Friday, March 22, 2013

18. CẢI HUẤN.


Sau vài ngày đến Phong Quang, những người lính biệt kích mới chuyển đến nhận được bộ quần áo đồng phục mới của nhà tù, màu xám, không có sọc. Nhiều tù nhân chính trị và hình sự cũ cũng mặc đồng phục xám không có sọc thay cho quần áo tù có sọc đang được loại dần, kẻ màu đỏ và trắng cho tù chính trị và các gián điệp biệt kích, kẻ màu xanh và trắng cho các tù thường phạm.

Trung sỹ Bội đi vào các trại cùng với một người tù chính trị. Khi anh ta đọc lên các số chỉ định cho người tù nào, thì người tù khác đóng dấu số của tù nhân mới đến lên mỗi bộ đồng phục nhà tù. Chữ BP đứng đầu là ký hiệu trại Phong Quang, và ba chữ số là dãy số dựa theo thứ tự tống giam của mỗi người. Con số cuối cùng sẽ là số lẻ cho tù chính trị và số chẵn cho các tù thường phạm.

Việc đóng dấu các con số trở thành một trò lố bịch vì sau vài lần giặt là chúng biến sạch. Tuy vậy cán bộ trại giam đã phê bình các tù nhân có số nhìn không rõ, nhưng không có cách gì để giải quyết vấn đề này.

Cán bộ trại giam chịu trách nhiệm đối với các kế hoạch phân công lao động hướng dẫn các tù nhân mới bắt đầu sản xuất các giỏ tre. Họ không có các chỉ tiêu sản xuất, thời gian làm việc của họ không được điều chỉnh. Cán bộ theo dõi sát mọi tù nhân và đánh giá phản ứng của họ với môi trường và các công việc của họ hàng ngày.

Các giờ học buổi chiều và truyền bá chính trị vào buổi tối thường kèm việc tự kiểm điểm hàng ngày và phê bình các bạn tù về ý thức chấp hành của họ. Trong giai đoạn đánh giá ban đầu người cán bộ đánh giá thái độ của từng tù nhân, điều kiện thể chất và sự tự nguyện làm theo hướng dẫn.

Sau đó giờ lao động ngày càng tăng, và chỉ tiêu sản xuất được nâng lên dần cho đến khi các tù nhân chỉ còn thời gian để làm việc, ngủ và học tập chính trị. Trong việc cải huấn cần tổ chức lao động sản xuất. Trước tiên, cán bộ chỉ định một tù nhân làm người lãnh đạo buồng giam. Nhiệm vụ của anh ta là đếm đầu người vào buổi sáng và buổi tối khi những người bảo vệ kiểm tra các tù nhân trong buồng. Sau đó, các tù nhân được tổ chức thành các nhóm lao động và người ta chỉ định người lãnh đạo nhóm.

Trại giam Phong Quang giới thiệu cho những người mới đến về hệ thống trợ cấp chăm sóc hàng tháng cho mỗi bệnh nhân trong trại giam trung ương và trại giam lao dịch do Bộ Công an quản lý. Mỗi tù nhân được cấp 15 đồng mỗi tháng để ăn uống và các sinh hoạt khác. Đó là sự thay đổi được hoan nghênh-từ phụ cấp 12 đồng ở trại Thanh Trì, trại giam cấp tỉnh được áp dụng mức thấp hơn mức ở các trại Trung ương.(**)

Gạo và các nhu yếu phẩm khác hoặc là do các tù nhân trồng hoặc được Chính phủ cung cấp theo giá của Nhà nước. Gạo mua ở các cửa hàng của Nhà nước với giá 30 xu (0,3 đồng) 1 kg, có nghĩa là Nhà nước chi 4,5 đồng về tiền gạo cho mỗi tù nhân trong 1 tháng. Số tiền 10,5 đồng còn lại trong mười lăm đồng tiền trợ cấp hàng tháng được dùng để mua các thực phẩm khác, như rau, thịt, cá, và các thứ lặt vặt bao gồm 2 bộ đồng phục của trại giam, dép, đũa, bát, thuốc đánh răng, dầu để thắp đèn và thuốc.

Không bao giờ tiền trợ cấp hàng tháng cho mỗi tù nhân vượt quá 15 đồng. Bộ ban hành các mức trợ cấp cho tù nhân và giao cho mỗi chỉ huy trại giam quản lý tiền. Mức phụ cấp cho mỗi tù nhân không bao giờ thay đổi dù rằng lao động của trại giam có sản xuất được một số sản phẩm chính hay không. Những tù nhân ở trại giam Phong Quang tin rằng cán bộ này tham ô tiền trợ cấp. Họ thường khiếu nại rằng trại giam đã mua một số thứ ở địa phương, trong khi những thứ đó vẫn được trại viên trồng, nhưng thực chất không được hưởng chút gì.

Việc phân phối thực phẩm là vũ khí đầu tiên được dùng để vận động tù nhân. Những ai chịu hợp tác và làm việc cần cù sẽ nhận được nhiều thực phẩm hơn, bình thường là một bát to hơn, tính tương đương với mức ăn hàng tháng vào khoảng 18 đồng. Làm việc cần cù có nghĩa là làm những công việc theo lệnh của cán bộ, bất kể các lệnh đó liên quan đến lao động sản xuất hoặc cung cấp tin tức. Để đảm bảo mức trung bình là 15 đồng cho mỗi tù nhân trong 1 tháng thì khẩu phần ăn của những người hợp tác kém sẽ bị giảm đi. Những tù nhân không tuân theo các mục tiêu cải huấn thường chỉ nhận được các suất ăn tương đương với 12 đồng 1 tháng. Cơm bữa của họ thường được thay bằng khoai tây hoặc khoai lang.

Phong Quang cũng có nghĩa là tự cải huấn thông qua nỗi đau của cùm kẹp theo lệnh của đại uý Trình Văn Thích chỉ huy trại. Sự đối xử này đã bắt đầu không kèn không trống từ đầu năm 1970 trong dịp Tết Nguyên đán, là thời gian mà Việt Nam tiễn năm cũ và chuẩn bị cho năm mới, là thời gian xoá bỏ mọi cái cũ và khởi đầu những cái mới. Tuy nhiên cán bộ của trại giam Phong Quang đã được người ta chứng minh rằng nỗi đau của cải huấn thì không như vậy, nó được mang từ năm này sang năm sau.

Người thư ký của Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara cẩn thận điều chỉnh micro. Phái đoàn báo chí biết rằng đã xảy ra điều gì đó liên quan đến Việt Nam. Bây giờ mọi người đã biết đến cái tên Sơn Tây. Viên thư ký này đã mô tả sự nỗ lực vào ngày 18 tháng 11 năm 1970 để cứu các tù binh Mỹ ở một trại giam nhỏ tại vùng quê phía tây Hà Nội. Đó là một nỗ lực đầy mạo hiểm, nhưng ở đó không có tù binh. Rõ ràng là họ đã chuyển đi trong tháng 6 vì lũ dâng lên đe doạ trại giam. Viên thư ký này lấy làm thỏa mãn rằng cuộc tập kích đường không bí mật đó được tướng Donald Blackburn hoạch định đã dược giữ kín.

Việc di chuyển những tù nhân chỉ là sự trùng hợp.

Các biệt kích ở trại Phong Quang không bao giờ được nghe về cuộc tập kích Sơn Tây trong lúc họ ở đấy. Các buổi phát thanh buổi tối của Đài phát thanh Quân đội nhân dân qua loa phóng thanh đã được biên soạn cẩn thận để loại các báo cáo này ra ngoài. Những người biệt kích có thể có các cảm giác lờ mờ. Họ đã không bao giờ biết cho đến mãi sau này khi thấy rằng cuộc tập kích Sơn Tây là lý do của việc xây dựng vội vàng ở bên ngoài khu A. Sợ rằng công trường có các cọc đặt rải rác trên các khu vực trống trải của khu trại giam bị máy bay trực thăng tấn công. Các đầu cọc được làm nhọn và sơn đen, mỗi cọc có đường kính hơn 30cm và cao hơn 9m.

Vào khoảng thời gian Tết năm 1970, ba người tù thuộc dân tộc Hoa đến Phong Quang, cùng với toán bị bắt ở biên giới Lào năm 1967 và hai người Mỹ. Những tù nhân khác đã thấy người Hoa này đến trại Thanh Trì năm 1968, nhưng không ai trong các tù nhân đã có thể nói chuyện với họ. Ở Phong Quang, câu chuyện lạ về sự tống giam của họ đã được sáng tỏ.

Người ta nhận ra họ là Triệu Chí Kiên, Lương Minh Phát và Lý Mậu An. Họ đã bị bắt ở Phú Bài gần thành phố Huế trong cuộc tổng tấn công tết 1968. Các lực lượng Việt Cộng bắt được 3 người này khi họ đang đi xe vétpa. họ bị tình nghi là các gián điệp của CIA. Họ khăng khăng nhận là các thợ may tư nhân may và bán các bộ đồng phục cho quân nhân Mỹ. Họ chống lại việc bắt bớ này nhưng vô ích. Triệu Chí Kiên đã có vợ con sống ở khu Kowbon của Hồng Lông. Lương Minh Phát nói với những tù nhân khác rằng anh ta là người Hoa, nhưng là công dân Indonesia. Bộ ba này vẫn còn bị giam, năm 1982, họ ở trại K1 nhà giam Thanh Phong. Họ thường kêu gọi các biệt kích viết thư cho gia đình họ để báo cho biết rằng họ vẫn còn sống. Kiên viết hết thư này đến thư khác cho vợ anh và gửi những thư đó cho các biệt kích khác với hy vọng rằng họ có thể được tha. Năm 1986 một lính biệt kích đã bay sang Hồng Kông và nhắn tin cho vợ của Kiên. Chị ta chạy tới trại tị nạn mà người biệt kích này đang bị giữ và cầu khẩn các cán bộ của Trại cho chị ta nói chuyện với người đàn ông đó. Các cán bộ này đã từ chối và chị ta đã bị cưỡng bức rời khỏi đó với nước mắt giàn dụa trên mặt.

Các lính biệt kích ở Phong Quang và những người tù khác đã sống sót qua cảnh tù đầy và nhận được giấy phóng thích. Dĩ nhiên là khi bị giam giữ ở dọc biên giới Trung Quốc thì họ không thể trốn thoát. Họ không thấy những biệt kích mới được đưa vào hệ thống trại giam này. Qua những lần tranh thủ nghe đài phát thanh, họ mới biết rằng cuộc chiến tranh đã kết thúc. Nhưng họ vẫn còn phải tiếp tục giữ vững tinh thần và niềm tin rằng họ sẽ không bao giờ bị những người đã phái họ ra miền Bắc lãng quên. Đạo quân nhỏ bé có 51 biệt kích bị tù ở những trại giam nằm rải rác trong tỉnh Hà Giang ở phía cực Bắc của tỉnh này cũng có chung niềm hy vọng đó. Đây là địa điểm của các tù nhân ở Yên Thọ và Yên Hoà gần Phú Thọ đã sơ tán đến trong thời gian chiến tranh 1965.

Vào năm 1970, Mỹ đang chuyển sang chiến lược Việt Nam hoá. Lúc đó tướng Westmoreland là tư lệnh quân đội Mỹ ở Lầu Năm góc, và tướng W.Abrams là tư lệnh của Bộ Tư lệnh hỗ trợ quân sự ở Việt Nam. Khi các lính biệt ở Phong Quang đang trải qua nỗi khủng khiếp của gông cùm, thì các lực lượng của Mỹ ở miền Nam đang rút đi. Những người lính biệt kích này không thể nào biết được rằng họ đã bị xoá tên vì bị coi là đã chết. Trong mùa xuân năm 1972, đội quân tuyệt mật MACSOG đã đạt đến mười nghìn người trong năm 1971 đang bị giải thể, họ chỉ được thanh toán lần cuối cùng bằng một túi gạo và một chuyến xe đưa về tận nhà. Phần chi phí của các cuộc hành quân của MACSOG, đã được vào sổ ở Washington với một khoản tiền khiêm tốn là 25 tỷ đô la trong 2 năm, trước khi những cuộc hành quân của nó kết thúc (xem phụ lục 8 và 9). Cuộc sống của những người bị giết và mất tích, cả người Việt Nam và người Mỹ, không bao giờ được đưa vào các dự toán tài chính.

Thành viên của toán bị phái ra miền Bắc trước năm 1968 có thể được coi là các cuộc hành quân của toán biệt kích hoạt động tầm xa độc đáo đã chấm dứt vào cuối năm 1967. Mặc dù các toán STRATA vẫn tiếp tục được đưa vào Lào và vùng cán xoong Bắc Việt Nam. Bây giờ họ gặp những nhóm tù nhân mới là thành viên của các toán trinh sát biên giới và những tên đảo ngũ của quân đội miền Bắc được MACSOG thu dụng để duy trì các cuộc hành quân nghi binh của các kế hoạch như Borden và Earth Angel.

Ngày 26/12 năm 1971, 23 lính biệt kích cuối cùng ở khu trại giam biệt lập và 34 biệt kích ở phòng 3 của trại giam Phong Quang được đưa lên xe tải hạng nặng để đưa lên trại giam mới ở phía tây bắc, trại giam trung tâm số 1 bên ngoài thị xã Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai. Nơi đó sẽ là nhà của họ trong một năm rưỡi nữa tại một địa điểm gọi là Phố Lu.
---------------------------------------------------
(**) Các số liệu này không đúng với thực tế - BTV.

---------------------o0o----------------------
(Hết mục 18).

No comments:

Post a Comment