Friday, March 22, 2013

12. TOÁN HECTOR


Đại uý Nguyễn Hữu Luyện, một sĩ quan quân thường trực được bổ nhiệm đến Tổng cục kỹ thuật chiến lược, là một sĩ quan huấn luyện có kinh nghiệm, quyết hiến thân để đánh bại cộng sản. Luyện quyết định làm một cái gì đó để chứng minh là sẽ lập các đội biệt kích hoạt động lâu dài, có tác dụng và tác dụng tốt. Hắn tuyển riêng một đội, và tự mình đứng ra chọn các "thanh niên tình nguyện", các cậu choai choai văn hoá ít nhất là lớp 11, để thành lập một toán lớn lấy tên Bắc Bình. Hắn đích thân kiểm tra việc huấn luyện, đánh đi và đưa họ trở về an toàn và hắn hy vọng đám này sẽ là đội ngũ hạt nhân huấn luyện các toán sau. Khi đại úy Luyện giảng giải cho đội viên của hắn thì một vấn đề khá hắc búa nổi cộm lên đã không thể tự xác định và báo cáo chính xác vị trí các toán đã thả dù xuống miền Bắc.
Toán Bắc Bình bắt đầu luyện tập từ 11/1965 do Luyện trực tiếp chỉ huy huấn luyện. Hắn chủ trương lập toán lớn để từ đó có thể hình thành bốn toán nhỏ. Tháng 6/1966 mãn khoá huấn luyện và toán đã sẵn sàng lên đường, mặc dầu lúc đầu toán này đã có trên 40 toán viên. Sau chỉ còn lại 30 người, và chỉ đủ chia thành 2 toán.

Toán thứ nhất lấy tên là Bắc Bình I, bầu Bùi Quang Cát làm toán trưởng. Đại uý Luyện nói rằng hắn sẽ theo toán này ra miền Bắc với tư cách là cố vấn quân sự. Tháng 6, toán này chuyển đến khu vực hạn chế và được đổi tên là HECTOR I. Ngày 22/6, họ đi theo đường cũ của các toán trước đó, đầu tiên xuống Thái Lan, sau lên trực thăng đến vùng rừng phía Tây tỉnh Quảng Bình. Nhảy dù an toàn xuống mặt đất, HECTOR I lập căn cứ tác chiến, và trong suốt cả tháng đầu họ hoạt động mà không bị bắt.

Một hôm đại uý Luyện cùng với toán trưởng và hai toán viên là Đinh Văn Vượng, Nguyễn Mạnh Hải vào một làng nhỏ ven núi để tiếp xúc với dân làng. Các toán viên tỏ ra sợ hãi, nhưng Luyện quả quyết sẽ không sao cả, họ có thể vào làng và trở ra an toàn. Trước đó, Luyện đã thuyết phục cho học trò của y rằng khi vào một làng, đừng bao giờ tin ngay điều mà người dân gặp đầu tiên nói. Lúc đó hắn đã quên chính điều mà hắn thường cảnh tỉnh các học trò của hắn khi các người dân bảo hắn đợi. Trong lúc hắn đợi thì người làng đi báo Công an. Thế là cả 4 tên bị bắt.

Các toán viên còn lại ở căn cứ tác chiến biết điều gì cần phải làm tiếp. Đúng ra họ chờ Luyện và đồng đội khoảng vài giờ, rồi lặng lẽ, nhanh chóng chuyển địa điểm. Ngược lại họ chờ Luyện tới 5 tiếng đồng hồ, vì họ tin là Luyện không thể bị bắt. Trong khi đó người Bắc Việt Nam đã buộc viên toán trưởng phải dẫn họ đến căn cứ và bắt tất cả những người còn lại của toán HECTOR I. Thế là hai điện báo viên chính của toán lại được bổ sung thêm vào danh sách các điệp báo viên bị Hà Nội khống chế.

MACSOG nhanh chóng chuyển từ hoạt động tình báo biệt kích bí mật sang hoạt động do thám công khai hơn, điều đó phù hợp với các cố gắng của tướng Westmoreland định vượt qua giai đoạn 1 của chiến dịch nhằm ngăn chặn không để Hà Nội sớm giành được thắng lợi ở Miền Nam. Giai đoạn 1 của ông ta là triển khai các lực lượng Mỹ bảo vệ các trung tâm dân cư lớn để quân đội Nam Việt củng cố sự kiểm soát các khu vực đó. Sự thay đổi này từ các cuộc hành quân phần lớn là để phòng thủ trong năm 1965 đến mở màn và kết thúc giai đoạn II của kế hoạch Westmoreland mà người ta hình dung là các lực lượng Mỹ sẽ quét từ các trung tâm đông dân vào tận các vùng căn cứ địa Cộng sản. Westmoreland tin rằng quân Mỹ tấn công vào các vùng căn cứ địa Cộng sản sẽ làm tan vỡ các đơn vị địch mà ông ta phải đương đầu và kiểm soát chặt chẽ mùa gặt sắp đến để ngăn chặn không cho Cộng sản sống bằng nguồn lương thực được trồng ngay trên đất Nam Việt Nam. Các cuộc hành quân trên bộ này phối hợp với các cố gắng của Hạm đội 7 ở Vịnh Bắc Bộ để cắt đường mòn tiếp tế trên biển của Hải đoàn 125 Hải quân nhân dân Việt Nam.

Mùa xuân 1966 dân chúng Phật giáo tiếp tục nổi dậy đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cải cách hơn nữa. Washington chủ trương tổ chức bầu cử để biểu thị quá trình dân chủ hoá mà Bộ Ngoại giao Mỹ thấy cần tiến hành từ lâu để những người thừa kế Diệm có một nền tảng cơ bản.

Trong khi toán HECTOR đang chuẩn bị ra Bắc thì các lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh thẳng qua vùng phi quân sự, chứ không còn đi qua con đường vòng dọc sườn núi phía Tây qua Lào nữa. Điều này xẩy ra cùng lúc với việc Mỹ tăng cường oanh tạc đường mòn Hồ Chí Mình, kể cả việc sừ dụng máy bay B52 ném bom Lào đến tận các con đường vượt qua Biên giới như đèo Mụ Giạ. Hàng vạn thanh niên xung phong, nhất là các thiếu nữ nhanh chóng sửa chữa các con đường làm thất bại âm mưu gây gián đoạn con đường xâm nhập người, dụng cụ chiến tranh vào Nam.

Chuẩn tướng Joseph A. Mc Christian, trưởng ban tình báo của Westmoreland đã cảnh cáo rằng các lực lượng miền Bắc đang ngày càng dựa vào các khu thánh địa ở Campuchia, để chuẩn bị các trận đánh trên bộ ở Miền Nam. Nhiều nguồn tin tình báo cũng đều nói vậy. Chứng cứ hiển nhiên là đoàn vận tải 559 của Hà Nội đang triến khai mạnh vào Campuchia. Bộ trưởng Quốc phòng Mc. Namara đối phó với sức ép đòi đánh vào các thánh địa Campuchia, đã ngăn cấm không cho các tư lệnh cao cấp ở chiến trường không được tuyên bố gì về vai trò ngày càng tăng của các thánh địa này. Mc Namara được các nhà phân tích CIA ủng hộ, họ coi Bộ chỉ huy của Westmoreland là "cường điệu” tầm quan trọng của Campuchia đối với Cộng sản đang chiến đấu ở Miền Nam.

Bấy giờ Mc Namara đưa ra một khái niệm mới, gọi là dự án Jason do các cố vấn của ông thúc đẩy. Đến tháng 9, Mc.Namara bắt đầu quảng cáo cho dự án này và đặt tên là "Hàng rào Mc Namara", khái niệm này được hình dung một hàng rào điện tử (Sensors) và các thành luỹ đan chéo nhau. Điều này có thể buộc hàng vạn lính Mỹ và lính Nam Việt phải nằm chết dí trong các vị trí phòng thủ tĩnh tại. Mặc dù chẳng bao giờ thực hiện được hàng rào thành luỹ đồ sộ nhưng dự án này đã báo hiệu cho việc sử dụng điện tử vào cuộc chiến tranh trên bộ. Các toán biệt kích, thám báo vẫn đang được huấn luyện ở căn cứ Long Thành đã được chuẩn bị một cách thầm lặng để đóng một phần nhỏ trong việc triển khai và thử nghiệm sớm việc sử dụng khái niệm điện tử trên mặt đất đối với Bắc Việt Nam.

Ngày 13/9/1966, bộ phận còn lại của toán Bắc Bình, được đặt tên là HECTOR II, chuyển đến vùng hạn chế tại Long Thành để nghe phổ biến nhiệm vụ. Một thiếu tá lục quân Mỹ và đại úy Dung phiên dịch, đã khái quát nhiệm vụ của họ như sau: do thám đường mòn Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ chi tiết sẽ báo qua điện đài sau khi đến miền Bắc và bắt được liên lạc với chỉ huy sở. Hoạt động này sẽ kéo dài trong hai năm và hàng tháng sẽ điều chỉnh vùng hoạt động, tuỳ theo diễn biến tình hình và nhiệm vụ.

Đại uý Dung còn dặn thêm rằng nhiệm vụ của HECTOR I và báo cáo về nếu thấy địa điểm của nó. Sau khi Sở chỉ huy mất liên lạc với HECTOR I, đại úy Dung đã đích thân đi tìm kiếm nó trên chiếc L19, ông ta đã chụp ảnh từ máy bay chỗ mà người ta cho là toán này đặt căn cứ, nhưng không có dấu hiệu nào chứng tỏ nó ở đấy. Dung nhấn mạnh về mối quan hệ cá nhân giữa những người của toán HECTOR I và II, ông ta muốn HECTOR II phải có tinh thần trách nhiệm hoàn thành vai trò của mình với tư cách là toán tăng viện, giúp đỡ tìm kiếm ra HECTOR I và HECTOR I đã ra Bắc Việt Nam để tìm kiếm một căn cứ tác chiến an toàn cho bản thân nó và cho cả HECTOR II. Tóm lại là HECTOR I đang mong chờ HECTOR II tìm kiếm và cứu nó.

Đặng Đình Thụy, cố vấn quân sự của HECTOR II, nôn nóng muốn được phái đi càng sớm càng tốt, toàn toán của hắn cũng muốn thế, đa số bọn chúng đều tin ở khả năng của đại uý Luyện có thể tồn tại được. Tất cả bọn họ đều đồng ý với cách giải thích của đại uý Dung là HECTOR I chắc là đã bị lạc trong rừng.

Đại uý Dung duyệt lại địa vị và nhiệm vụ của từng toán viên HECTOR II. Mai Nhuệ Anh, toán trưởng và Vũ Văn Chi, toán phó, khi nhẩy xuống đất Bắc, Hoàng Đình Kha là người nhẩy ra khỏi trực thăng đầu tiên để xem xét tình hình có an toàn không, trong khi đó thì các toán viên khác thả các thùng hàng và trang thiết bị xuống.

Trong ảnh chụp trên không cho thấy vùng họ nhảy dù nhỏ xíu như cái chấm giữa một khu vực hoạt động rộng khoảng 5 ngàn ki lô mét vuông. Máy bay trực thăng sẽ thả chúng xuống cách đường mòn Hồ Chí Minh một ít, xa hẳn làng mạc, giữa một khu vực rừng núi thật là an toàn, đảm bảo.

Chuyến bay an toàn, cả toán nhanh chóng nhảy dù xuống một vùng giống như một công viên nguyên thuỷ hơn là một khu vực nhảy dù trên đất Bắc. Người ta cho rằng toán HECTOR I đã nhảy xuống nơi này trước đây gần 3 tháng.

Các bức ảnh chụp trên không mà cả toán được xem khi còn ở Long Thành không lột tả được cảnh thanh bình yên tĩnh của địa điểm nhảy dù, cạnh một con suối chảy qua vùng cỏ voi cao ngút, đường kính khu vực này khoảng hơn 100 bộ, bao quanh bởi địa hình rừng núi hoang vu, họ hình dung ra cảnh hươu nai, dã thú ban đêm ra ăn cỏ. Đại uý Dung nói rằng không có khu vực nào tốt hơn thế, nó ở xa bộ đội miền Bắc , bị cô lập một cách an toàn, từ đây họ có thể dễ dàng do thám đường mòn Hồ Chí Minh.

Chiếc trực thăng từ từ hạ cánh, sức nặng của toàn nhóm và dụng cụ thiết bị đã làm cho máy bay lún xuống trên vùng đất mềm. Tất cả mọi người kể cả đại uý Dung và viên sĩ quan huấn luyện Mỹ cùng đi với toán bắt tay vào dỡ hàng rất nhanh khỏi máy bay Máy bay đã được giảm sức nặng và nó có thể cất cánh, họ cùng cười đùa, vẫy chào khi máy bay cất cánh bay trở về Thái Lan.


Chưa đầy 5 phút sau, mọi người đang tháo dỡ các thùng hàng thì tiếng súng AK 47 nổ vang nhằm vào đội hình của toán. Lập tức ai nấy đều nghĩ là mình đã rơi vào bẫy phục kích.
Toán phó Vũ Văn Chi và một toán viên là Huấn bắn trả lại, nhưng những người phục kích miền Bắc dường như đã biến mất. Huấn tiến về hướng địch thì bị một loạt súng máy bất thần bắn trọng thương chưa đầy vài giây đồng hồ. Tiếng súng nổ ngày càng tăng trong khi những người phục kích từ các bụi rậm quanh đấy bắn như vãi đạn vào toán biệt kích.

Hoàng Đình Kha hình như bị vào tim, thân thể anh ta nằm giữa vũng máu lớn, trong khi người Bắc Việt Nam dùng súng tự động nhả đạn như mưa. Rõ ràng là họ muốn tiêu diệt các biệt kích chứ không phải chỉ đè bẹp họ xuống để bắt sống.

Chạy đến một khe núi gần đấy, Vũ Văn Chi gặp bốn người Bắc Việt Nam có vũ trang, anh ta bắn ngay. Viên thiếu uý chỉ huy tổ 3 người bị trúng đạn xuyên cánh tay và ngón trỏ bóp cò, một người bị đạn xuyên vào đùi lên mông và viên đạn nằm lại trong đó. Hai người khác nằm cạnh nhau bị chết gần như tức thì.

Sau cuộc đấu súng ác liệt ban đầu, hai bên đều ngừng bắn để củng cố vị trí của mình trong khi trời gần sáng. Cả toán phân tán, xung quanh khu vực nhảy dù, mọi người mất liên lạc với nhau vì ai nấy đều đang chờ nước cờ thứ hai của người Bắc Việt Nam.

Sáng hôm sau, trời đổ mưa to. Cả toán bị tán loạn, vài toán nhỏ chuẩn bị để thoát vòng vây. Khu vực nhẩy dù "tuyệt vời" bây giờ đã biến thành bẫy giết người hoàn hảo.

Vũ Văn Chi, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Tống Văn Thái nhanh chóng rút vào một hang núi cạnh đó nhưng sẵn sàng thoát ra khi có thời cơ. Vừa tảng sáng trời đổ mưa như trút nước, ba người đã thấy mình bị bao vây bởi những lực lượng săn lùng Bắc Việt Nam súng ống đầy đủ. Họ tiến lại gần hang, súng tự động chĩa thẳng vào hang và gọi ba người ra hàng, Chi nói với Nghĩa, Thái là anh ta sẽ ra trước, nếu anh ta bị bắn thì nổ súng ngay, họ sẽ bắn cho gần hết đạn rồi cùng nhau tự tử. Họ đồng ý, Chi tiến ra lọt vào tay những người Bắc Việt Nam đang đứng đợi. Anh ta bị tước khí giới ngay và bị trói chặt bằng dây điện thoại. Thấy Chi không bị bắn ngay, hai người còn lại cũng theo anh ta ra hàng. Gần như cả toán đều bị tóm hết trong ngày hôm đó, trừ điệp báo viên thứ nhất Nguyễn Văn Dinh, đã tìm cách trốn và tám ngày sau mới bị bắt.

Cuộc tấn công chớp nhoáng, ác liệt xảy ra ngay sau khi tiếp đất làm cho toán này không liên lạc điện đài về chỉ huy sở được. Trong thời gian huấn luyện ở Long Thành, đại uý Dung đã nhấn mạnh là phải đánh điện hên lạc ngay với chỉ huy sở trong vòng 24 giờ đầu. Họ bị tóm gọn trong vòng 24 tiếng đồng hồ có thể dẫn đến việc nhân viên điện đài bị mua chuộc, thế nhưng do Nguyễn Văn Dinh đã trốn thoát nên đã ngăn cản được điều đó. Nghĩa và Chi bị bắt với đủ điện đài nhưng không có tín hiệu xin chỉ thị hoạt động và mật mã, những thứ đó Dinh cầm đi cả. Đến lúc bắt được Dinh thì quá muộn nên với người Bắc Việt Nam không lợi dụng được nữa vì liên lạc muộn với trung tâm có nghĩa là toán đã bị bắt và bị đối phương khống chế.

Trong lúc bị giải đi, chúng mới biết là những người bắt chúng là trung đoàn Công an vũ trang miền Bắc thường trực đồn trú dọc quãng đường chiến lược này, đó là cả một hệ thống các đường to và đường mòn mang tên Hồ Chí Minh. Những người lính giải chúng đi nói rằng nhiệm vụ của họ là đảm bảo an toàn cho các đơn vị bộ đội chính quy hành quân sang Lào qua tỉnh Quảng Bình để vào Miền Nam. Họ còn trẻ lắm, nói tiếng Quảng Bình rất nặng. Họ giải thích rằng họ đã phối hợp với dân quân địa phương để vây bắt biệt kích không cho chúng thoát khỏi vòng vây.

Sáng hôm sau, các biệt kích nhìn thấy xác một sĩ quan miền Bắc, họ được biết rằng đó là sĩ quan quân y của đơn vị. Nhìn xung quanh họ còn thấy những người Bắc Việt Nam khác bị thương đang nằm run rẩy.

Người miền Bắc nhanh chóng lục tìm thuốc cấp cứu trong các hòm của toán biệt kích, nhưng tối thiểu một nửa số hàng tiếp tế chủ yếu cần thiết cho việc cấp cứu ở chiến trường đều không thấy. Ai đó ở Long Thành hẳn đã ăn cắp. Cả đạn dược và các thứ khác cũng không thấy. Cho dù nếu toán không bị bắt đi nữa mà số lượng hàng tiếp tế bị ăn cắp lớn như thế thì toán cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Từ số ít ỏi thuốc men còn lại, các biệt kích đã lấy mócphin ra tiêm cho những người bị thương và cho họ uống viên giảm đau APC. Các toán viên HECTOR đã không biết rằng chính người Mỹ đã đóng gói và gắn si các thùng hàng tiếp tế đó.

Lính biên phòng bắt đầu dẫn tù binh đi vào ngày 25/9. Đêm đầu tiên họ nghỉ lại ở một làng ven suối, sáng sớm hôm sau họ lại đi tiếp. Các tù binh lại buộc phải đi bộ suốt ngày qua rừng rậm rồi tới một làng khác lúc 10giờ đêm ngày 26/9. Làng của một bộ tộc miền núi, họ đã bỏ đi từ lâu và bây giờ trở thành Sở chỉ huy của đơn vị Công an vũ trang tỉnh đã bắt chúng.

Ở đây chúng đợi hai ba ngày rồi những người hỏi cung tới. Những người này đến từ những vùng miền xuôi ven biển. Cuộc hỏi cung nghiêm chỉnh bắt đầu, cứ hai người hỏi một tù binh, một người do Bộ Công an cử đến, người kia là của Công an tỉnh Quảng Bình. Chủ đề và cách hỏi của mỗi người có khác nhau. Ví dụ người của Bộ thì hỏi về nhiệm vụ của toán biệt kích, các môn được huấn luyện và họ sẽ tiến hành các hoạt động ra sao, người của địa phương thì hỏi về lai lịch của người họ định bắt liên lạc khi vào làng và về các loại tài liệu và thông tin gì người đó sẽ cung cấp cho họ. Thực ra thì toán không có chương trình đi vào một làng cụ thể nào và cũng không nhận được lệnh liên lạc với ai cả. RÕ ràng có ai đó đã lừa dối người Bắc Việt Nam làm cho họ tin là đội HECTOR II có một số tin nhất định mà trong thực tế thì không có. Hỏi cung xong tù binh này, hai người lại chuyển sang hỏi tù binh khác. Cuộc hỏi cung chỉ mang tính thủ tục như thể là toán HECTOR II chẳng có gì để cung cấp. Người miền Bắc hình như đã rõ tất cả các điều muốn biết về chúng.

Vào thời điểm hỏi cung, toán HECTOR II đã phải mặt đối mặt với những gì mà toán HECTOR I đã trải qua. Hai nhân viên điện đài của HECTOR I là Trần Hữu Tuấn và Nguyễn Văn Thụy bị nhốt riêng và canh phòng cẩn thận, cũng ở tại chỉ huy sở này, sự hiện diện của họ làm cho chúng tin lời sĩ quan miền Bắc nói sau khi toán HECTOR II bị bắt: "Toán trước của chúng mày đã bị bắt. Sau khi bị bắt hai nhân viên điện đài đã gọi xin tiếp viện. Do đó chúng mày đã được phái đi. Toán trước đã được chuyển xuống miền xuôi ven biển, tất cả chúng mày rồi cũng được đưa xuống đấy, chúng mày có biết chúng tao đã chờ chúng mày suốt gần 2 tháng nay không?".

Hạ tuần tháng 10, khoảng 3 tuần lễ sau khi bị bắt, đột nhiên HECTOR II được chuyển ra vùng Đông Bắc theo hướng bờ biển lúc rời chỉ huy trung đoàn có Thụy đi theo. Y là điện báo viên HECTOR I đã bị mua chuộc. Trần Hữu Tuấn còn ở lại sau với bộ đội biên phòng để tiếp tục sử dụng điện đài. Trong khi đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh toán HECTOR II chỉ cách khoảng 2 phút đã gặp phải trận oanh kích do 2 máy bay A1 "giặc nhà trời” của Mỹ đang ném bom đường mòn. Các biệt kích và những người hộ tống nhận rõ bom rơi và tránh vào hẻm núi bên đường để được an toàn.

Các biệt kích đã được nhìn thấy thấy người miền Bắc hàn gắn đường bị đánh bom nhanh và hiệu quả như thế nào. Khi các xe tải Bel tự đổ các khối đá khổng lồ để lấp đầy các hố bom. Các xe tải được giấu trong hang có ngụy trang cách xa đường và bên cạnh các đống đá vụn cao ngất. Ngay sau khi máy bay Mỹ vừa rút khỏi các xe tải được chất đầy đá và hàng ngàn thanh niên xung phong ùa ra từ hai bên đường để lấp và san hố bom. Thanh niên xung phong được triển khai dọc hai bên các quãng đường trọng điểm, mục tiêu của các máy bay ném bom Mỹ. Họ ở cách xa đường mòn khoảng 1 km để tránh bom. Như đàn kiến vỡ tổ họ ào ra san lấp mặt đường và chỉ trong vài giờ sau lại đi được như thường.

Cuộc đi bộ chậm chạp theo hướng Đông Bắc dọc đường mòn mất gần 1 tuần lễ thì các tù binh ra khỏi rừng núi và đi vào vùng đồng bằng. Rõ ràng đây là đoạn cuối Đông Bắc của phần đường mòn chạy sang Lào qua tỉnh Quảng Bình. Cuối tháng 10, chúng đến một nơi cách bờ biển khoảng 2 km mà dân sở tại nói là vẫn thuộc đất Quảng Bình sát ranh giới tỉnh Nghệ An. Sau khi ăn trưa và đang nghỉ tại một làng, các tù binh được chỉ cho thấy các mảnh vỡ của một xác máy bay Mỹ. các mảnh của 1 chiếc phản lực nằm giữa bãi cỏ rộng, phẳng đến 1 km. Chỉ còn lại bộ xương sắt với vô vàn mảnh vỡ. Các mảnh to chắc chắn đã bị dân địa phương tháo gỡ lấy hết. Dân địa phương sung sướng kể lại máy bay bị bắn rơi như thế nào trước đó 3 tháng, hai giặc lái nhảy dù ra và người ta nói là đã bị bắt làm tù binh. Sau khi đi qua chỗ máy bay bị bắn rơi các tù binh đi về phía nam, đến Đồng Hới, thủ phủ tỉnh Quảng Bình vào tối hôm sau.

Ở ngoại ô phía Bắc miền biển Đồng Hới, trên bãi biển cây phi lao dày đặc các cuộc thẩm vấn được tiếp tục độ 2 tuần nữa. Sau đó các tù binh được đưa vào khu nhà giam "sơ tán" tạm thời là trụ sở cũ của một HTX nông nghiệp đã bị bỏ từ lâu. Sau vài ngày, chúng đã có thể xác định được là HECTOR I cũng ở đây, trong một ngôi nhà gạch cách đó khoảng 100 m. Xung quanh khu vực này không có tường và rào chắn, nhưng không ai có ý nghĩ chạy trốn vì các tù binh đều bị cùm sắt nặng xích hai cổ chân. Đến gần Đồng Hới, các tù binh nhận ra rằng: Mái ngói nhà nào cung bị đổ nát rõ ràng là do các trận oanh kích của máy bay. Lạ kỳ thay khu nhà trại tù vẫn lành lặn, mặc dù khu vực xung quanh đều bị đánh phá, điều này làm cho họ liên tưởng rằng phải chăng người Mỹ đã biết rõ đây là một trại giam nên họ đã không bắn phá? Sau hai tuần lễ ở Đồng Hới, các tù binh lên đường đi Hà Nội. Một tuần lễ sau thì đến Hà Nội và bị giam ở nhà tù Thanh Trì. Mùa thu năm ấy, có mấy tù binh nói tiếng Anh giọng Mỹ đến Thanh Trì và nhanh chóng được đưa vào hai xà lim khu C. Mùa hè 1967, toán HECTOR II được chuyển đến trại giam Phong Quang. Họ không biết được rằng họ phải nhường chỗ lại cho một toán mang tên HADLEY.

--------------o0o---------------
(Hết mục 12)

No comments:

Post a Comment