
- Toán của chúng tôi được thành lập vào năm 1962. Tất cả đều là người dân tộc Tày ở khu vực Lào Cai và tôi ở huyện Văn Bản. Nhiệm vụ cuối cùng của chúng tôi trong giai đoạn từ tháng 6/1962-6/1963 là phải tiến hành 5 phi vụ trên khu vực dự định hoạt động và chọn lựa nơi đổ bộ. Lực lượng không quân Nam Việt Nam đưa chúng tôi đến Thái Lan, và đội bay của Đài Loan chở những toán còn lại. Chúng tôi cất cánh từ Thái Lan, bay qua Việt Nam, và đến vịnh Bắc Bộ. Chúng tôi bay trên sông Hồng, qua Hải Phòng, Hà Nội, Yên Bái, rồi lên Lào Cai trước khi quay trở lại Thái Lan. Năm phi vụ này dường như là bay có định hướng vì các phi hành gia Đài Loan tỏ ra thạo đường. Chúng tôi đã sử dụng một ống kính tầm xa khuếch đại ánh sáng để xác định các vị trí trên mặt đất đã đảnh dấu trên bản đồ của các phi hành gia. Chúng tôi luôn bay vào những đêm trăng sáng ở một khoảng cách không cao lắm nên có thể nhìn rõ mọi thứ.

Nhiệm vụ của DAUPHINE là phải bắt mối liên lạc với những người dân tộc Tày và xây dựng một căn cứ tại đấy. Sau đó chúng tôi phải phá hoại tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội. Một thành viên trong toán của tôi được gọi là tình báo chính trị vì anh ta có chân trong "Đảng Gươm thiêng ái quốc", một Đảng có nhiệm vụ chính trị đằng sau những hoạt động biệt kích đơn thuần của chúng tôi. Trong đợt bay thứ 6 của tôi có 2 toán trên cùng một chuyến bay, tôi biết Lý Văn Choi là một trong những thành viên của toán kia mà sau này biết rõ là của toán BELL. Toán của chúng tôi nhảy ra trước ở độ cao khoảng 300m. Trời lúc đó gió nhẹ nhưng khoảng 20 giây sau chúng tôi mới tiếp đất.

Vừa tiếp đất chúng tôi đã mau chóng phát hiện ra là mình đang ở trong vòng vây của dân quân địa phương. Đây quả là điều mà không ai mong đợi, nhưng chúng tôi đã kiên quyết chống trả dữ dội trong nhiều giờ trước khi bị mất liên lạc Tôi bị trúng đạn nhiều lần nhưng đã cố gắng lẩn trốn được khoảng 7 ngày thì bị bắt. Họ chở tôi bằng máy bay trực thăng tới một bệnh viện chuyên khoa của Bộ Công an nằm trong một thị trấn nhỏ có tên Phố Mới, và họ đã thẩm vấn tôi ở đó. Do chúng tôi đã ngoan cố lẩn trốn để tránh bị bắt giữ, và do thái độ không chịu hợp tác. Sau năm đó tôi đã bị đưa tới nhà tù Quyết Tiến và tôi nhớ là đã gặp 37 biệt kích khác ở đấy. Hai người đồng đội của tôi đã không cùng tôi tới nhà tù Quyết Tiến. Chúng tôi chống trả và kiên quyết không hợp tác với Bộ Công an. Hai đồng đội của tôi bị tử hình vì đã kháng cự.

Ở đợt bay của tôi đã có điều gì đó sai sót rất nghiêm trọng mà vào ngày đó tôi không thể hiểu cái gì đã xảy ra. Chúng tôi có nhiệm vụ đổ bộ lên một làng nhỏ của dân tộc Tày có tên là Bản Lùn. Tôi biết khu vực này và tôi đã nhận ra nó trong chuyến bay qua trước đó. Nhưng chúng tôi đã được thả đúng vào bản Vo Lao cách xa khoảng 25 km. Những người nông dân đang tuốt lúa ở phía trước nơi tụ họp của bản đã nhìn thấy ngay khi chúng tôi đáp xuống đất. Tại sao chúng tôi, bị thả chệch quá xa điểm dự tính mà phi hành đoàn đã bay qua rất nhiều lần? Tôi đã phải đợi tới 25 năm sau mới có một vài người Mỹ nói cho biết vì sao và cái gì đã xảy ra. Các bạn có biết tại sao họ làm như vậy không?

Tôi không có được câu trả lời đích đáng nào cả.

Bốn ngày sau toán MIDAS đã tới Nghệ An và rơi vào tầm kiểm soát của Hà Nội. Khi đó toán NIKE bị bắt giữ ở tỉnh Hà Tĩnh. Vào tháng 8 toán EASY tới Sơn La, phía tây của TOURBILLON và đã tuyển thêm một số người vào danh sách điện báo viên của toán. Các toán khác được CIA tung ra phía Bắc quá nhanh đến nỗi sau này những nhà nghiên cứu của Lầu Năm góc cũng không thể hình dung được chính xác vị trí và thời điểm mà họ đổ bộ.

Vào năm 1963 điệp viên đơn tuyến Dương Chúc một mình đáp xuống bãi đổ bộ đèo Ngang, một khu vực được sử dụng nhiều lần ở tỉnh Hà Tĩnh. Ngay lập tức anh ta đã bị bắt. Điệp viên Nguyễn Thuỳ sau đó ít lâu cũng chịu chung số phận như vậy.

Toán điệp viên kép gồm hai người được mọi người biết tới với cái tên ARES đã phải chịu nhiều tổn thất hơn. Vào tháng 11/1962, toán BECASSINE 6 người được huấn luyện ở một căn cứ an toàn trong ngôi nhà số 199 trên nút giao thông chính Phú Nhuận tại ngoại ô Sài Gòn.

Toán được giáo viên người Việt Nam và Mỹ huấn luyện trong vòng 8 tháng. Một sĩ quan quân đội Mỹ mà mọi người biết tới với cái tên "Dick" chịu trách nhiệm hướng dẫn về cách thức phá hoại. Giáo viên người Việt dạy cách thức và trình tự thu thập tin tức, tình báo, huấn luyện nhảy dù, và các loại vũ khí. Việc tập bắn súng diễn ra tại trung tâm huấn luyện bộ binh Thủ Đức. Điện báo viên của toán đã tiếp nhận luật mật mã tại một trường tư thục ở Quận Tân Định-Sài Gòn.

Vào tháng 6/1963, toán nhận nhiệm vụ hoạt động ở vùng Đông Bắc-Bắc Việt Nam gần thị xã Hòn Gai. Toán phải bắt liên lạc với dân địa phương, thiết lập mạng lưới giao liên, báo cáo các tin tức về các căn cứ quân sự và những mục tiêu khác trong khu vực. Sau khi đổ bộ cả toán phải di chuyển nhanh tới điểm tập trung đầu tiên, liên lạc điện đài với chỉ huy sở, và thiết lập căn cứ hoạt động an toàn. Vào thời điểm đó, Ban chỉ huy sẽ giao nhiệm vụ cụ thể và chỉ dẫn các hoạt động tiếp theo để tới những khu căn cứ mới. Nhiệm vụ của toán là duy trì hoạt động trong 3 năm, sau thời gian đó các thành viên trong toán sẽ được xuất đầu lộ diện.

Việc cài cắm được một đội hình như vậy vào vùng Đông Bắc-Bắc Việt Nam gieo vào tâm trí họ như một chiến thắng vĩ đại và động viên mọi người có thái độ làm việc tích cực. Ngô Thế Linh, một sĩ quan lâu năm của chỉ huy sở hứa sẽ để ý theo dõi mọi việc.

Khu vực đổ bộ và điểm tập trung đầu tiên đã được xem xét rất cẩn thận. Dựa trên những thông tin có sẵn trên bản đồ, có thể khẳng đình khu vực đổ bộ là an toàn và không có dân cư.

Cả toán đi trên một chiếc xẻ tải bịt kín ra sát máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Phi hành đoàn gồm phi công Đài Loan và các nhân viên "Kickers", những người có nhiệm vụ đẩy hàng hoá ra khỏi máy bay khi hạ độ cao. Máy bay cất cánh, nó bay qua vùng biển Nam Trung Quốc, rồi hướng về phía Bắc qua Đại dương. Đôi khi nó dường như bay là là ngọn sóng. Sau khi bay qua vịnh Bắc Bộ và Hạ Long giữa Hòn Gai và Cẩm Phả. Tiếp tục hướng về phía bờ biển, máy bay đột ngột tăng độ cao và hướng vào điểm thả dù theo kế hoạch lúc nửa đêm trên núi Yên Tử. Bốn thùng hàng lớn chứa các thiết bị cung ứng được thả xuống bãi thử nhất, sau đó máy bay bay một vòng, và cả toán sẽ nhảy ra ngoài ở độ cao vừa phải trên bãi thứ hai của mục tiêu.

Khi đã ở trên mặt đất, các thành viên sẽ dùng điện đài xách tay để định vị đèn tín hiệu đã chạm đất, các thành viên trong nhóm hên lạc với trung tâm bằng máy điện đàm cầm tay của mình để xác định vị trí đầu tiên và liên lạc với nhau bằng điện đàm nhỏ của mình. Năm trong sáu thành viên tới được điểm hẹn và bắt đầu tìm kiếm bốn thùng hàng chứa thiết bị và các vật dụng-triển khai việc tìm kiếm toán viên Cao Văn Thông bị mất tích.

Vào khoảng 5 giờ sáng hôm đó, họ đã tìm được anh ta. Dù của anh ta không mở và bị đập đầu vào đá mà chết. Họ cũng tìm thấy 2 thùng hàng và đem giấu chúng vào một hang đá để dùng sau này.

Khi những tia nắng sớm đầu tiên chiếu lên những tảng đá xung quanh, cả toán quây quần và pha cà phê chờ cho trời sáng rõ để tìm nốt 2 thùng hàng còn lại. Họ nhanh chóng uống cà phê. Nguyễn Văn Thiệt và Bùi Minh Thế được lệnh tìm nốt các vật dụng còn thiếu. Khi trời sáng rõ, các thành viên trong toán nhận thấy rằng toàn bộ khu vực lấm chấm những nông trường và xí nghiệp mà không hề được đánh dấu trên bản đồ.

Khu vực này không an toàn chút nào cả và không có dân ở. Người lên kế hoạch thiếu hoàn chỉnh.

Sau nhiều giờ đi tìm kiếm cách nơi nhảy dù 1 km, Thiệt và Thế tìm thấy một hòm bị thất lạc trên một quả đồi phủ kín cây. Bên cạnh đó có nhiều người chăn các đàn gia súc. Họ lần ngược trở lại để báo cho toán trưởng Đinh Văn Công đang ở trên núi về thùng hàng mất tích. Tin này quả là bất lợi, vì những người chăn gia súc sẽ báo cho lực lượng an ninh biết việc phát hiện ra chiếc hòm và việc tung lực lượng truy tìm biệt kích sẽ được triển khai. Không còn thời gian để liên lạc đường dài với trung tâm, tình hình an toàn nhanh chóng xấu đi. Họ quyết định phân tán đội hình, mỗi người tìm cách thoát riêng. Họ đưa ra ý kiến nên trèo xuống núi và cố gắng đi gần tới bờ biển, tìm mọi cách lấy cắp tàu thuyền để trốn. Rủi ro thay, nơi họ đổ bộ lại là vùng núi đá, mà việc trèo xuống là cực kỳ khó khăn. Ban đầu người ta bảo rằng vùng đất nơi họ nhảy dù là an toàn, nhưng bây giờ trở nên quá tồi tệ.

Họ đành vứt bỏ lại vật dụng của hai thùng hàng. Đây là hai thùng hàng chứa nhiều thuốc men và vật dụng của cả toán, không thể biết chính xác là thùng nào có chứa tiền. Ngô Thế Minh cho biết là họ mang ra 4 triệu tiền Bắc Việt để sử dụng vào một số nhiệm vụ đặc biệt nào đó. Anh ta không nói rõ là tiền này từ đâu mà có, và là tiền thật hay là giả. Và một máy in truyền đơn cũng nằm ở 1 trong 2 thùng hàng ấy.

THINHRAZOR21428
23-02-2009, 15:55
Trong ngày 4 tháng 6 các thành viên trong toán lần lượt bị các lực lượng dân phòng địa phương, Công an và bộ đội chủ lực bắt gọn. Họ được đưa đến Thị xã Hòn Gai và bị nhốt trong nhà tù tỉnh. Lực lượng công an tỉnh xét hỏi về việc huấn luyện họ ở miền Nam, và những gì họ đã làm khi ra miền Bắc . Một điều kỳ lạ là những người xét hỏi không hề đả động gì về các mối quan hệ với dân địa phương nơi bị bắt hoặc là sự liên hệ với các nhóm biệt kích có ở trong vùng. Nhân viên xét hỏi cũng nói rõ việc họ đã phát hiện ra tiền trong thùng hàng nhưng sự quan tâm lại tập trung vào số tiền mang theo trong người. Có khá nhiều câu hỏi chung về chỉ dẫn điện đài mà điện báo viên đã cố ý phá khi bị bắt. Người thẩm vấn hầu như biết rất rõ về tổ chức của biệt kích và các hoạt động của họ. Điều đáng chú ý nữa là không bao giờ nhắc tới điệp viên đơn tuyến mà Washington gọi là ARES.
Vào tháng 10, cả toán biệt kích bị đưa ra xử tại toà án quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Phiên toà bắt đầu lúc 10 giờ sáng, 12 giờ sau bản án được thi hành. Tất cả các thành viên bị buộc tội làm gián điệp và bị bỏ tù. Toán chưa có hành vi phá hoại lớn nên không bị tuyên án tử hình.

Ngay sau phiên toà họ được đưa đến khu biệt giam tại nhà tù Bất Bạt. Tại đây còn có trên 30 biệt kích đường không và đường biển bị giam giữ. Gián điệp đơn tuyến Nguyễn Văn Hồng cũng ở đây. Tại Bất Bạt họ không bị đối xử tàn tệ, mặc dù trong đó có nhiều người bị đưa tới Hoả Lò để thẩm vấn.

Thời gian lặng lẽ trôi qua trong nhà tù. Thỉnh thoảng họ được đưa ra ngoài để cắt tóc, hái rau ở vườn nhà tù, một vài người lại được đưa về gần Sơn Tây để xây dựng một nhà tù mới. Họ rất ngạc nhiên khi thấy hai hay ba phạm nhân ngay phía ngoài cổng. Họ được biết đây là những người Pháp nói rất sõi tiếng Bắc Việt. Sau một tháng tại Bất Bạt tất cả lính biệt kích được chuyển về nhà tù Yên Thọ tỉnh Phú Thọ và họ ăn Tết Nguyên đán 1964 ở đó.

Cùng tháng 7 năm ấy, toán 6 người dân tộc Nùng do Mộc A Tài làm toán trưởng, mật danh là DRAGON xâm nhập lần thứ 3 từ tàu Nautilus 7 để thực hiện một nhiệm vụ vào vùng Móng Cái ngay sát biên giới với Trung Quốc. Các thành viên trong toán DRAGON nhận nhiệm vụ chung do một người Mỹ tên là "Robert" giao, còn nhiệm vụ chi tiết sẽ do chỉ huy của họ đưa ra. Nhiệm vụ của họ là tấn công một trạm Rada ven biển của Bắc Việt và cố tìm ra điệp viên do đại tá Vòong A Sáng để lại năm 1954 khi ông rút sư đoàn người Nùng của mình vào Nam Việt Nam. Một thông báo nói rằng Sở khai thác địa hình đã liên lạc với đại tá Sáng. Sáng công nhận có cài người lại, nhưng đã bị mất liên lạc với họ từ năm 1954. Nếu toán DRAGON, tìm được các điệp viên của Voòang A Sáng thì sẽ dùng họ vào các hoạt động gián điệp trong thời gian không hạn định. Họ cũng thông báo cho biết về trạm rađa trên đảo Hải Nam cửa Trung Quốc để tránh phát hiện ra sự xâm nhập của họ vào Vịnh Bắc Bộ.

Một cậu bé đã thấy họ vào bờ và những người dân chài xung quanh đó đã báo động cho lực lượng an ninh bắt những kẻ xâm nhập. Trịnh A Sam nhân viên điệp báo của toán DRAGON đã từ chối làm việc cho những người bắt họ.

Trong khi toán DRAGON đang chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ của mình thì toán EUROPA bổ sung được lệnh đổ bộ. Chiếc máy bay C-123 và tổ lái Đài Loan đã đâm vào núi ở Lào trước khi đến được đích. Một toán bán quân sự của CIA đã nghiên cứu vị trí máy bay rơi và phát hiện ra tất cả các thành viên trên máy bay đã chết sau khi đâm vào núi.

Sau một tháng toán DRAGON bị bắt, thủy thủ đoàn cũng bị giam giữ. Một người sống sót của toán NAUTILUS 7 đã thuật lại nhiệm vụ cuối cùng của họ như sau:

-Cuộc hành quân đường biển của chúng tôi ư? Tất nhiên là nó đã diễn ra! Tôi đã thực hiện 11 vụ trước khi tôi bị bắt.

Các cuộc hành quân của chúng tôi ở Đà Nẵng do Sở Phòng vệ duyên hải điều khiển. Chúng tôi phải làm 3 việc: dẫn dắt mục tiêu trinh sát dọc bờ biển Bắc Việt Nam, cài cắm gián điệp, phá hoại miền Bắc . Tổng chỉ huy cuộc hành quân là đại tá Lê Quang Tung, chỉ huy lực lượng đặc biệt, và Ngô Thế Linh, sĩ quan hành quân cao cấp của chúng tôi. Họ có một cố vấn người Mỹ tên là "Robert" ở Sài Gòn. Theo Ngô Thế Linh cho biết thì Robert là một trung tá làm việc cho CIA và chịu trách nhiệm về các hoạt động của chúng tôi. Anh ta đến đó năm 1961 và có thể vẫn ở đó cho đến năm 1963.

Tôi hay ra ngoài uống rượu, đập phá và bị bắt vào quân cảnh. Tôi có lý do riêng của tôi. Tôi nói cho họ biết rằng tôi ở trong lực lượng đặc biệt. Tôi đưa cho họ số hòm thư đơn vị của tôi KBC 4373, trên giấy chúng tôi là một bộ phận của lực lượng đặc biệt trừ một thứ: chúng tôi không có số lính. Đó chỉ là sự nguỵ trang.

Chúng tôi có một nhóm nhỏ các sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt của quân đội Nam Việt Nam tại Đà Nẵng, chỉ huy nhóm là đại úy Đáng. Tôi nghĩ rằng phó của anh ta là đại uý Phan. Đại uý Lý là người phát lương cho chúng tôi và Mai Xuân Đê nắm các vấn đề như là nguồn nhiên liệu cho chúng tôi.

Không thấy hỏi ai là người trực tiếp chỉ đạo các cuộc hành quân của chúng tôi. Lúc đó chúng tôi có 2 người Mỹ: một người tên là John và đại uý Đáng có thể phiên dịch cho anh ta. Người Mỹ huấn luyện giao nhiệm vụ cho chúng tôi, miêu tả các đặc điểm của khu vực mục tiên và vạch kế hoạch xâm nhập. Người Mỹ có các bức ảnh cận cảnh của khu vực mà họ chụp cách đó 30 dặm và họ sử dụng chúng khi giao nhiệm vụ cho chúng tôi.

Chúng tôi có 7 thuyền đánh cá được đánh số từ 1 tới 7. Không có dấu hiệu nào trên thuyền nhưng chúng tôi biết rõ từng chiếc. Tôi đi vòng quanh một hồi. Tôi bắt đầu với chiếc số 2, sau đó chuyển sang số 4 và lúc bị bắt thì đang ở trên chiếc số 7. Chúng tôi không chỉ đơn thuần là những người lái tàu mà còn được huấn luyện làm người nhái.

Tôi nghĩ rằng chúng tôi ra đi vào ngày l3/8/1963 và tới vịnh Hạ Long vào ngày 15. Tôi phụ trách toán xâm nhập và chọn 5 người lên một chiếc thuyền cao su. Khi tôi kiểm tra khu vực đổ bộ, mọi việc lúc đầu xem ra ổn cả. Tôi biết rằng đây là một công việc quan trọng vì chỉ huy bảo có mấy thùng vật dụng trong đó một thùng chứa 4 triệu đồng tiền Bắc Việt còn 2 thùng vũ khí và đạn dược. Phần còn lại là các vật dụng thông thường.

Toán đổ bộ của chúng tôi vừa kiểm tra nơi đổ bộ xong thì bị các tàu tuần tra của Hải quân Bắc Việt Nam bắn. Thuyền của chúng tôi bị tấn công khi chỉ cách bờ 100m. Không còn cách nào khác là phải chạy ra ngoài biển bỏ lại các vật dụng. Một vài người trong số chúng tôi bị bỏ lại trên bờ. Tôi được biết rằng thuyền của chúng tôi quay lại Đà Nẵng vào ngày 17 nhưng báo cáo là 6 chúng tôi bị giết, và 2 thuyền viên đã bị thương. Công, một nhân viên điệp báo của lực lượng đặc biệt trên tàu của chúng tôi là một trong 2 người bị thương đó. Sau này phía Bắc Việt Nam có thông báo qua đài là chúng tôi đã bị bắt. Điều này tạo ra sự mơ hồ và lo lắng thêm cho gia đình tôi vì trước đó họ đã được báo là chúng tôi bị giết.

Trong 11 lần làm nhiệm vụ trước tháng 8 năm 1963 tôi đã không gặp bất cứ một trục trặc nào cả. Chúng tôi bị mất một thuyền viên trên tàu M1 vào cuối năm l96l. Trước đây tôi ở trên tàu đó và ít nhất đã 2 lần đến cửa sông Gianh trong các cuộc hành quân thả thuỷ lôi. Chúng tôi đã làm nổ tung một tàu của Bắc Việt Nam trong một lần hành quân. Vấn đề là ở chỗ chiếc tàu quá nhỏ. Vào lần làm nhiệm vụ cuối cùng của mình chiếc tàu này đi vào Hòn Gai và bị mất tích không để lại dấu vết.




Tàu N4 nghe nói đã đi Hải Phòng 2 lần và quay ra an toàn. Trên tàu có Thanh, một điệp viên đơn tuyến sau này bị chết trong tù. Tôi đã đi tới tận Móng Cái sát biên giới với Trung Quốc và vào tận Đèo Ngang Hà Tĩnh với tàu N7. Vào khoảng tháng 6 năm 1962 tàu N2 bị mất tích trong khi đưa một toán người nhái đi thả thuỷ lôi. Đó là những mất mát duy nhất của chúng tôi. Thuỷ thủ đoàn của tôi tàu N7, là toán cuối cùng bị mất tích. Sau đó tôi cũng không biết việc gì đã xảy ra. Nhưng qua các lính biệt kích trong tù tôi được biết rằng đã có một vài cuộc hành quân phá hoại ở Đồng Hới.

Vào lúc chúng tôi phải ở lại trên bờ, tôi không tài nào hiểu được tại sao mà người Bắc Việt lại phát hiện được chúng tôi đến đó. Khi ở trong tù tôi nghe người ta nói về một điệp viên đôi đó chính là người mà chúng tôi vào bắt liên lạc ở Hòn Gai. Có thể anh ta là nguyên nhân gây nên hậu quả cho chúng tôi, nhưng tôi không hoàn toàn chắc chắn.

Tôi đoán rằng lực lượng an ninh Bắc Việt không phát hiện ra việc chúng tôi phải ở lại trên bờ. Chúng tôi phải lên đường bằng con thuyền cao su và không còn sự lựa chọn nào khác. Tất nhiên là chúng tôi không thể ở lại đó. Chúng tôi chèo thuyền ra biển và 5 ngày sau mới đến Kiến An gần thành phố Hải Phòng. Chúng tôi thực sự bị kiệt sức vì đói và mong kiếm được gì để ăn trên bờ rồi sẽ tìm đường trở vào Nam. Chúng tôi bị bắt ở ngoài Kiến An vào ngày 20/8/1963. Họ dẫn giải về Hải Phòng và giam chúng tôi trong nhà tù Trần Phú. Ở đó chúng tôi đã bị tra hỏi trong suốt 5 tháng trời. Sau đó bị đưa ra toà, bị kết tội làm gián điệp và lĩnh án 20 năm tù lao động khổ sai. Chúng tôi bị đưa đến trại Bất Bạt và sau đó lại đưa đến Yên Thọ giam chung với các lính biệt kích khác. Trong vòng 19 năm tiếp theo là lao động và cải tạo giáo dục. Không có gì khác.

Vào tháng 5/1963, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân chỉ thị cho đô đốc (Admiral) Felt phát triển kế hoạch yểm trợ nhũng cuộc hành quân bí mật "Nam Việt Nam" thực hiện các hoạt động chống phá miền Bắc. Vào tháng 6, ông ta chuyển bản kế hoạch 34 cho hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Bản kế hoạch dựa trên giả thuyết cho rằng việc tăng cường hành quân bằng cách này cách khác có thể làm cho Bắc Việt Nam phải giảm bớt các hoạt động quân sự ở miền Nam.

Colby vẫn đang vật lộn với chiến dịch cài răng lược và đang bàn tính các cuộc hành quân phục vụ cho kế hoạch 34 khi mà lực lượng vũ trang An ninh Nhân dân Bắc Việt Nam phải đương đầu với nỗ lực của CIA tăng cường hoạt động ra Bắc Việt Nam.


Lực lượng Công an vũ trang Nhân dân đã từng biết đến các cuộc xâm nhập của các toán biệt kích bán quân sự vào mùa mưa ở các vùng khác nhau của đất nước. Có lẽ không có gì làm ngạc nhiên trước việc Washington bất ngờ tấn công miền Bắc, các toán của năm 1963 được thả xuống trên các trục đường giao thông chính nhằm phá hoại đường vận chuyển vật dụng bằng đường bộ và bằng đường sắt từ Trung Quốc qua Bắc Việt và vào căn cứ. Dưới đây là đoạn viết về giai đoạn này:
"Vào đêm 4 tháng 6, ba toán được đưa vào ba tỉnh khác nhau: một toán 5 người được đưa vào Lào Cai, toán 7 người vào Yên Bái và toán 6 người xâm nhập vào phía Tây Bắc của vùng Uông Bí. Nhưng tất cả đều bị bắt. Vào ngày 7 tháng 6 một toán xâm nhập vào Thanh Hoá và một toán khác vào Ninh Bình. Cả 2 toán cũng đều bị bắt. Ngày 9 tháng 6 một toán xâm nhập vào Hà Tĩnh và một toán vào Nghệ An. Cả 2 toán này cũng bị bắt.

Việc đưa ồ ạt các toán gián điệp đã đặt lực lượng Công an Nhân dân vũ trang vào tình trạng báo động chiến đấu cấp 1, và nhanh chóng chuyển sang tình trạng báo động cấp 3.

Tiếp theo vào ngày 3/7 một toán được đưa vào tỉnh Hà Tĩnh và 1 toán khác xâm nhập vào một vùng cách không xa Yên Bái. Tất cả các toán này đều bị bắt và đều được đưa tin trên đài phát thanh Hà Nội. Qua thẩm vấn các lính biệt kích, người ta phát hiện ra rằng các toán này có nhiệm vụ phá hoại và kiểm soát sự xâm nhập vào Lào qua các đường 217, 15, 7 và 8.

Vào ngày 12/8 một toán 2 người nhảy dù xuống Lai Châu để hợp lực với toán REMUS ở miền Tây Bắc. Một trong những người sống sót than phiền về số phận của họ như sau:

"…Tôi xung phong tham gia vào hoạt động này năm 1961. Tôi là một thợ sửa chữa điện đài bậc trung trong quân đội và được chuyển về Sài Gòn. Một người bạn tôi đã được tuyển mộ trước đó tên là Lữ Thế Toàn cho tôi biết anh ta tham gia vào Sở khai thác địa hình. Công việc có vẻ rất hấp dẫn. Lúc đó tôi mới 22 tuổi. Chúng tôi còn trẻ và sẵn sàng đối đầu với bất cứ việc gì.

Vì vậy tôi đã nộp đơn và chờ mãi mà vẫn không có gì xảy ra. Sau đó vào năm 1962 một trong những người tuyển mộ tiếp cận tôi. Đào Vĩnh Lộc, mà mọi người gọi là Mau. Họ cần tuyển thêm người và tôi đoán tay nghề của tôi là người mà họ đang cần tìm. Cả 2 chúng tôi, Bế Ích Đàm và tôi sống trong một căn hộ nhỏ ở phố Trầu Hưng Đạo. Cuối cùng họ nói rằng chúng tôi sắp được đưa đi đào tạo thực hiện các nhiệm vụ phá hoại và bắt đầu theo một chương trình đào tạo từng bước. Ban đầu là ở Thủ Đức, sau đó chuyển về Long Thành. Căn cứ Long Thành vừa mới được xây dựng xong năm 1963 và thiếu tá Hưng thực hiện chương trình huấn luyện cho chúng tôi trong một kho đạn cũ vừa sửa lại.

Tôi biết đã có nhiều người được tung ra Bắc nhưng chưa có ai quay trở về. Gia đình vẫn nhận được tiền lương của họ và vẫn ngóng họ từng ngày. Đó chỉ là điều tự nhiên, tôi là một người dân tộc Thái trắng ở Lai Châu và chú của tôi Diêu Chính Thạch đã tham gia xâm nhập trong toán REMUS năm 1962, do đó tôi vẫn giữ quan hệ với gia đình chú ấy.

Vào một ngày viên sĩ quan hành quân Đào Vĩnh Lộc nói rằng chúng tôi sắp lên đường làm nhiệm vụ và Ngô Thế Linh lần lượt chỉ thị nhiệm vụ cho từng người. Cả hai chúng tôi sẽ nhảy dù xuống Lai Châu để hỗ trợ cho toán REMUS. Họ bảo rằng chúng tôi không cần ám hiệu vì REMUS đã báo cáo là mọi việc đều ổn nhưng họ cần thêm người. REMUS vừa gây dựng xong một căn cứ và cần có người để tham gia vào việc phá hoại cầu và đường nên chúng tôi được giao nhiệm vụ đó. Họ đưa chúng tôi vài ám tín hiệu riêng để nhận biết chắc chắn người chúng tôi gặp là người của toán
REMUS, nhưng họ cũng bảo chúng tôi là không có gì phải lo lắng cả.

Chúng tôi ra đi ngày 12/8 trên máy bay vận tải C123 cùng với một phi hành đoàn người Đài Loan. Chúng tôi bay qua khu vực đổ bộ thấy trên mặt đất có ánh đèn. Chúng tôi nhảy dù từ độ cao gần 1000 feet cùng với 4 thùng lớn. Trong thùng có chất nổ và thức ăn mà lúc ở Sài Gòn họ đã cho biết.

Chúng tôi tiếp đất lúc 2 giờ sáng và ở lại đó chờ sáng. Vào khoảng 8 giờ 30 sáng chúng tôi đi lòng vòng thăm dò thì bị một số người mặc quần áo đen áp sát, trên vai họ có súng. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là họ có thể là người của REMUS nhưng tôi đã lầm. Khi anh ta tới gần tôi thì giơ súng chĩa vào mặt tôi và bảo giơ 2 tay lên. Hoá ra anh ta là một Giám thị trại giam của Công an vũ trang nhân dân cùng một vài dân quân địa phương đi tìm chúng tôi. Thế là chúng tôi không bao giờ nhìn thấy bốn thùng hàng đi theo nữa.

Họ giữ chúng tôi ở đó 3 ngày rồi chuyển sang một trại có lính canh. Ở đây tôi gặp Diệu Chính Thạch người của toán REMUS. Anh ta làm điện đài. Chúng tôi ở đó 1 tuần và được chuyển về nhà tù Thanh Trì ngoại thành Hà Nội. Chúng tôi bị giữ tới năm 1969 và sau đó được chở đến Phong Quang bằng đường thuỷ.

Tôi có 2 bản đồ định vị mà Ngô Thế Linh đưa cho, một bản dự tính chuyển cho Diệu Chính Thạch trưởng toán REMUS. Bản đồ bao gồm một khu vực rộng từ Điện Biên Phủ tới phía Đông dọc theo tuyến đường 41 nối liền với Tuần Giáo.

Tất cả cầu dọc theo tuyến đường dự tính phải phá đều được đánh dấu bằng bút chì đỏ.

Ban đầu tôi không muốn nói gì cả. Nhưng khi họ cho tôi gặp chú tôi và điều đầu tiên ông ta hỏi là: "Gia đình có khoẻ không? Hàng tháng họ có nhận được lương hay không?" Tôi bảo chú rằng gia đình vẫn khoẻ và vẫn nhận được lương đều.

Sau khi chúng tôi bị bắt, rõ ràng việc tồn tại của các toán biệt kích là do cơ quan an ninh miền Bắc muốn tuyên truyền cho mọi người biết về sự hiện diện của người Mỹ ở Việt Nam. Chúng tôi cũng là người Việt Nam nhưng cán bộ cơ quan An ninh lại gọi chúng tôi là lính biệt kích Mỹ. Đó là cách nói để gắn sự liên hệ giữa người Mỹ với các cuộc hành quân của chúng tôi chứ không phải là người Mỹ trực tiếp làm việc này. Thay vào đó các cán bộ cố gắng nhấn mạnh thực tế là Việt Nam bị Mỹ xâm lược. Phần lớn những người sống ở nông thôn trình độ thấp, không hiểu rộng, họ tin vào những gì cán bộ bảo họ và điều đó giúp họ huy động được dân chúng, dẫu rằng chúng tôi cũng đều là người thuộc các dân tộc ít người.

Sau đó REMUS báo cáo thành công lớn nhất về Sài Gòn. Họ thông báo là đã gài mìn trên một đoạn đường vào ngày 18/11.

Toán SWAN đổ bộ vào ngày 4/9, toán BULL đổ bộ vào Hà Tĩnh ngày 7/10 và toán RUBY bị bắt ngay sau khi xâm nhập Hà Tĩnh vào cuối tháng 12. RUBY cố gắng chạy trở lại miền Nam nhưng đã bị bắt gần tỉnh Quảng Trị. Việc bắt các toán biệt kích đều được Hà Nội thông báo và cơ quan thông tấn của nước ngoài đưa tin, được CIA thu lại một cách đầy đủ.

Suốt mùa thu, kế hoạch 34 phải ngừng thực hiện. Tại trụ sở của CIA, Colby phải tuyên bố trì hoãn việc thực hiện kế hoạch là do kết quả đàm phán giữa CIA và Lầu Năm góc về việc chuyển giao cuối cùng các nỗ lực bán quân sự và tiếp tục kế hoạch 34. Colby cũng bị lôi kéo vào quyết định của Washington là nên hay không nên tiếp tục ủng hộ Tổng thống Diệm. Quân bài sau chót được ném ra khi Washington thẳng thừng từ chối không tham gia ngăn chặn những kẻ nổi dậy ở Sài Gòn làm đảo chính lật đổ Tổng thống Diệm vào ngày 1/11.

Vào ngày 3/11 cả Diệm và em trai Ngô Đình Nhu bị giết chết, số phận của Lê Quang Tung và Lê Quang Triệu cũng vậy. Trong vòng 2 tuần sau vụ ám sát Tổng thống Diệm, tướng Paul Harkins chỉ huy cơ quan viện trợ quân sự Việt Nam (MACV) điện báo cho đô đốc Felt rằng "khí hậu tốt" cho việc tiến hành các cuộc hành quân bí mật.

Vào cuối năm 1963. các nhà lập kế hoạch tại nhóm đặc biệt của Hội đồng An ninh quốc gia, các nhân viên cơ quan Trợ lý đặc biệt Chống nổi dậy và Các hoạt động đặc biệt (SACSA) ở văn phòng Bộ Quốc phòng (OSD) tại Lầu Năm góc, các nhân viên CIA đáng ra phải nhận thức được khái niệm các toán biệt kích người Việt giống như các toán biệt kích của tướng Lansdale ở CuBa trong suốt mùa hè năm 1962 không mang lại kết quả gì. Từ những kỳ vọng của Hà Nội, những vấn đề tồn tại chính là thời điểm và điều kiện sẽ thúc đẩy Washington tiến hành tấn công ra Bắc Việt. Đối với Washington, câu trả lời sẽ được tìm thấy ở "kế hoạch 34A". Bộ chỉ huy ở Thái Bình Dương đã thúc đẩy mạnh mẽ các chiến dịch ném bom trong giai đoạn 2 của "Kế hoạch 34A!”. Trợ lý An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ là ông Mc George Bundy đã tích cực
nghiên cứu kịch bản “Kế hoạch 34A" để chiến dịch ném bom đã được chấp thuận sớm trợ giúp cho "Kế hoạch 34A".

-----------o0o------------
(Hết mục 4)

No comments:

Post a Comment