Friday, March 22, 2013

19. CHUẨN BỊ TRAO TRẢ.


Vào cuối năm 1971, hầu như tất cả lính biệt kích được tập trung tại nhà giam cấp Trung ương: Trại giam trung ương số 1, nằm ngoài thị xã Lào Cai gần biên giới Trung Quốc; nhà giam Tân Lập gần Phú Thọ ở đồng bằng sông Hồng, phía tây nam Hà Nội và trại giam Hoành Bồ, ở vùng đồi núi Đông Bắc thị xã Hòn Gai. Các biệt kích chủ bài được phân tán ra nhiều trại giam khác. Việc chọn lọc các tù nhân để chuyển đến mỗi trại giam trong năm 1971 rõ ràng là đã được hoạch định chu đáo.

Trong những tù nhân đầu tiên rời khỏi Phong Quang vào mùa hè đó, các điện báo viên được thu dụng đã được chuyển đến Tân Lập và Hoành Bồ. Tân Lập cũng giam nhiều thành viên của các toán biên giới.

Đợt cuối cùng rời khỏi Phong Quang là 47 biệt kích được mệnh danh là “những người không thể cải huấn". Họ đến trại giam Phố Lu, là tên quen dùng thay cho Trại giam Trung ương số 1. Đến Phố Lu, họ thấy các buồng của họ ở trại Ki trống vắng, trừ 6 người tù đã hoàn thành việc xây dựng các nhà giam thứ ba. Ở đây họ gặp Lâu Chí Chan, một người nhái của toán CANCER mà lần đầu họ thấy ở Thanh Trì. Hiện nay Chan là người tù làm thợ mộc. Đầu năm 1972, một đạo quân biệt kích khác từ Quyết Tiến đến Phố Lu. Như vậy tổng số biệt kích lên đến 167 người. Hai nhóm biệt kích được giam trong các buồng giam riêng biệt nhưng cùng một trại giam rào kín. Nó bị phân cách bởi một bức tường, và nói chung được cách ly với nhau. Một người tù chính trị "kỳ cựu” da nhăn nheo đã ở Quyết Tiến hơn 10 năm nói: "Bạn sẽ không bao giờ đoán được điều gì đã xảy ra sau khi bạn rời đi".

"Tiểu đội biệt kích đã ra lệnh cho chúng ta đi đào các hài cốt! Các bạn có thể tin được điều này không? Họ đưa chúng tôi ra đào các ngôi mộ".

"Đào các ngôi mộ à? Để làm gì?", một người biệt kích đặt ra câu hỏi hơi tò mò.

"Phải, họ đưa cho chúng tôi một con trâu và cái cày rồi bảo chúng tôi đi đào hài cốt. Họ phái chúng tôi ra ngoài để làm việc trong các nghĩa dịa cũ ở ngoài các ngọn đồi. Các anh có tin được không? Họ bảo chúng tôi rằng công việc này rất dễ xúc cảm, ý tôi nói là việc đào mộ. Họ chỉ cho chúng tôi ra ngoài khi các tù thường phạm đi làm ở vườn rau trở về. Chúng tôi được phái ra vào giữa trưa để cày lật các ngôi mộ lên, và chúng tôi phải quay trở về trước khi các tù thường phạm ra làm việc vào buổi chiều.”

"Vì sao họ lại muốn cày lật các ngôi mộ lên?"

"Ai mà biết được. Chúng tôi đã làm việc ở các nghĩa địa cũ đó hết cả tuần, tìm các ngôi mộ, nhưng chẳng thấy gì cả. Họ bảo chúng tôi phải tiếp tục cố gắng đào các ngôi mộ lên và lấy hài cốt ra. Có điều gì đó liên quan đến việc các hài cốt sắp được chuyển về nhà. Sau một tuần, chúng tôi không thể tìm được hài cốt nào. Rồi họ bảo chúng tôi ngừng việc tìm kiếm".

Sau một lúc, ông già đó bước đi xa khuất vào thế giới riêng của ông ta. Những lính biệt kích sau khi nghe những lời nói lảm nhảm của ông ta nghĩ rằng họ đã hiểu phần nào những điều ông ta nói. Chắc là Bộ phải cố tìm các hài cốt của các biệt kích đã chết ở Quyết Tiến trong 10 năm trước khi đình chiến. Chắc họ muốn có các bộ hài cốt, bộ hài cốt của bất cứ người nào, nếu họ bị ép phải giao trả các hài cốt của các biệt kích đã chết.

Các biệt kích biết rằng những ngọn đồi xung quanh Quyết Tiến có đầy rẫy các nấm mồ. Các nghĩa địa được đắp trong thời kỳ 1961-1965 đã bị bỏ đi từ lâu; trong những năm sau người ta sử dụng các nghĩa địa mới hơn. Rồi những nghĩa trang mới hơn đó lại bị bỏ mặc cho cỏ và thời tiết, không ai có thể nhớ được đã có bao nhiêu nghĩa địa được đắp. Vì thế họ không lấy làm ngạc nhiên khi thấy ba ông tù chính trị già đã không tìm thấy gì. Sau hết, việc chôn cất thường được tiến hành vào ban đêm, các ngôi mộ đều không có bia. Dường như rất khó cho các cán bộ nhà giam ghi chép lại chính xác chỗ chôn của từng người. Hơn nữa một số nghĩa địa cũ đã biến thành các ruộng trồng rau từ nhiều năm trước, và tất cả các hài cốt đã trở nên hỗn độn sau nhiều năm bị cầy xới.

Một lính biệt kích cũ tự nghĩ rằng đó chính là loại công việc mà Bộ muốn làm. Anh biết làm gì khi anh cần các bộ hài cốt của biệt kích và anh hoàn toàn không biết chúng ở đâu, nhưng anh lại cần các bộ hài cốt để thoả mãn một người nào đó! Anh chỉ có thể đào mộ của một người nào đó. Ai mà biết được có gì khác nhau?

Vào tháng 8 năm 1972, các lính biệt kích được chuyển từ K1 đến K3. Không lâu sau khi di chuyển, một phái đoàn đã đến Phố Lu dưới quyền chỉ huy của trung tá Xy thuộc Bộ Công an. Ông là một cán bộ trại giam lão thành của Bộ Công an. Người ta báo cho các lính biệt kích rằng họ sẽ được học tập chính trị về những thay đổi đang xảy ra ở Việt Nam, về điều mà ông Xy gọi là "Tình hình mới và lịch sử của cuộc đấu tranh yêu nước chống lại bọn xâm lược nước ngoài của người Việt Nam và những người anh hùng đã chống lại những kẻ xâm lược trong thời gian qua". Có một nhóm gồm hàng chục cán bộ An ninh đi theo trung tá, hầu như họ đều mặc quần áo thường.

Trong tháng sau, cả nhóm này đã tham gia vào việc biên soạn chương trình huấn luyện. Ông trung tá bắt đầu việc giới thiệu một chủ đề, còn các tù nhân phải chuẩn bị một bản đánh giá về tài liệu đã được giới thiệu. Sau đó các nhóm tù gặp một cán bộ an ninh, người đã cẩn thận hướng dẫn việc thảo luận về mục tiêu đã được xác định trước lớp học. Việc trình bày có thể kéo dài từ nửa ngày đến một ngày, còn ngày hôm sau được dành cho thảo luận nhóm và kiểm điểm cá nhân. Trong thời kỳ này mọi việc đều được hoãn lại, để tập trung vào việc "học tập trao trả tù binh".

Ít nhất có 4 cán bộ của nhóm ông Xy chịu trách nhiệm về giảng dạy chính trị, những người còn lại xét duyệt các hồ sơ của tù nhân do cán bộ trại giam lưu giữ. Các thông tin trong hồ sơ của mỗi tù nhân đều được đánh giá xác định phản ứng của người đó đối với tài liệu đã trình bày.

Trung tá Xy tự cho mình là một nhà thơ thành công và là người có học vấn uyên thâm, am hiểu về văn chương cổ điển của Việt Nam. Trong nhóm của ông có một phụ nữ khoảng 25 tuổi, một nhân viên nghiệp vụ của lực lượng An ninh có vóc dáng đẹp, ẩn hiện thấp thoáng dưới bộ quần áo đen bóng loáng, cô cũng hiểu biết sâu về văn chương cổ điển Việt Nam, và vì thế người ta không ngạc nhiên thấy ông Xy làm việc rất gần gũi với người cán bộ nữ được ông che chở này.

Mỗi khi một tù nhân được gọi ra để phỏng vấn cá nhân với một cán bộ, người sĩ quan này ngồi đối diện với tù nhân qua một cái bàn, bao giờ cũng có một tách trà và một đĩa bánh nhỏ. Một số cuộc phỏng vấn nhắc đi nhắc lại, không hơn việc xét duyệt hồ sơ là mấy. Những người tù khác thì xem xét các điều ghi chú của tù nhân trong những năm đầu, những nhận xét đặc biệt về một số cá nhân mà người tù đó đã phục vụ trong khi còn ở miền Nam. Người cán bộ nhấn mạnh rằng nếu tù nhân đó muốn được phóng thích thì phải có trách nhiệm đưa những vấn đề này ra trước các cơ quan liên quan.

Đối với một số tù nhân, thì cuộc phỏng vấn này có tính chất đe dọa khi người cán bộ báo cho tù nhân rằng ông ta có thể được mời ra “phục vụ cách mạng" nếu anh ta được phép trở về nhà. Thí dụ một người nào đó có thể đến thăm và yêu cầu giúp đỡ trong "cuộc đấu tranh" để đánh đuổi những kẻ xâm lược nước ngoài ra khỏi đất nước và đấu tranh với những cán bộ tham nhũng. Nhận xét như vậy có một hàm ý rõ ràng là những người cộng sản có thể sử dụng các tù nhân này sau khi họ được phóng thích. Người nào đã trải qua một cuộc phỏng vấn này, khi đi ra cũng đều run sợ.

THINHRAZOR21428
23-02-2009, 16:02
Trước khi phỏng vấn, mỗi tù nhân phải hoàn thành một bản sơ yếu lý lịch mới nhất và kèm theo một tờ khai trình bày thái độ của mình sau khi trở về miền Nam. Tờ khai này luôn luôn được kết thúc bằng yêu cầu được hồi hương.

Đối với một số tù nhân, có tài liệu thứ 3. Trong các cuộc phỏng vấn riêng, các người tù được lựa chọn, phải chuẩn bị để yêu cầu được giữ lại ở miền Bắc.

Cán bộ này giải thích rằng mỗi tài liệu có một vai trò riêng để hỗ trợ cho các cuộc thương lượng đang tiến hành liên quan đến Hà Nội và chi nhánh của họ ở miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời. Thí dụ, một tài liệu phác họa và cách những tù nhân dự định để cư xử sau khi được phóng thích sẽ sử dụng để chứng minh rằng cá nhân đó muốn hồi hương về miền Nam. Nó sẽ hỗ trợ cho yêu cầu hồi hương thông qua Chính phủ Cách mạng lâm thời. Tài liệu thể hiện mong muốn ở lại miền Bắc sẽ được nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sử dụng trong các cuộc thảo luận với chính phủ Sài Gòn để giải thích lý do của một cá nhân không được hồi hương.

Mọi người đều hoàn thành hai tài liệu đầu tiên. một số tù nhân có "cơ hội” để chuẩn bị tài liệu thứ 3 thì phải hoàn thành tài liệu này. Còn những người khác thì không làm. Những người nào từ chối yêu cầu ở lại miền Bắc thì không bị ép buộc phải làm thế.

Những người tù đầu tiên buộc phải phỏng vấn cảm thấy rằng họ đã đóng kịch. Hầu hết đã rời đi với ấn tượng là mỗi cuộc phỏng vấn đều được thu vào băng để đảm bảo việc ghi chính xác cuộc thảo luận. Họ đã chuyển ấn tượng này cho những người đang chờ được phỏng vấn. Khi những người khác sắp đến lượt phỏng vấn, họ biết rằng họ phải rất thận trọng đối với mọi điều họ nói.

Trong khoảng hơn một tháng tập trung học tập chính trị, trung tá Xy luôn áp đảo bằng cùng một câu hỏi: “các anh sẽ trở lại liền Nam chứ, và khi nào?

Xy cố ý tránh bất kỳ câu trả lời cụ thể nào. Thật vậy, ông ta thường gật đầu và cười. Những người biệt kích cũng nêu ra thắc mắc với các giảng viên chính trị, nhưng họ luôn luôn lảng tránh. Một cán bộ giải thích như sau:
- Nhà nước thật sự quan tâm đến các anh, và hy vọng rằng các anh sẽ được trở về nhà. Chính các anh đã tấn công chúng tôi. Chính các anh đã xâm phạm miền Bắc với âm mưu lật đổ chính quyền. Các anh đã vi phạm pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đúng ra các anh sẽ không được trở về, nhưng vì tính chất nhân đạo của Nhà nước, Nhà nước sẽ xem xét từng trường hợp của các anh để xác định xem các anh có thể được trở về với gia đình các anh không.

Việc bồi dưỡng chính trị và giảng dạy ở Phố Lu cũng tương tự như các hoạt động ở nhà giam Hoành Bồ. Ở đây, các lính biệt kích phải đương đầu với phân đội có đến 20 cán bộ kể cả một đại uý là phụ nữ có tên là Hoa ở Bộ Công an dưới quyền chỉ huy của một trung tá. Có vài lần, trung tá Xy đến Quảng Ninh và gặp riêng các cán bộ làm việc ở đó. Trong phân đội đầu tiên có một sĩ quan trẻ hàm đại đội trưởng Tô Bá Oanh, tham gia vào việc hướng dẫn và phỏng vấn từng tù nhân.

Đại uý Hoa tâm sự rằng có một số biệt kích có thể được trở về trong khi các người khác sẽ không được trở về. Chị tránh nói người nào. Sáng trưởng trại thì né tránh các cuộc thảo luận này.

Trong các cuộc phỏng vấn cá nhân do Hoa tiến hành, chị yêu cầu các tù nhân trao đổi “cởi mở và thẳng thắn", và cả việc đối xử với họ trong nhà giam. Một tù nhân phàn nàn rằng cán bộ nhà giam Quảng Ninh đã đánh đập những người tù. Về việc này chị trả lời rằng "những hành động như vậy là các sai sót về phần của chỉ huy trại giam, có thể quên đi". Chị cũng đề nghị các tù nhân, từng người một yêu cầu được giữ lại ở miền Bắc.

Việc học tập ở Quảng Ninh bắt đầu trong tháng 10 năm 1972 và kéo dài ít nhất đến tháng 12, khi các cuộc tập kích của máy bay B52 làm cho các tù nhân phải chuyển đến các địa điểm sơ tán của trại giam không xa nhau lắm. Ở đây họ có nghe nói về một người Mỹ "tiến bộ" tên là Nam ở Hoành Bồ với một phụ nữ Việt Nam và có hai con.

Khi đợt học tập chính trị ở Phố Lu kết thúc vào tháng 11 năm 1972, thì điều kiện sinh hoạt chung đã được cải thiện, và mỗi người lính biệt kích bắt đầu tin rằng anh ta sẽ được trở về Cộng hoà Việt Nam theo các điều khoản của các cuộc hoà đàm ở Paris, đến nay sắp được giải quyết. Các cán bộ trại giam đối xử với các tù nhân đã mềm mỏng hơn. Bầu không khí đã có phần lạc quan. Không có ai, kể cả các cán bộ trại giam và cán bộ của Bộ Công an đã từng nói rằng những người lính biệt kích có thể được hoặc sẽ không được hồi hương trong khi trao đổi tù binh, nhưng mỗi người lính biệt kích đã bắt đầu tin rằng việc hồi hương chỉ còn vài tháng nữa thôi.

Vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Hoà bình Paris đã được ký kết, việc ngừng bắn đã được hai bên thoả thuận và có hiệu lực. Mỗi người lính biệt kích ở Phố Lu đều đọc bản sao Hiệp định do cán bộ cung cấp. Các tù nhân đều chăm chỉ vào phần hàm ý rõ rằng họ sẽ được trở về nhà, mặc dù các cán bộ còn ngập ngừng trong việc trả lời cho những câu hỏi nhắc đi nhắc lại của họ. Mỗi người trong số họ đều trích ra một câu cụ thể:

“Những ai có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam thì đều được giải quyết và được trao trả.”

Đó là ngôn ngữ ngoại giao nói thẳng rằng "Những ai có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam sẽ được hồi hương".

Bây giờ những lính biệt kích này hy vọng sẽ sớm được trở về nhà.

Họ được trả lại K1 vào tháng hai năm 1973 và được cấp các máy khâu, với lệnh may quần áo mới. Rõ ràng là họ sắp có quần áo mới để hồi hương, và các cán bộ trại giam nhắc nhở rằng các quần áo này phải được may nhanh. Các máy khâu này đã phải làm việc 24 giờ mỗi ngày. Một số tù nhân cắt vải thành mảnh trắng để may các áo sơ mi ngắn tay và mầu xanh thẫm để may quần. Trong khi những người khác may ráp các mảnh với nhau. Quần áo đã được may đủ cho mỗi tù nhân hai bộ mới, một túi nhỏ để đựng quần áo và một chiếc mũ. Tất cả các bộ quần áo này đều được cắt cùng một khổ. Sau khi may xong, chúng được mang ngay vào kho của trại giam "để cấp vào một thời điểm thích hợp”.

Cán bộ thường xuyên đến kiểm tra công việc và luôn miệng nhắc "Đây là quần áo của các anh. Hãy may cẩn thận.”

Mấy tuần Sau, giữa lúc việc trao đổi tù binh đang được tiến hành, các lính biệt kích chỉ mong tìm được một cán bộ cho họ biết họ sẽ được trả lại miền Nam như thế nào và khi nào. Họ không thể hỏi cán bộ chỉ huy trại giam, thiếu tá Ngô Bá Toàn, vì anh ít khi đến khu vực của họ. Cuối cùng họ phải hỏi trung uý Y, trưởng ban giáo dục và người phó của anh, trung sĩ Hao Liêu. Câu trả lời lờ mờ của họ làm cho các tù nhân bỏ đi.

"Hết cách?", họ cười nói: “Hết cách! Không có cách gì để tất cả các anh sẽ được trao đổi. Chẳng có cách nào! Nếu các anh xem cẩn thận, các anh sẽ thấy rằng không có một dấu chấm hay dấu phẩy nào trong toàn bộ bản Hiệp định đề cập đến bất cứ người nào trong các anh. Chẳng có gì cả. Tuyệt đối chẳng có gì cả. Thậm chí các anh còn không được nói đến. Hãy chỉ cho chúng tôi một điểm, chỉ một điểm thôi, có nói đến bất kỳ ai trong các anh, chỉ một điểm thôi".

"Nhưng, nhưng có đề cập đến việc trở về của ai đã có liên quan đến cuộc chiến tranh này, chúng tôi đã tham gia, chúng tôi là những người tham gia! Hiệp định nhất định phải đề cập đến chúng tôi!"

Trung úy Y chỉ lắc đầu và lại cười. Những lính biệt kích sững người.

Mỗi đêm, các loa phóng thanh trong các trại giam của đài phát thanh Quân đội Nhân dân phát thanh trong 1 hoặc 2 giờ. Các tù nhân lắng nghe các mục nói về ngừng bắn và các báo cáo vế các tù nhân đang được trao đổi, mặc dù bản tin này đọc rất chậm. Đó luôn luôn chỉ là những nhóm tù binh nhỏ của Bắc Việt Nam đang trở về nhà. Trong khi số tù binh của Bắc Việt Nam nhiều gấp 3 hoặc 4 lần đang được trở về miền Bắc. Khi nghe những tin về việc hồi hương của các tù binh Mỹ, họ nghĩ rằng đây là dấu hiệu rõ ràng rằng việc trao trả lại họ phải được thực hiện từ lâu trước đây. Họ đều nhận biết rằng thành viên của các toán biên giới và các lính át chủ bài đã được trao trả ở nơi khác. Điều đó dường như ngụ ý rằng các tù nhân đang được phiên chế thành các nhóm để hồi hương.

THINHRAZOR21428
23-02-2009, 16:02
Khi các cuộc trao đổi tù nhân đang diễn ra chậm chạp thì những người tù ở Phố Lu cảm thấy rằng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đang trao trả tù nhân rất chậm, như những ngư dân bơi thuyền ở ngoài khơi, khi họ trong ngóng và đợi chờ, có lẽ để cân nhắc xem liệu có phải trả biệt kích khi có ai đó đòi hỏi.

Nỗi lo sợ của những người lính biệt kích đã tăng lên do một thực tế là các sỹ quan của lực lượng vũ trang Cộng hoà Việt Nam bị bắt ở thành phố Huế trong cuộc Tổng tấn công Tết 1968 vẫn đang còn bị giam ở các nhà giam kỷ luật K1, họ đã ở đấy từ năm 1972. Phải chăng điều đó có nghĩa là miền Bắc sẽ giữ lại một số tù nhân để mặc cả? Nhưng vì sao vậy?

Và họ vẫn còn phải chờ…

Họ đã nghĩ rất đúng tới khả năng của các cuộc đấu tranh giữa Washington và Hà Nội đang diễn ra ở mức cao nhất về vấn đề tù chính trị. Những người lính biệt kích đều đã phạm tội hoạt động gián điệp được Hà Nội coi là loại tù chính trị đặc biệt. Có lẽ Hà Nội không bao giờ có ý định phóng thích họ, dĩ nhiên, trừ khi Washington sẵn sàng đưa ra hàng vạn tù nhân ở Nam Việt Nam mà Hà Nội và Chính phủ Cách mạng lâm thời đang gọi là "các tù chính trị bị chính quyền Thiệu giam giữ". Với yêu cầu phải phóng thích họ, mà Washington thì không muốn bị dính líu vào bất kỳ sự thoả hiệp nào như vậy. Bắt đầu từ tháng 2 năm 1973 các tù nhân Mỹ bị giam giữ ở miền Bắc được trao trả cho các chuyên viên của Mỹ ở Hà Nội và được chở bằng máy bay về căn cứ không quân Clack ở Philipin để lấy tin tức tình báo và kiểm tra sức khoẻ ban đầu. Một thiếu tướng của Quân lực Hoa Kỳ dẫn đầu một nhóm người phỏng vấn bay từ Sài Gòn đến căn cứ Clack để xử lý việc hồi hương của các thường dân Mỹ. Các nhóm phỏng vấn Klao đại diện cho mỗi quân chủng cũng đã bay đến.

Những câu họ dùng để hỏi các tù binh trở về là do cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng (DIA) vạch ra, chính cơ quan này trong năm 1965 đã hỗ trợ đắc lực cho các phi vụ của MACSOG và tranh luận rằng các toán biệt kích ở trong lòng miền Bắc Việt Nam đang cung cấp các thông tin tình báo có giá trị. Bây giờ người Mỹ xác định rằng yêu cầu ưu tiên về tình báo này vẫn không thể giải thích được.

Đáng tiếc là văn phòng DIA chịu trách nhiệm về vấn đề tù binh và những người Mỹ mất tích, sau đó do Charles Trowbridge, tư lệnh Hải quân lãnh đạo đã không có báo cáo về các tổn thất của biệt kích Việt Nam trong lực lượng của MACSOG. Những người Mỹ, chứ không phải những người nước ngoài, quan tâm đầu tiên đến DIA, và DIA không có câu hỏi nào về các cuộc hành quân vụng trộm của biệt kích Việt Nam, họ có thể vẫn còn bị giam giữ. Trong những tuần hồi hương của những tù nhân Mỹ cuối cùng vào ngày 1 tháng 4 năm 1973, tư lệnh Trowbridge đang bị ép phải giảm biên chế. Hình tượng bao trùm của các trại giam trong thời chiến đã bị xoá bỏ, trừ một số đặc biệt ít ở địa bàn Hà Nội. Lầu Năm góc sớm chuyển sang mục tiêu xem xét tình hình của những người Mỹ vẫn còn trong danh sách mất tích và quá trình báo tử của họ quá chậm, chỉ dựa trên những phát hiện dự đoán. Thậm chí những lính biệt kích được xác nhận là còn sống thì cũng chỉ được coi là một vấn đề thuộc về chính phủ của họ, chứ không phải thuộc về Washington.

Trong những thường dân Mỹ hồi hương có Larry Stark và Bob Olsen, hai tù nhân bị giam ở phòng kế tiếp với Lê Văn Ngung ở khu B, trại giam Thanh Trì. Họ đã nói với những người phỏng vấn bất cứ điều gì, nhưng cũng chẳng làm cho người Mỹ gợn lên mối quan tâm đối với số phận của gần bốn trăm lính biệt kích đang sống thiểu não trong các trại giam của Hà Nội.

Trung uý Nguyễn Quốc Đạt của không lực Nam Việt Nam, một người anh hùng của các biệt kích đã gặp anh chớp nhoáng khi anh đến trại giam của họ ở vùng cán xoong, cũng được các tù nhân Mỹ cùng giam với anh ở Hoả Lò nhớ đến. Khi được phóng thích, những người Mỹ yêu cầu phải làm điều gì đó để cứu anh ta, và các chuyên viên Mỹ đã có thể can thiệp để cứu anh ta. Phan Thanh Vân, một phi công lái máy bay C-47 đã bị bắn hạ ở Ninh Bình ngày 1 tháng 7 năm 1961 cũng được phóng thích, nhưng những người khác thoát chết trong các vụ rơi máy bay thì đã chết trong trại giam lâu rồi.

Tháng tư năm 1973, Trung tâm Giải quyết thương vong hỗn hợp (JCRC) ở Sài Gòn, do tướng Rôbert Kingston chỉ huy nộp cho Bắc Việt Nam bản danh sách ưu tiên của nhũng người Mỹ và những người nước ngoài chưa được giải thích, mà Hoa Kỳ quan tâm đến họ. Không có tên một biệt kích nào xuất hiện trên bản danh sách đó hoặc các bản danh sách sau của người Mỹ, người Việt và người các nước khác sau này được JCRC trình bày với người đại diện của Hà Nội.

Việc chỉ huy mới của tướng Kingston có nghĩa là sự quay lại một tổ chức mà ông ta đã phục vụ từ đầu cuộc chiến tranh, nhưng dưới một dạng khác. Tại thời điểm đó, điều làm cho JCRC trở thành một bộ phận của MACSOG và được biết dưới cái tên che đậy là Trung tâm JPRC. Trước đây Kingston đã là sĩ quan dã chiến của các toán biệt kích xâm nhập vào miền Bắc giữa năm 1967.

Ở cương vị mới của mình, tướng Kingston kinh hoàng thấy rằng cơ sở dữ liệu về các tên của người Mỹ bị bắt được đưa vào máy tính của JCRC vẫn chưa được giải thích, thật là một cơn ác mộng. Các địa điểm mất tích của nhiều người Mỹ ở vùng biên giới đã được đưa vào máy tính không chính xác. Trong những bức điện của ông ta chuyển về Washington nói về các dữ liệu đã không đưa vào bất cứ cái tên nào của hàng trăm lính biệt kích do MACSOG phái đi và cuối cùng họ được báo cáo là bị bắt (xem phụ lục 10).

Không phải là mọi biệt kích đều bị giữ lại ở Bắc Việt Nam. Thí dụ như 9 trong số 10 người Việt Nam của toán ILLINOIS, đã bị bắt ở Lào với đại uý Frank Cius và trung sĩ Ronald Dexter đã được Quân đội nhân dân Việt Nam cho hồi hương trở lại Cộng hoà Việt Nam ở điểm trao đổi tù binh bên sông Thạch Hãn. Trong số những người này có Nguyễn Văn Chiến, người phiên dịch của Dexter; Hà Văn Sơn, thành viên Việt Nam thứ 10 của toán này do bộc lộ "thái độ hiếu chiến" nên chưa được hồi hương.

Những người Mỹ làm việc cho cơ quan tình báo của đại tá William Le Gros tại văn phòng tuỳ viên quân sự đóng tại Sài Gòn đã phỏng vấn Nguyễn Văn Chiến và các thành viên khác của toán này. Họ muốn biết số phận của Dexter và phi hành đoàn của chiếc máy bay trực thăng Chinook bị bắn rơi tại Lào, Chiến cho biết rằng Dexter đã bị người hộ tống đánh chết bằng dùi cui ở phía Bắc thị xã Thanh Hoá.

Sau đó Chiến yêu cầu truy lĩnh tiền lương căn cứ vào hợp đồng tuyển dụng của anh ta. Những người phỏng vấn này đã trở nên kinh ngạc, Văn phòng tuỳ viên quân sự này gửi ngay một bức điện cho DIA ở Washington nói rằng Chiến và những người khác sẽ không nói gì trừ khi họ nhận được tiền truy lĩnh. Bức điện này ghi chú rằng việc phỏng vấn Chiến đã kết thúc khi anh ta trở nên căm hờn về vấn đề truy lĩnh.

Các cán bộ Nam Việt Nam cũng phỏng vấn Chiến và các thành viên khác của toán, những người ở cùng với các biệt kích trong trại giam và những người sau cùng được biết là vẫn còn sống. Chưa ai được hồi hương. Rồi Chiến và những người đã hồi hương khác trở về với gia đình. Đối với họ, cuộc chiến tranh này đã qua.

“Chiến ư? Một toán đã hồi hương năm 1973? Tôi nhớ chắc chắn là như vậy. Họ yêu cầu được truy lĩnh. Họ phải đòi khoản nợ này. Họ đã ký hợp đồng và họ phải được thanh toán. Tất cả những người lính đã ký hợp đồng. Tiếc thay MACSOG đã bỏ đi. Chẳng nơi nào có tiền. Nhưng những người Mỹ có một số tiền ở đâu đó và phải thanh toán hết theo qui định của các hợp đồng của họ.”

"Còn về những người lính biệt kích chưa được hồi hương thì sao?” Tôi hỏi. Anh ta trả lời: "Tôi không biết rõ".

-----------------o0o-------------------
(Hết mục 19).

No comments:

Post a Comment