Friday, March 22, 2013

22. NHỮNG NHÀ TÙ Ở THANH HÓA / Phần V


Phần V 
TRỞ VỀ TỪ CÕI CHẾT
 
(1980-1994)


Đối với đa số lính biệt kích, Phong Quang thể hiện một giai đoạn thay đổi rõ rệt. Một thời họ đã từng là những tên gián điệp biệt kích bí ẩn đáng ghét hơn là đáng sợ. Sự đầu hàng của Cộng hoà Việt Nam và việc chuyển hàng nghìn tù nhân dân sự và quân sự của Nam Việt Nam đã làm thay đổi cách nhìn của miền Bắc.

Một số lính quân đội Nam Việt Nam ở Phong Quang, Hà Tây và Nam Sơn còn rất ngạc nhiên khi thấy rằng hàng trăm tên biệt kích còn sống sót. Khi những lính Nam Việt Nam trở về nhà và sau đó rời khỏi Việt Nam, họ thường viết về những người lính biệt kích đã không chịu chết…

Đầu năm 1982, nhóm cán bộ An ninh Quốc gia đã đến Thanh Phong để phỏng vấn một số biệt kích đã ở Long Thành giữa những năm 1960. Trọng tâm thẩm vấn là hiểu biết của lính biệt kích về Võ Đại Tôn, thành viên cũ ban lãnh đạo kỹ thuật chiến lược, đã ở Long Thành trong giai đoạn đó. Tôn đã bị bắt ở Lào trong vụ xâm nhập "kháng chiến" xuất phát từ Thái Lan. Sau đó chính phủ Lào đã chuyển anh ta cho Việt Nam và hắn được đưa ra Hà Nội để xét xử.

Trong cuộc họp báo, Tôn đã gây bực tức cho những người bắt anh ta bằng việc tấn công Chính phủ Hà Nội thay cho việc thể hiện thái độ ăn năn. Cuộc họp báo đã phải hoãn lại và Tôn đã bị đưa trở lại biệt giam. Những người lính biệt kích cũng đã đóng góp chút ít trong cuộc phỏng vấn của các quan chức Hà Nội.

Cuối năm 1979 những tù nhân ở Thanh Phong dần dần được tha. Mùa hè năm 1982 đa số lính biệt kích đã được tha về nhà. Trước khi tha, nhân viên An ninh Quốc gia đã nói với nhiều người trong số họ và thông báo những lợi ích tiếp tục của họ đối với Nhà nước. Họ đã nói cho một số người được lựa chọn phải chuẩn bị để trong tương lai "đón khách" bằng các tín hiệu đặc biệt người ta mong đợi. Những người biệt kích này sẽ làm những gì họ được yêu cầu.

Tháng 12 năm đó, những người còn lại ở trại K1 được chuyển về trại giam Trung ương ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Mùa thu năm 1987, 7 biệt kích cuối cùng ở đó rốt cuộc đã được phóng thích trở về nhà, trong số họ có Nguyễn Hữu Luyến, nhân vật nòng cốt cứng rắn đến cùng.

Cho đến năm 1989 phần lớn phạm nhân cải tạo lao động ở Thanh Lam đã được tha. Một số người dân tộc H'mông được tuyển chọn ở Lào để hoạt động trong các toán gián điệp đầu năm 1962, không có nhà cửa, gia đình nên tiếp tục ở lại trại. Thêm hai người nữa đã chết ở đó năm 1993. Một lính biệt kích được tha theo lời hứa danh dự đối với trại cải tạo lao động đã kể lại việc trở về nhà của anh ta sau 15 năm lao động nặng nhọc.

Tôi hỏi anh ta: "Anh cảm thấy như thế nào?"

"Cảm thấy như thế nào ư? Anh không thể tưởng tượng được".

"Ấy! Tôi muốn nói rằng gia đình anh phản ứng như thế nào?"

Người lính biệt kích kể lại chuyện này:

"Tôi nhớ khi trở về đến ga tàu Sài Gòn, lúc đó ban đêm và tôi biết không thể đi bộ về ngay với mẹ tôi được. Tôi đã không liên lạc gì với bà 15 năm qua. Chúng tôi được phép viết thư về nhà sau năm 1976 song đa số chúng tôi nghi ngờ rằng đó là âm mưu của Bộ Nội vụ vì vậy chúng tôi chẳng bao giờ viết thư về nhà. Một số chúng tôi được thăm thân ở trại nhất là những người có người thân ở miền Bắc. Tôi nhớ Nguyễn Thái Kiên đã được bác mình là Nguyễn Thái Phiệt đến thăm, mọi người nói rằng ông này là biên tập viên báo Quân đội nhân dân. Đa số chúng tôi không muốn gia đình chi phí cho chuyến đi Bắc để thăm chúng tôi. Chúng tôi có thể giấu diếm gửi thư qua những người thăm của họ. Trong trường hợp của tôi, tôi không viết thư về nhà.

Tôi biết nếu tôi đi ban ngày có thể sẽ gây ngạc nhiên lớn. Anh phải hiểu là suy nghĩ và cách hành động của tôi được thực hiện theo một thực tế là tôi đã xa nhà đi lao động vất vả 15 năm. Tôi không thể tả lại được và không ai có thể tả được.

Tôi đi bộ từ trung tâm Sài Gòn về nhà mẹ tôi. Tôi ngủ ngoài đường, ngay trong trường hợp này tôi cũng đã chạy đến trạm tuần tra kiểm soát. Cuối cùng tôi chẳng có giấy tờ gì và giấy thông hành của tôi đã hết hạn. Tôi tìm thấy một quán cà phê nhỏ đối diện với nhà mẹ tôi. Lúc đó khoảng vài giờ trước lúc rạng đông và tôi ngồi ở đó.

Lúc tảng sáng thì mẹ tôi ra khỏi nhà, tôi vẫn ngồi đó và quan sát bà, tôi chú ý nhìn xem có người nào khác ở chung quanh, tôi không nhìn thấy ai và tin rằng là an toàn.

Mẹ tôi bắt đầu đi xa khỏi nhà và tôi đi theo rất nhanh cho đến khi đến cạnh bà, tôi đi bộ song song cùng với bà mấy bước, chẳng nói gì, tôi không tin rằng bà nhận ra khi tôi ở đó một lúc nhưng tôi đoán là bà đã cảm nhận thấy sự có mặt của tôi và điều đó làm bà giật mình, bà dừng lại vài giây. Tôi nhìn bà mà nói "Mẹ ơi, con đây mà".

Mẹ tôi chỉ nhìn chằm chằm tôi trong mấy giây, sau đó túm chặt tay tôi và dắt tôi trở về nhà như hồi tôi còn con nít và bà đã đưa về nhà khi tôi làm điều gì đó xấu.

Bà đưa tôi đến buồng trước, tới trước bàn thờ gia tiên. Có một bức ảnh của cha tôi ở chỗ dành cho những người đã chết, bên cạnh đó là ảnh của tôi. Mẹ tôi nhìn tôi, sau đó lại nhìn bức ảnh, bà nhìn tôi lần nữa sau đó lại nhìn bức ảnh. Hồi sau bà nói: "Đó là con, mẹ tưởng là con đã chết".

Sau đó mẹ tôi hỏi tôi không nhiều. Tôi ở nhà, còn cái gì nữa cần phải nói? Nguyễn Văn Hinh chậm rãi quay đi nhìn ra cửa sổ không nói lời nào, không người nào cần đến.

--------------------o0o---------------------
(Hết mục 22).

No comments:

Post a Comment