Friday, March 22, 2013

16. LÀM RÕ SỰ THẬT.


Mùa thu năm 1968, phòng 2 trong khu B nhận một người mới-Phạm Việt Phúc, một điệp báo viên của toán HADLEY! Trong suốt thời gian đó anh ta ở đâu và đang làm gì? Lê Văn Ngung thấy người bảo vệ mở cửa buồng 2 và Phúc bước ra để nhận một bát thức ăn khá lớn.
Một bát to! Và anh ta còn có cả thịt nữa chứ!

Ngung bắt đầu đánh moóc lên tường để gây sự chú ý của Phúc. Việc này đã có kết quả? Phúc trả lời, nhưng anh ta tránh trả lời bất kỳ câu hỏi trực tiếp nào về việc anh ta đã ở đâu, đã làm gì, và vì sao được xuất ăn nhiều hơn bình thường cùng với cả thịt. Anh ta có thuốc lá, thuốc đánh răng và cả dầu để thắp sáng nữa!

Những tù nhân khác của toán HADLEY không bao giờ có được những thứ như vậy. Ngung đánh moóc nhấn đi nhấn lại với Phúc: "Anh được nhiều thức ăn hơn tôi".

"Đâu có, chúng ta đều có được một thứ như nhau. Vậy anh bảo tôi có nhiều hơn là có hàm ý gì?"

Đó là điều mà Ngung hy vọng mở đầu câu chuyện, anh ta đánh moóc lại: "Được tôi sẽ xem ngày mai ăn gì và tôi sẽ nói cho anh rõ đó là cái gì".

Ngày hôm sau, Ngung dán mắt nhìn qua lỗ cửa khi Phúc bước ra ngoài phòng giam để lấy bữa ăn trưa. Anh ta chờ cho đến khi người bảo vệ đã rời đi.

Phúc đánh moóc trước "Nào hãy nói với tôi hôm nay tôi có gì để ăn?"

Ngung trả lời ngay "Anh có cơm và cải xoong".

Phúc hỏi "Tôi có cái gì khác nữa?"

Ngưng trả lời rất thận trọng: "Hôm nay anh có thịt.”

Phúc hoảng sợ, anh biết rằng chắc Ngung đã thấy thức ăn của mình và suy ra rằng anh ta đang được đối xử ưu tiên hơn. Ngung nói "Trông anh khá đấy, còn tôi thì còm nhom."

Phúc im lặng. Ngung biết rằng mình đã mở mà và anh ta tiến tới. Ngung hỏi: "Anh đã liên lạc với ban chỉ huy bao lâu rồi?”. Phúc đáp: "Đâu có! Tôi chẳng liên lạc với ai".

"Tôi biết là anh có. Tôi biết điều này từ trước khi chúng ta còn ở Hà Tĩnh. Ngay sau khi chúng ta bị bắt, tôi biết ngay từ đó anh đã sử dụng điện đài". Đó là một thủ đoạn.

Cuối cùng Phúc đầu hàng. "Tôi đã liên lạc với Ban chỉ huy. Những người Cộng sản ép tôi phải sử dụng điện đài".

Ngung hỏi: "Có toán nào được phái ra tăng cường cho chúng ta hay không?”

Đầu tiên Phúc trả lời là không có những người thay thế. Ngung lại doạ Phúc: "Tôi biết là có. Một cán bộ đã bảo tôi như vậy. Họ bảo tôi rằng có một toán đã đến".

Cuối cùng Phúc diu giọng: "Tôi nghĩ là có một toán". Ngung nhấn mạnh "Có phải toán Trần Hiếu Hoa không?"

"Người ta… có một danh sách… các tên rất lạ.”

"Có bao nhiêu người trong toán này?"

"Chắc phải có 6-7-8 người.”

Ngung biết rằng Phúc đang lẩn tránh và nói dối về thành phần của toán. Khoảng 3 tháng sau, Nguyễn Thế Khoa, điện báo viên thứ 2 của toán đó cùng ở với Phúc trong phòng 3. Ngung hỏi Khoa về toán thay thế. Khoa trả lời đúng là có toán thay thế, nhưng máy bay trực thăng của họ đã bị pháo mặt đất bắn hạ. Đại uý Dung đã ở
trên máy bay đó và bị bắt làm tù binh. Khoa cũng bảo Ngung rằng anh đã liên lạc bằng radio với một kỹ sư ở Bắc Việt tại Hà Tĩnh, anh ta hình như là một biệt kích hoạt động tại chỗ của Bộ chỉ huy. Người kỹ sư đó bố trí để gặp Khoa ở một địa điểm nào đó và nói anh ta sẽ giúp Khoa lọc ra, nhưng cuộc gặp đó không bao giờ xảy ra.

Ngung trả lời một cách bực tức rằng Khoa đã nói dối như đồ chó đẻ. Anh ta kết tội Khoa đã bịa ra câu chuyện về người kỹ sư đã nỗ lực để trở lại Nam Việt Nam. Sau khi chửi rủa, Ngung bảo Khoa rằng anh ta đã biết từ đầu rằng Khoa sợ chết vì cộng sản hơn anh ta. Khoa trả lời yếu ớt rằng nếu Ngung không tin anh ta thì anh ta không thể nói gì hơn.

Rõ ràng là Khoa không thích nói về công việc mình đã tiến hành trên điện đài. Đầu tiên anh ta cố giải thích điều đó ngay, nên nói rằng anh đã gặp hoàn cảnh khó khăn vì đã cố gắng để báo cho Bộ chỉ huy biết anh ta đang hoạt động dưới sự điều khiển của Bắc Việt. Khoa biết rằng người Mỹ đã lấy mẫu băng ghi âm mã moóc phát sóng của anh, khi thấy có những đặc tính đặc biệt mà người ta đã biết là "cách điều khiển" của anh. Khoa nói rằng trong lúc phát sóng cho Bắc Việt, anh đã thận trọng kéo dài một số đặc điểm để thay đổi cách đánh, hy vọng rằng Bộ chỉ huy có thể so sánh với băng ghi mẫu tại ở Long Thành có âm thanh của cách đánh qua không trung từ Hà Tĩnh và kết luận rằng có điều gì đó đã trục trặc. Rõ ràng là điều đó đã không đem lại kết quả vì các buổi phát sóng từ trụ sở của toán đó vẫn tiếp tục.

Những điện báo viên được thu dụng khác sau đó khai rằng đại uý Dung đã chỉ thị cho họ hợp tác nếu họ bị bắt và làm bất cứ điều gì người ta yêu cầu họ làm để tự bảo vệ. Đại uý Dung không bao giờ nói như vậy trong lúc anh ta chỉ dẫn cho toán HADLEY. Và Ngung kết luận rằng những điện báo viên được thu dụng đã nói dối.

Khoa và Phúc đã sớm dược chuyển đi nơi khác, và phòng của họ có một số người mới đến ở Với chiếc giũa móng tay đã khá mòn. Ngung bắt đầu vạch các nét vạch dài, ngắn quen thuộc.

“Đa đit đit đit đa". Đó là mã móc của tín hiệu "BT". Đó là tín hiệu mã các điện báo viên phải đánh đi đầu tiên khi họ truyền tin qua không trung, điều đó có nghĩa là họ sẵn sàng bắt đầu phát sóng.

"Đa đít đa", người tù mới trả lời bằng mã móc cho "K", có nghĩa là người điện báo viên ở đầu kia đã sẵn sàng để truyền tin. Aaa! Một điện báo viên khác!

Những nét gạch hầu như không phát ra âm thanh được tiếp tục giữa các phòng.

"Anh là ai?”

"Trương Tuấn Hoàng"

"Anh là ai?", một mã gạch chuyển đến từ người tù không trông thấy ở phòng 3.

Ngung trả lời bằng bí danh "Lê Nhất".

Trương Tuấn Hoàng nhanh chóng trả lời: "Anh có phải là người chỉ huy của toán T không?"

“Đúng?"

Hoàng tiếp tục: "Không thể tin được! Người ta cho rằng anh đã chết! Đại uý Dung nói có tin là anh đã chết, anh đã bị rắn độc cắn chết. Anh không bao giờ tiếp tục đánh điện nữa vì anh đã chết."

Ngung choáng váng, không thể tin được rằng Bộ chỉ huy đã nhắc lại tin này, một sự vi phạm cơ bản của bất cứ thủ tục an toàn về vận hành nào, dù nó là hư hay thực. Điều đó không có ý nghĩa gì đối với Ngung.

"Anh nhảy xuống khi nào?"

"Vào ngày 18/8/1967 cùng với Đỗ Văn Tám. Anh đã biết Đỗ Văn Tám là người mà chúng ta gọi là Tám mộc. Chúng ta là nhóm tăng cường cuối cùng cho toán REMUS, Tám đang ở đâu đây."

"Vì sao anh bị bắt?"

Trương Tuấn Hoàng không trả lời. Sau một thời gian ngắn ở phòng 3, Hoàng đã được chuyển sang khu C.

Trong vòng vài ngày, Ngung nhận thấy có điều gì không ổn khi một cán bộ bỗng nhiên vào phòng giam của anh và kiểm tra phòng cẩn thận. Dường như cán bộ này đang tìm kiếm một vật gì đặc biệt. Bỗng nhiên người cán bộ đi về phía trước và chỉ vào một số dấu vạch trên bức tường. Mọi điện báo viên trong trại giam đều biết đó là gì, những dấu vạch nhẹ bằng đinh lên lớp vữa mềm khi người tù vạch các dấu gạch dài và ngắn tạo thành các vạch ngang và dấu chấm của mã móc-không cần bàn cãi gì nữa, đó là bằng chứng của việc liên lạc. Cán bộ này hỏi: "Cái gì đây?"

Ngung nói: "Tôi hoàn toàn không có ý đồ gì".

"Anh đừng giả vờ! Đi theo tôi!", Ngung được hộ tống đến trụ sở nhà giam ở phòng quản chế. Năm cán bộ đang ngồi đọc báo bên chiếc bàn. Người cán bộ, trạc 30 tuổi mặc quần áo thường phục là người có giọng nói Hà Nội và nói tiếng Anh rất giỏi, làm phiên dịch cho tù binh Mỹ; trung uý Vượng, sỹ quan thường trực của trại giam; trung uý Hoan, trưởng ban quản giáo; đại uý Lộc, chỉ huy trại giam và một sỹ quan trẻ thực hiện các việc vặt cho Lộc. Ngung được chỉ ngồi vào chiếc ghế ở phía đối diện của bàn và 5 người. Họ nhìn anh ta trừng trừng.

Ngung kêu to "Thưa cán bộ !", đó là cách xưng hô của mọi tù nhân với cán bộ.

Hoan bắt đầu "Hôm nay anh có khoẻ không?", giọng anh ta thân mật và có vẻ quan tâm.

"Thưa cán bộ, hôm nay tôi không được khoẻ lắm", Ngung trả lời, giọng anh ta hạ thấp dường như anh bị ốm.

Hoan tiếp tục cách nói đùa thân mật: "Anh nghĩ thế nào về việc cải huấn từ lúc anh đến đây?"

“Thật tình tôi chưa nghĩ về điều này. Tôi không hiểu nó là gì?"

“Tức là anh thật sự cố ý không hiểu chế độ miền Bắc của chúng tôi phải không?”

"Thưa cán bộ, tôi không nhận thức được điều gì. Tôi không có cái gì để đọc. Tôi luôn luôn ở trong phòng giam. Ở đó chẳng có gì để nhận biết trong bóng tối. Chỉ có bốn bức tường của phòng giam. Mỗi ngày tôi được ăn 2 bữa. Đó là tất cả những diều mà tôi biết".

Hoan nói:"Vậy thì hãy cho chúng tôi biết anh ở Miền Nam lúc nào, anh học được bao lâu? Anh đã học đến cấp nào?"

"Thưa cán bộ, sức học của tôi chỉ ở mức trung bình".

"Còn tiếng Anh thì sao? Anh có biết tiếng Anh không?"

"Có ạ, tôi đã học một ít khi còn ở nhà trường. Nhưng như ông biết, đến nay đã quá lâu hầu như tôi đã quên hết. Vả lại tôi chỉ học trong vài năm, và sau đó mỗi tuần chỉ học một hai giờ". Giọng nói của Ngung yếu dần đi.

"Anh có biết về quốc tịch của những tù nhân ở phòng bên cạnh phòng anh không?”

“Tôi có thể nghe các âm thanh, tiếng nói của những người ở phòng giam bên cạnh, nhưng không rõ lắm. Tôi không biết họ là ai. Họ có thể là người Trung Quốc, Pháp hoặc gì đó. Tôi không biết, tuy vậy tôi chắc chắn họ là những người nước ngoài".


Anh có biết rằng những người Mỹ đang ở trong phòng bên cạnh phòng anh không?"
"Không, tôi không biết. Tôi không biết họ là ai, chỉ biết rằng chắc chắn họ là người nước ngoài".

"Anh có nghĩ rằng anh có thể nói tiếng Anh với một người Mỹ?"

"Thưa cán bộ, khi còn đi học tôi đã học nói và viết tiếng Anh. Đã lâu rồi hầu như tôi quên hết".

"Nếu chúng tôi cho phép anh nói chuyện với một người Mỹ, anh có thể nói chuyện với người đó không?"

"Thưa cán bộ, tôi đã học thứ tiếng này lâu lắm rồi…". Giọng của Nhung chìm xuống.

“Anh đã giao tiếp với những người Mỹ! Anh đã nói chuyện với những người Mỹ!", giọng nói của ông ta thay đổi, nhấn đi nhấn lại với vẻ đe doạ.

"Tuyệt đối không? Tôi chưa giao tiếp với họ. Vả lại tôi không thể nói chuyện với họ. Làm sao tôi có thể nói? Người bảo vệ luôn đứng ngay phía ngoài các phòng gian. Những người bảo vệ không cho phép nói gì".

"Vậy hãy cho chúng tôi biết một lần nữa. Có lúc nào anh đã giao tiếp với những người Mỹ chưa?"

"Không, không bao giờ".

“Hãy nói sự thật. Anh phải nói sự thật, nói tất cả mọi điều.”

"Tôi đang nói sự thật với ông. Thậm chí tôi không biết đủ tiếng Anh để giao tiếp với bất kỳ người Mỹ nào".

Lúc này anh ta nói chậm lại, nhấn vào từng chữ: "Hãy nói với chúng tôi về sự thật".

"Tôi đang nói với ông về sự thật."

"Được rồi. Chúng tôi sẽ để anh quay về phòng giam. Chúng tôi muốn anh suy nghĩ qua bữa trưa rồi anh sẽ trở lại gặp chúng tôi chiều hôm nay, và chúng ta sẽ nói chuyện thêm về điều này".

Ngung trở về phòng giam của mình. Anh chờ qua bữa trưa, cả buổi chiều và buổi tối, nhưng không có ai gọi lại anh.

Sáng hôm sau, người bảo vệ đến phòng giam của Ngung và hộ tống anh về Ban quản giáo. Đang chờ anh có trung uý Vượng, trung uý Hoan và một phiên dịch tiếng Anh không quen biết.

“Bây giờ anh có muốn nói gì khi anh đã có thời gian để suy nghĩ lại?"

"Thưa cán bộ. Không có gì thay đổi."

"Anh thật là bướng bỉnh! Hai người đã nhận dạng anh, anh là người nói dối!"

Hoan đưa tay xuống và kéo ngăn kéo ở chiếc bàn của anh. Anh lấy ra một túm tăm nhỏ bằng vải nylông. Ngung nhận ra nó ngay. Anh đã làm ra nó bằng tay trong phòng giam của mình và tặng cho Larry Stark và Bob Olsen.

"Anh có biết cái này không?"

Ngung ngồi đó không nói, mắt trừng trừng. Điều đó có nghĩa là người cán bộ này đã khám phá ra việc anh ta liên lạc với Stark và Olsen. Thật đáng ngạc nhiên, người trung uý này không đưa ra chiếc khăn tay mà Ngung đã làm bằng tay thêu dòng chữ "Tặng Bob và Larry nhân ngày lễ Giáng sinh" mà anh đã chuyển cho họ trong tháng 12/1968. Trung uý này ném chiếc túi ny lông xuống bàn. Đôi mắt Ngung theo dõi động tác này. Chiếc túi rơi gần cặp tài liệu dày có tên của Bob Olsen và vợ anh ta, Carol, nổi bật trên lề của một tờ giấy thò ra khỏi tập hồ sơ dầy.

"Anh đã nói chuyện với những người Mỹ, chúng tôi biết hết mọi điều! Chúng tôi còn biết rõ những điều anh đã nói! Anh phải kể lại chính những điều anh đã nói với những người Mỹ. Anh phải nói với chúng tôi sự thật. Những người Mỹ này đã kể với chúng tôi mọi việc. Tôi ra lệnh cho anh phải nói sự thật."

Ngung đã không nói gì và được dẫn trở về phòng giam của mình. Ngung suy luận rằng một hoặc cả hai người Mỹ này đã nói ra. Trên đường quay trở về phòng giam của mình, anh ta cố nghĩ ra một kế hoạch hành động. Anh quyết định rằng hành động tốt nhất là thú nhận mình đã nói chuyện với những người Mỹ này. Anh sẽ tránh đưa ra các chi tiết và khai rằng họ chỉ nói chuyện về thời tiết và những điều trần tục khác mà những người tù luôn luôn nói tới.

Sau này người ta yêu cầu anh ta quay lại Ban quản giáo để viết một bản kiểm điểm nói chi tiết về các cuộc đàm thoại của anh với Stark và Olsen. Khi anh viết xong, người bảo vệ đưa bản kiểm điểm này cho trung uý Hoan. Ngày hôm sau Hoan ra lệnh gọi Ngung trở lại. "Thế là đủ. Anh đã khai ra một ít", rồi Hoan nhắc lại những điều mà Ngung đã trao đổi với Bob Olsen, như hướng và khoảng cách đến sông Hồng và chi tiết về các nhà hàng ở thành phố Hà Nội. Sao họ biết được tất cả điều đó? Ngung nhìn người cán bộ. "Thưa cán bộ, tôi nghĩ rằng người Mỹ này chắc hẳn đã nhầm lẫn. Anh ta chắc đã nhầm tôi với một cuộc nói chuyện với người bảo vệ". Ngung trình bày có một lần khi một người bảo vệ nói chuyện với Olsen anh ta đã chỉ cho Olsen xem một tấm ảnh của vợ và các con anh, và nói với Olsen rằng anh ấy sống ở Hà Nội.

Người cán bộ này ngây ra nhìn Ngung trừng trừng. Rồi anh ta đập bàn để làm Ngung chú ý vào thực trạng của vấn đề: "Đây là chiếc bút chì và vài tờ giấy. Tôi muốn anh ngồi đây và viết mọi điều mà anh đã giao tiếp với những người Mỹ này. Lần này chúng tôi muốn biết tất cả mọi điều. Ngung tỏ ra chấp hành theo lệnh, nhưng anh ta cẩn thận lọc bỏ đi hầu hết các cuộc nói chuyện dài của họ. Vài tuần sau thật là căng thẳng. Trương Tuấn Hoàng vừa trở lại khu B, cho biết một tin tức đáng quan tâm, ở trại giam hiện đang có những hoạt động điều tra. Người ta nói rằng họ tập trung vào sự tham ô và đánh cắp tiền chi cho khẩu phần thức ăn của tù nhân.

Đối với Ngung dường như điều đó đã được giải thích bằng cuộc viếng thăm đột xuất mới đây của một cán bộ cấp trên, mà theo lời của một cán bộ ở trại Thanh Trì là "một cán bộ rất có uy tín của Bộ Công an". Ông là một người có vóc to chắc nịch, trạc tuổi sáu mươi. Các nhân viên đi theo ông để mở từng cánh cửa và kiểm tra từng phòng giam. Người cán bộ này ngó vào, dường như việc này đang trông đợi vào ông, và dường như là ông không muốn làm điều đó. Chuyến viếng thăm này thật quá bất thường. Rõ ràng là có điều gì đó đang xảy ra.

Vài tuần lễ sau, một người bảo vệ đến phòng giam của Ngung và nghiêm khắc bảo Ngung đi theo anh ta. Anh ta dẫn Ngung ra sân ở phía trước khu A. Ngung hy vọng được chuyển lại một trong những phòng giam của khu A, anh bước qua ngưỡng cửa, nhưng người bảo vệ đẩy anh sang bên trái vào một trong 2 phòng giam kỷ luật. Ngung bước vào phòng 20 và cánh cửa đóng sập lại sau lưng anh. Trừ những lần đưa thức ăn vào, cánh cửa luôn bị khoá liền trong hai tháng.

Trong phòng 19 bên cạnh có 2 tù nhân rất kín đáo. Họ phá vỡ bầu không khí đơn điệu gần như hoàn toàn im lặng khi họ được cho ra ngoài để quét sân. Những người tù khác: những người Mỹ, cao và hốc hác, chân họ gầy như que củi; đi ra ngoài sân từ các phòng giam ở khu A để quét sân hoặc để tập thể dục.

Vào cuối tháng 10, Ngung được chuyển sang phòng 13 ở khu A. Cánh cửa phòng bên, phòng 14, được mở rồi đóng lại. Có người nào đó ở chung với anh ta trong phòng giam bên cạnh. Trong vài ngày anh đã liên lạc với người láng giềng ở phòng 14, nhưng không bao giờ có một câu trả lời. Anh rủa anh ta về sự im lặng và hỏi tại sao không thể trả lời. Một hôm anh nghe thấy người bảo vệ hỏi người tù này về tên, tuổi và quê quán ở đâu. Giọng nói của anh ta cho thấy rằng anh ta là Đại, Quận trưởng Quận Phú Bài ở Tỉnh Quảng Trị, miền Nam Việt Nam. Vài ngày sau, Đại được chuyển sang phòng 20 và Ngung không bao giờ còn gặp lại anh ta nữa.

Vào ngày 3 tháng 11 năm 1969, người bảo vệ thường trực đến vào lúc tảng sáng và mở cửa phòng giam của Ngung. "Thu dọn các đồ đạc của anh rồi đi với tôi", anh ta nói thế.

Ngung đi ra nhanh và thấy 3 thành viên của toán HADLEY đang đợi anh ta ở khu A. Để lại phía sau một người bạn thân nhất, Lương Trọng Thường, bị nhốt ở phòng 2 của khu B. Bị khoá tay và đẩy lên chiếc xe Jip đậu ở phía ngoài cổng trại giam Thanh Trì. Những người tù này nhanh chóng được chở dọc theo sông Hồng hướng về phía biên giới Trung Quốc.

------------------o0o---------------------
(Hết mục 16).

No comments:

Post a Comment