Friday, March 22, 2013

6. Kế HOẠCH ANPHA 34.


Ngày 2/1/1964, Uỷ ban liên bộ báo cáo, phân tích về kế hoạch 34A-64, những nét đại cương của kế hoạch đã được chấp thuận về bốn lực lượng MACSOG sẽ sử dụng (xem phụ lục 2).
Lực lượng hoạt động bí mật của OPLAN 34A sẽ đảm nhiệm việc tăng cường quấy nhiễu về vật chất và tinh thần ở miền Bắc, bao gồm cả việc không kích các mục tiêu thích hợp của Bắc Việt. Kế hoạch 34A được chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 4 tháng. Mức độ và phạm vi hoạt động tình báo sẽ tăng dần từng giai đoạn theo phê duyệt của Washington. Mục đích công khai của kế hoạch là làm cho Hà Nội hiểu rõ họ phải trả giá cao nếu họ không giảm việc đưa người của họ xâm nhập vào miền Nam. Để đảm bảo kết quả cụ thể của từng bước, thì sau khi đã phân tích, rút kinh nghiệm hoạt động trước, rồi mới tiến hành hoạt động tiếp.

Ngày 16/1, Bộ Quốc phòng đã quyết định trao cho Bộ chỉ huy của tướng Harkins tại Sài Gòn chịu trách nhiệm về các hoạt động gián điệp biệt kích chống miền Bắc và nhắc lại nhiệm vụ của các cơ quan tham gia vào hoạt động này như đề nghị của Hội nghị liên bộ ngày 2/1 đã đề ra.

Ba ngày sau, ngày 19/1 một thông điệp của Liên bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và CIA đã được gửi đến cấp dưới của ba cơ quan này tại Sài Gòn chỉ thị chính thức thực hiện kế hoạch 34A-64. Chỉ thị này nhấn mạnh rằng các hoạt động đã được chấp thuận là có tính khả thi nhất, đem lại hiệu quả nhất và ít mạo hiểm nhất. Washington còn chỉ rõ rằng yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng hoà phải đứng ra chịu trách nhiệm đối với một số vụ hoạt động nhất định nếu các hoạt động đó bị lộ. Ngày 21/1, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân gửi kế hoạch chi tiết cho Phái bộ Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam Cộng hoà để thực hiện. Khi nhận được sự phê chuẩn về các hoạt động bí mật nó sẽ được thực hiện theo kế hoạch 34A như đã được phê chuẩn ở Washington. Chỉ thị này nêu rõ rằng hoạt động của Washington phải được Nam Việt Nam phê chuẩn, nhưng lại né tránh những vấn đề đang còn bất đồng trong chính sách và chiến lược. Và nếu còn tồn tại lại những bất đồng đó thì cách giải quyết ra sao cho ổn thỏa.

Như đã được vạch ra ở Washington, sẽ có một bản danh sách các mục tiêu được phê chuẩn cho từng giai đoạn. Từ bản danh sách mục tiêu được duyệt đó, tướng Harkins làm một danh sách báo cáo Lầu Năm góc về các hoạt động mà ông ta định thực hiện trong thời gian 30 ngày sau đó. Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh Quốc tế sẽ xem xét danh sách đó rồi đệ trình lên Nhà trắng và Bộ Ngoại giao xin phê duyệt. Một khi các mục tiêu trong danh sách 30 ngày đã được phê chuẩn, tướng Harkins lại phải xin Washington chính thức phê chuẩn rồi mới được tấn công từng mục tiêu một. Cũng ngày 21/1, đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge mới giải thích được cho tướng Dương Văn Minh ở Sài Gòn về kế hoạch 34A. Ông ta nói với Minh rằng các cấp cao nhất của Chính phủ Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch này và ông hy vọng nhà cầm quyền Việt Nam Cộng hoà cũng sớm nghiên cứu chuẩn y và thực hiện. Minh không trả lời. Mặc dù giữ thái độ im lặng nhưng nhóm hoạt động đặc biệt "Cheney" của Nam Việt Nam đã triển khai các toán ra miền Bắc.

Ba ngày sau, MACV chính thức thành lập một tổ chức vũ trang để thực hiện kế hoạch 34A bằng lực lượng của nó ở miền Nam, đó là nhóm công tác đặc nhiệm (SOG) dưới quyền chỉ huy của đại tá lục quân Mỹ Clyde R. Rusell. Trong lịch sử chính thức của mình SOG đã ghi lại các hoạt động ban đầu và tư tưởng chỉ đạo các hoạt động bí mật như sau: SOG được thành lập vào ngày 24/1/1964 là nhóm công tác đặc nhiệm dưới sự giám sát trực tiếp của Tham mưu trưởng MACV. Nó có nhiệm vụ tăng cường quấy rối, chia rẽ, gây áp lực chính trị, bắt tù binh, thu thập tình báo, phá hoại cơ sở vật chất, tuyên truyền tung tin giả chia rẽ chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Theo định hướng chính sách cho các hoạt động đặc biệt nhận được từ Washington trong tháng 3 thì người ta đang mong đợi những hoạt động như thế. Ở MACV toàn bộ kế hoạch này được mang tên MACV OPLAN 34A. Nó được đặt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân nhằm tăng cường chương trình hành động chống miền Bắc. Lúc đầu quân số của nó rất ít ỏi và hoạt động của nó chủ yếu dựa vào số lính động viên sang Việt Nam làm việc tạm thời trong một thời gian ngắn.

Các hoạt động của SOG được chia cho 4 nhóm với những nhiệm vụ khác nhau: nhóm biệt kích vận chuyển bằng đường không, nhóm yểm trợ hàng không, nhóm biệt kích đường biển, và nhóm tâm lý chiến. Về số lượng mà nói nhóm biệt kích đường không là đông nhất, nó tiến hành các hoạt động phá hoại nhỏ, thu tập tình báo, phá giao thông, và tiến hành các hoạt động chiến tranh tâm lý với mức độ hạn chế. Để thực hiện các hoạt động này, CIA đã cung cấp cho SOG 169 biệt kích người Việt Nam hiện đang ở Trung tâm huấn luyện gián điệp biệt kích Long Thành. Về phía miền Nam Việt Nam, thiếu tá Ngô Thế Linh phụ trách hệ thống chỉ huy đến tận từng toán. Tất cả đều trực thuộc Tổng hành dinh lực lượng đặc biệt Việt Nam Cộng hoà do đại tá Lam Sơn chỉ huy.

Nhóm biệt kích đường biển nhằm các mục tiêu ven biển Bắc Việt Nam, bao gồm đánh phá các cơ sở ven biển, phá các công trình ven biển và thu thập tình báo… bên ngoài người ta cho rằng lực lượng tiến hành hoạt động này thuộc phân đội cố vấn hải quân ở Đà Nẵng, nhưng thực tế bên trong MACSOG lực lượng này được gọi là "Đội biệt hải".

Kế hoạch 34A hình như đã bị một cú thất bại vào ngày 28/1, khi tướng Nguyễn Khánh, tư lệnh quân đoàn 1 ở phía Bắc của Nam Việt Nam mặc quần áo dân sự, trở về Sài Gòn liên kết với tướng Trần Thiện Khiêm, tư lệnh quân đoàn 3 bao vây Sài Gòn, làm đảo chính tướng Minh và tạm thời làm vô hiệu hoá Chính phủ Sài Gòn. Điều này có nghĩa rằng lại phải thuyết phục các nhà lãnh đạo mới để họ phê chuẩn kế hoạch 34A. Mặc dầu chưa có sự phê chuẩn chính thức của Chính phủ Nam Việt Nam, Washington vẫn đơn phương thực hiện, ngày 1/2 tướng Harkins đã được thông báo thực hiện giai đoạn 1 của kế hoạch 34A, được Bộ Quốc phòng phê chuẩn, gồm 1 danh sách 33 mục tiêu tấn công do Bộ Tư lệnh hành quân đặc biệt thi hành.

Tháng 2, SOG bắt đầu thực hiện 6 phi vụ đầu tiên của giai đoạn 1 thì 5 phi vụ là để cung cấp hậu cần cho các toán biệt kích mà CIA đã đánh đi trước đó, 4 phi vụ trong đó không thành công, phi vụ thứ 5 là thả dù tiếp tế cho 1 toán, phi vụ 6 là cuộc tấn công các tầu miền Bắc đang neo đậu ở cửa sông Gianh-Quảng Bình cũng thất bại nốt. Sóng to làm đắm một tàu và gần như toàn bộ mìn và vũ khí đều bị mất.

Tháng 3, tức là chưa đầy 2 tháng sau khi chính thức nhận chức chỉ huy các hoạt động bán quân sự, tướng William C. Westmoreland, tư lệnh sau này của quân lực Hoa Kỳ ở Việt nam đã họp với Bộ trưởng Quốc phòng McNamara, tướng Taylor và đại sứ Mỹ Leonard Unger. Họ thống nhất tiếp tục thực hiện kế hoạch 34A và chuẩn bị ném lực lượng đặc biệt Nam Việt Nam sang Lào mà người ta biết đến dưới cái tên là cuộc hành quân Lena bất hạnh. Washington vẫn chưa nhận được dấu hiệu nào cho thấy sự chấp thuận về chính trị đối với kế hoạch 34A và hiện có những dấu hiệu cho thấy rằng niềm lạc quan ban đầu về một hoạt động được Sài Gòn ủng hộ đang được thay thế bằng nỗi bi quan.

Lịch sử chính thức của SOG viết tiếp:

Trong khi thực hiện OPLAN 34A chúng ta không nên ép Chính quyền Miền Nam phải đặt ưu tiên hàng đầu với các nguồn tài chính mà họ cần để tiếp tục cố gắng của họ chống phong trào nổi dậy một cách thắng lợi. Mỹ phải có các nguồn tài lực đó. Quan điểm của Washington bấy giờ đối với các hành động được phê chuẩn cho kế hoạch OPLAN là một chương trình theo ý muốn chứ không phải là cơ bản. Sau cuộc viếng thăm, một bản báo cáo đã được đệ trình lên Hội đồng An ninh quốc gia. Báo cáo này được Tổng thống xem xét và phê chuẩn tại cuộc họp Hội đồng này ngày 17/3.

Bản thông điệp dày 32 trang của Hội đồng An ninh quốc gia là kết quả cuộc họp ngày 17/3 ở Washington cho phép MACSOG hành động như một quốc sách, dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao. Một bức thông điệp tiếp theo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân gửi Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và tướng Harkins thông báo rằng Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Viễn Đông đã được chỉ định là người phối hợp thực hiện các điều nêu trong bản báo cáo đó.

Như đã được ghi lại trong lịch sử chính thức của SOG, sự lạc quan lúc đầu của Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 12/1963 bây giờ đã thay thế bằng lập trường là SOG sẽ không có khả năng thực hiện được gì nhiều. Điều đó một phần cho thấy là quan niệm cho rằng các biện pháp leo thang từ từ chống Hà Nội để họ giảm xâm nhập quân vào Miền Nam được coi là không còn giá trị nữa. Mặc dù có sự thừa nhận như vậy, nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy người ta sẽ xét lại luận thuyết cơ bản của kế hoạch hoạt động này trong khi những người lãnh đạo các hoạt động gián điệp biệt kích ở Nam Việt Nam vẫn được tiến hành mà vẫn chưa được Chính quyền Sài Gòn ủng hộ về mặt chính trị.


Lịch sử chỉ huy của SOG cho thấy Washington đã phải xem xét lại, đó là kết quả từ quyết định của cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia vào tháng 3/1964.
Chúng ta đang hành động chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bằng hoạt động biệt kích rất hạn chế, hầu như chẳng có hiệu quả gì (ảnh hưởng cả đến chính sách của Mỹ với Lào và Campuchia).

Điều đó cho thấy rõ ràng hơn vào tháng 3, Washington thay đổi quan điểm về những giả thiết để vạch ra kế hoạch 34A-64 mà Mc Namara là người ủng hộ mạnh mẽ nhất vào tháng 12. Trước đó một sự thay đổi diễn ra trong khi kế hoạch 37 của Cincpac (Tư lệnh Thái Bình Dương) đang nhanh chóng thông qua giai đoạn lập kế hoạch cụ thể. Kế hoạch 37 khi được thực hiện sẽ xảy ra các cuộc không kích trực tiếp miền Bắc, trong kế hoạch 34A các cuộc không kích được coi là nấc cao hơn của cuộc leo thang.

Giai đoạn 1 của kế hoạch 34A được tiếp diễn đến tháng 3 bằng 8 phi vụ, 6 phi vụ đã thất bại, nhưng nhóm yểm trợ hàng không báo cáo một vụ rải truyền đơn trên miền Bắc thành công và nhóm hải quân báo cáo một vụ thành công trong một phi vụ tấn công một mục tiêu ven biển. Những người nhái Việt Nam tại Đà Nẵng lại đánh giá khác về khả nàng thành công các phi vụ đội biệt hải và ý nghĩa đích thực về các con số thống kê hàng tháng của MACSOG.

Theo một người nhái kể lại phi vụ đầu tiên của anh ta hồi tháng 3, là đánh các tầu ở của Ròn thuộc bờ biển Nghệ An. Khi những người nhái đến cửa Ròn thì các tàu miền Bắc đã di chuyển đi nơi khác và không còn đủ thời gian để hoàn thành nhiệm vụ nên họ phải quay lại tàu PTFS. Vũ Đức Gương, người sống sót trong phi vụ tiếp theo đã kể lại:
- Sáng 12/3/1964, chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh mìn các tàu của hải quân Bắc Việt Nam tại 2 nơi ở cửa sông Gianh. Chúng tôi có 4 người. Khi chúng tôi đến hai địa điểm này thì chẳng thấy tàu nào cả? Chúng tôi cảm thấy thất vọng sau gần 5 tháng chẳng phi vụ nào thành công, và tôi quyết định tiến lên nữa may ra tìm được một mục tiêu khác. Chúng tôi còn đang trong bụi rậm cách xa bờ, thì tàu Bắc Việt đột ngột xuất hiện trên sông Gianh.

Chúng tôi biết rằng không thể thoát ra khơi được và chúng tôi vẫn còn nghe thấy tiếng máy tàu PTFS ở ngoài khơi, trong khi đó người Bắc Việt đang la hét trên các tàu của họ, còn chúng tôi bắt đầu chuồn dọc theo bờ biển phía Nam. Tiếp theo đó là tiếng súng nổ. Giới và Ngũ chạy mỗi người một ngả và chắc Giới đã chết trong loạt đạn đầu tiên này còn Ngũ thì bị bắt. Hai chúng tôi bị bắt khi đến gần giáp giới phía Nam Quảng Bình. Rõ ràng là một cuộc truy lùng trên quy mô lớn bao gồm lực lượng dân quân tự vệ, Công an và bộ đội đang vây chặt chúng tôi. Chúng tôi bị bắt ngày 15/4/1964.

Gương còn biết rằng sau phi vụ của anh ta ngày 12/3 một cuộc tấn công vào ngày 15/3 cũng bị thất bại khi Nguyễn Văn Sắc-một thành viên của lực lượng tấn công bờ biển rõ ràng đã bị bắt trên bãi biển. Sắc đã phục vụ quân đội liên hiệp Pháp từ trước 1954 và đây lại them một vết đen nữa bất lợi cho anh ta. Gương nói tiếp:
- Tôi nhớ có nghe thấy tin nhóm Sắc xuất phát vào ngày 15/3. Có tiếng súng trường không giật 57 mm từ ngoài bờ biển vọng vào và các anh công an nói đó là súng bắn từ một tầu của một toán biệt kích khác định giải vây cho chúng tôi. Tôi nhớ vào tháng 5/1964 tôi xác định được Sắc đang bị giam ở xà lim bên cạnh tôi. Anh ta bị kết án tử hình vào tháng 7/1964. Sau khi Toà xử anh ta bị đem bắn ngay tại nhà tù do một đội thi hành án thực hiện. Tôi bị đem ra xét xừ khoảng tháng 6 cùng với Nguyễn Văn Lê. Anh ta và một người nhái khác tên Gin là thành viên của một toán 7 người được phái đi do thám bờ biển Quảng Bình, nhưng bị lực lượng miền Bắc bất ngờ tóm gọn. Cả hai đều là người Hoa và cùng học lớp người nhái với tôi, nhưng sau lại chuyển sang đội tấn công ven biển. Gin bị chết lúc Lê bị bắt. Lê bị kết án tử hình trong phiên toà cùng xét xử với tôi. Anh ta bị đưa đi bắn ngay.

Tháng 9/1964 chúng tôi bị chuyển đến trại cải tạo Trung ương số 3. Vào thời điểm này, Mỹ đã ném bom miền Bắc, các tù nhân ở trại Trung ương 3 và trại Yên Thọ đều được chuyển đến các trại nằm rải rác gọi là trại sơ tán. Lúc đó tôi không để ý nhiều đến những việc này. Tôi là một tù binh và là một tù binh trong suốt 15 năm sau.

Tổn thất về người nhái tại cửa sông Gianh xảy ra cùng một lúc với một phi vụ khác chống miền Bắc. Một toán tìm cách đánh cầu Kỳ Anh tại tỉnh Hà Tĩnh. Voòng A Cầu và Châu Hênh Xương bị bỏ lại dưới nước gần mục tiêu khi toán của họ bị phát hiện trước lúc tiếp cận mục tiêu. Ba ngày sau họ đã ở xà lim Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Kết quả các phi vụ đầu tiên của lực lượng biệt hải MACSOG đã được những người bên ngoài tổ chức SOG coi là bi đát. Sự đánh giá như thế đã chứng tỏ một thực tế rằng những cha đẻ của chúng đều thừa biết sự không tưởng, sự ép buộc và hiểm hoạ của cái kế hoạch cổ lỗ sĩ mang tên 34A.

Ví dụ, đại tá Lodge đã báo cáo rằng các hoạt động của lực lượng biệt hải chẳng có tác dụng gì với Hà Nội. Sau đó đô đốc hải quân Mỹ Grant Sharp, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương cũng báo cáo rằng Bắc Việt Nam "phòng thủ ở những khu vực nóng tỏ ra mạnh mẽ và hiệu quả hơn người ta đánh giá ban đầu” và coi việc “thiếu tin tức tình báo" đã là nguyên nhân dẫn đến thất bại của các hoạt động biệt hải. Ở Nam Việt Nam tướng Westmoreland bắt đầu kêu gọi cung cấp thêm thông tin tình báo về các mục tiêu dọc bờ biển Bắc Việt Nam để có thể cứu vãn thất bại của kế hoạch 34A, nhưng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương trả lời rằng các mục tiêu phá hoại "khó tiếp cận hơn là người ta tưởng tượng khi vạch kế hoạch 34A".

MACSOG phát hiện thấy số biệt kích các toán đào ngũ ngày càng tăng. Một số trường hợp các toán có biên chế từ 6 đến 10 người lúc đầu bây giờ chỉ còn một nửa. Để duy trì vẻ hoạt động bề ngoài, đơn vị phối hợp với MACSOG của quân đội Nam Việt Nam đã tuyển mộ thêm một số biệt kích để tăng cường và bắt đầu một chương trình bổ sung các toán thiếu quân số thành các toán mới cho đủ số lượng để có thể tiếp tục những phi vụ đối với những mục tiêu đã được phê chuẩn theo kế hoạch 34A của Lầu Năm góc.

Trong tháng 4 MACSOG đánh đi thêm 6 toán, thì 5 toán được coi là thành công. Trên giấy tờ, người ta đã tạo ra cảm giác là mọi chuyến cuối cùng cũng đều ổn thoả.

----------o0o------------
(Hết mục 6)

No comments:

Post a Comment